Nâng cao chất lượng lưới điện hạ thế nông thôn
LSO-Hiện nay, điện lực Chi Lăng quản lý 90 trạm biến áp (TBA), với công suất 12.572 KVA; 196 km đường dây trung thế 35 kV; 629 km đường dây hạ thế 0,4 kV; cấp điện cho gần 16.000 khách hàng, trong đó có gần 11.500 khách hàng nông thôn. Thời gian qua, điện lực Chi Lăng chú trọng nâng cao chất lượng lưới điện hạ thế nông thôn nhằm đảm bảo cấp điện cho khách hàng an toàn, liên tục.
Nhân viên điện lực Chi Lăng lắp đặt công tơ mới tại thôn Lũng Cút, thị trấn Đồng Mỏ |
Ông Nguyễn Đăng Dũng, Giám đốc điện lực Chi Lăng cho biết: trước năm 2009, lưới điện hạ thế nông thôn trên địa bàn huyện được quản lý, vận hành theo mô hình hợp tác xã (HTX). Trong quá trình thực hiện, các mô hình HTX điện nông thôn đã bộc lộ nhiều điểm bất cập, ảnh hưởng đến an toàn vận hành, chất lượng điện áp thấp. Điều đó dẫn đến tình trạng hệ thống lưới điện tại nhiều khu vực nông thôn đều cũ nát, chắp vá, nguy cơ mất an toàn cao, tỉ lệ tổn thất lên đến 20%- 30%. Mặt khác chất lượng điện áp thấp, không ổn định, trong khi người dân vẫn phải mua điện với giá, cao hơn từ 2- 4 lần giá trần Chính phủ quy định;… Ngay sau khi có chỉ đạo của Công ty Điện lực Lạng Sơn về việc triển khai thực hiện đề án tiếp nhận lưới điện hạ thế nông thôn để bán trực tiếp đến các hộ dân nông thôn (từ tháng 7/2009), điện lực Chi Lăng không chỉ thực hiện ngay việc bán điện theo giá bậc thang (theo giá quy định) mà còn khẩn trương tiến hành tìm hiểu, nghiên cứu tình hình thực tế để xây dựng kế hoạch đầu tư sửa chữa, cải tạo lưới điện hạ thế nông thôn để nâng cao chất lượng điện áp, đảm bảo an toàn vận hành. Đến nay, với sự nỗ lực của điện lực Chi Lăng, toàn huyện chỉ còn khoảng 1.000hộ/11.405 hộ dân nông thôn chưa được mua điện trực tiếp từ ngành điện. Không còn cảnh “ăn đèn, ngủ điện”, bà La Thị Hùng, thôn Lũng Cút, thị trấn Đồng Mỏ không giấu được niềm vui: từ đầu tháng 8/2014, gia đình bà rất phấn khởi vì được sử dụng nguồn điện ổn định, ti vi, quạt,… đều sử dụng tốt chứ không phải nằm “đắp chiếu” như trước; chấm dứt nhiều năm liền phải sống trong cảnh nguồn điện yếu, các đồ gia dụng dùng điện bị hỏng, cháy.
Qua tìm hiểu được biết, năm 2014, thôn được ngành điện huyện đầu tư lắp đặt mới 1 trạm biến áp, hệ thống cột gỗ được thay thế bằng cột bê tông, sử dụng dây cáp vặn soắn, công tơ và hòm công tơ được lắp đặt mới và được mua điện trực tiếp không qua công tơ tổng như trước. Theo ông Dũng, lưới điện hạ thế nông thôn tại nhiều xã được đầu tư đã lâu, hoặc người dân tự đóng góp tiền để xây dựng nên hầu hết đều không đạt quy chuẩn. Có xã 100% số cột được dựng bằng tre, gỗ, tiết diện dây trên lưới nhỏ, xà, sứ thiếu và yếu; công tơ không có hòm, không rõ nguồn gốc xuất xứ, hàng chục năm không được kiểm định nên sai số rất lớn. Thực hiện chỉ đạo của Công ty Điện lực Lạng Sơn, từ năm 2009 đến nay, điện lực Chi Lăng đã thực hiện cải tạo lưới điện hạ thế nông thôn trên địa bàn 21/21 xã, thị trấn; đã thay mới được 9.135 công tơ 1 pha, 543 công tơ 3 pha và hòm công tơ. Trong 7 tháng năm 2014, Điện lực Chi Lăng đã thay thế dây mới được gần 1.000 mét; thực hiện xóa bán tổng cho 42 hộ; lắp đặt mới được 2 trạm biến áp tại thôn Lũng Cút (thị trấn Đồng Mỏ và xã Quang Lang); thực hiện dự án DEP 2 tại 6 xã, trong đó tại 3 xã Vạn Linh, Hòa Bình, Gia Lộc cơ bản đã dựng xong cột (chờ kéo dây), 3 xã gồm Quang Lang, Quan Sơn, Chiến Thắng đã thực hiện đào móng cột xong; dự án ADB, KFW được triển khai theo kế hoạch dự án.
Với những cố gắng của điện lực Chi Lăng, đến nay cơ bản trong toàn huyện, người dân được sử dụng điện lưới quốc gia, chỉ còn 3 thôn vùng đặc biệt khó khăn của xã Hữu Kiên là chưa được sử dụng; hầu hết chất lượng lưới điện hạ thế nông thôn tại các xã đều đã ổn định; tỉ lệ tổn thất giảm từ 24,5 % (2009) xuống còn 13,49 %(2014).
ĐỖ HOẠT
Ý kiến ()