Nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh
Kỹ thuật viên Bệnh viện Lao và bệnh Phổi Lạng Sơn thực hiện xét nghiệm bệnh phẩm bằng máy Gene Xpert |
Bác sĩ cao cấp Nguyễn Ngọc Trọng, Giám đốc Bệnh viện Lao và bệnh Phổi tỉnh cho biết: Từ trước đến nay, việc chẩn đoán lao ở Bệnh viện Lao và bệnh Phổi Lạng Sơn đều dựa vào xét nghiệm soi đờm trực tiếp. Phương pháp này dễ thực hiện, có thể tiến hành tại phòng xét nghiệm của các huyện, thành phố; nhưng thời gian trả kết quả lâu (phải chờ đến 24 giờ). Bệnh cạnh đó, giới hạn của kỹ thuật này là độ nhạy thấp nên chỉ phát hiện được khoảng 45 đến 60% số trường hợp mắc bệnh lao. Ngoài ra, các trường hợp nghi ngờ lao kháng thuốc, Bệnh viện Lao và bệnh Phổi tỉnh Lạng Sơn phải chuyển bệnh nhân đến Bệnh viện 74 Trung ương hoặc Bệnh viện Phổi Trung ương làm xét nghiệm nuôi cấy, thời gian phải chờ từ 2 đến 3 tháng mới có kết quả chính xác. Do vậy gây chậm trễ cho sự phát hiện và chỉ định điều trị bệnh lao đa kháng thuốc, khiến cho nhiều người có thể bị tử vong trước khi được điều trị. (Điều trị lao đa kháng thuốc đang là vấn đề cấp bách của thế giới trong đó có Việt Nam đang phát triển rất nhanh).
Để khắc phục thực trạng trên, nâng cao chất lượng chẩn đoán lao và phục vụ cho công tác điều trị được kịp thời; từ tháng 12/2016, Bệnh viện Lao và bệnh Phổi Lạng Sơn đã đưa vào ứng dụng kỹ thuật xét nghiệm đờm bằng máy Gene Xpert. Đây là một công nghệ mới, rất hiện đại, tích hợp 3 công nghệ: tách gen, nhân gen và nhận biết gen, cho phép xác định nhanh vi khuẩn lao trong vòng 2 giờ, độ chính xác đạt hơn 99%. Bác sĩ Nguyễn Ngọc Trọng cho biết thêm: Kỹ thuật xét nghiệm đờm bằng máy Gene Xpert đã được Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) thẩm định, tài trợ và Bộ Y tế nước ta đã phê duyệt quy trình, triển khai mở rộng trong toàn quốc nhằm phát hiện sớm tất cả các thể lao trong cộng đồng; đặc biệt là sàng lọc phát hiện lao kháng thuốc giúp rất nhiều cho việc điều trị của bệnh nhân, giảm gánh nặng về kinh tế, đi lại khó khăn của người bệnh; đảm bảo thực hiện hiệu quả Chương trình chống lao quốc gia trong giai đoạn mới.
Cùng với việc việc ứng dụng công nghệ máy Gene Xpert vào chẩn đoán và điều trị, hai năm trở lại đây, Bệnh viện Lao và bệnh Phổi tỉnh Lạng Sơn đã triển khai nhiều giải pháp để nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh. Theo đó, đổi mới phong cách thái độ phục vụ của cán bộ y tế hướng tới sự hài lòng của người bệnh; tăng cường hợp tác với Bệnh viện 74 Trung ương, Bệnh viện Phổi trung ương để tập huấn nâng cao nghiệp vụ, hỗ trợ chuyển giao kỹ thuật về việc sử dụng các loại máy móc, thiết bị y tế mới. Tích cực nghiên cứu các đề tài khoa học, nhiều sáng kiến kinh nghiệm mang tính thực tiễn cao của bệnh viện đã được triển khai, góp phần tiết kiệm chi phí, thực hiện tốt hơn các nhiệm vụ của đơn vị. Trong đó, bệnh viện đã ban hành được phác đồ điều trị mới, cập nhật kiến thức chuẩn theo chương trình của Bộ Y tế, đồng thời triển khai, chuẩn hoá một số kỹ thuật mới như: tăng và hạ Kali máu, cơn nhịp tim thất và cơn nhịp tim trên thất; xét nghiệm AFB trực tiếp nhuộm huỳnh quang, chụp Xquang số hoá, thông khí nhân tạo xâm nhập, sốc điện…
Nhờ áp dụng các tiến bộ khoa học và cải tiến kỹ thuật vào khám chữa bệnh nên bệnh viện đã cứu sống được nhiều trường hợp bệnh nặng nguy kịch như: suy thận cấp, suy hô hấp, rối loạn nhịp tim, ho ra máu, sốc nhiễm khuẩn… Những trường hợp nặng, nguy kịch trước đây đều phải chuyển tuyến trung ương, nay bệnh viện đã điều trị thành công. Kết quả từ năm 2015 đến nay, bệnh viện đã thực hiện khám và điều trị cho trên 11.000 lượt bệnh nhân, tăng 3% so với năm 2014, tỷ lệ khỏi bệnh đạt trên 85 %.
Từ những thành công trong công tác phát triển và ứng dụng khoa học kỹ thuật, đầu tư trang thiết bị hiện đại, đào tạo nhân lực chất lượng cao, đáp ứng ngày càng tốt nhu cầu khám, chữa bệnh, năm 2016, Bệnh viện Phổi Trung ương đã đồng ý cho Bệnh viện Lao và bệnh Phổi Lạng Sơn thành lập đơn vị điều trị lao kháng thuốc tại tỉnh. Do vậy, ai có nhu cầu xét nghiệm lao đa kháng thuốc liên hệ số điện thoại: 0253.876.579 (trong giờ hành chính).
Lao đa kháng thuốc là một dạng lao dễ gây tử vong, khó điều trị và kháng lại phần lớn các thuốc chống lao có hiệu lực mạnh nhất như: isoniazid và rifampicin. Kháng thuốc chống lao có thể xảy ra khi bệnh nhân không được chỉ định các phác đồ điều trị lao phù hợp hoặc khi bệnh nhân không hoàn thành đầy đủ việc điều trị theo phác đồ. |
Ý kiến ()