Nâng cao chất lượng huấn luyện chiến đấu ở Lữ đoàn 162
Biên đội tàu của Lữ đoàn 162 thường xuyên huấn luyện khi tàu cơ động thực hiện nhiệm vụ, huấn luyện trong điều kiện thời tiết phức tạp để nâng cao khả năng sẵn sàng chiến đấu
– Lữ đoàn 162 Vùng 4 Hải quân được biên chế nhiều tàu chiến đấu hiện đại, vũ khí trang bị kỹ thuật (VKTBKT) thế hệ mới có tính năng kỹ, chiến thuật tiên tiến và đa dạng về chủng loại. Những năm qua, Lữ đoàn luôn làm tốt công tác huấn luyện, nâng cao khả năng sẵn sàng chiến đấu, góp phần hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao.
Lữ đoàn 162 có nhiệm vụ huấn luyện chiến đấu, sẵn sàng chiến đấu đối ngoại Quốc phòng và các nhiệm vụ khác được giao. Thực hiện nghị quyết chuyên đề về công tác huấn luyện, cấp ủy đảng các cấp của Lữ đoàn đã lựa chọn, xây dựng đơn vị điểm về huấn luyện giỏi để rút kinh nghiệm và nhân rộng trong toàn Lữ đoàn. Thượng tá Mai Văn Doanh, Chính ủy Lữ đoàn cho biết: “Trong quá trình xây dựng và nhân rộng điển hình tiên tiến trong công tác huấn luyện, chúng tôi lựa chọn đột phá vào khâu yếu, mặt yếu; tập trung vào những việc mới, việc khó để khơi dậy, rèn luyện ý chí quyết tâm hoàn thành nhiệm vụ bộ đội”.
Xác định cán bộ là khâu then chốt quyết định chất lượng huấn luyện, Lữ đoàn đã lựa chọn các đồng chí là sĩ quan, quân nhân chuyên nghiệp có trình độ chuyên môn giỏi làm nòng cốt cho tổ giáo viên. Các tổ giáo viên làm tốt công tác chuẩn bị bài giảng, tổ chức giảng thử, giảng mẫu, bình giảng trước khi lên lớp nhằm nâng cao chất lượng, hiệu quả huấn luyện.
Thượng tá Phạm Văn Sơn, Lữ đoàn trưởng Lữ đoàn 162 chia sẻ: “Chúng tôi chú trọng phát huy sáng kiến, cải tiến kỹ thuật, biên dịch, biên soạn tài liệu, làm mô hình, học cụ và các trang, thiết bị mô phỏng phục vụ cho công tác huấn luyện. Việc làm này vừa giúp bộ đội nhanh chóng nghiên cứu sâu, thuần thục động tác khai thác sử dụng, vừa tiết kiệm giờ hoạt động, nâng cao tuổi thọ, chất lượng VKTBKT”.
Trong quá trình huấn luyện, chỉ huy các cấp phối hợp với các tổ giáo viên thường xuyên kiểm tra, nắm chắc chất lượng, trình độ chuyên môn từng cán bộ, chiến sĩ. Trên cơ sở đó, các tàu phân công các đồng chí cán bộ, quân nhân chuyên nghiệp có trình độ nghiệp vụ khá, giỏi trực tiếp kèm cặp, huấn luyện cho các quân nhân trong ngành. Kết thúc mỗi bài học, khoa mục huấn luyện, tổ giáo viên tiến hành kiểm tra, đánh giá kết quả nhận thức của bộ đội, khi đạt yêu cầu mới chuyển nội dung khác.
Toàn Lữ đoàn thống nhất phương châm “cơ bản, thiết thực, vững chắc”; thực hiện huấn luyện từ lý thuyết đến thực hành, từ cơ bản đến chuyên sâu… Mỗi cán bộ, chiến sĩ được huấn luyện thuần thục tại các vị trí sau đó phối hợp luyện tập giữa các ngành rồi đến toàn tàu, tăng cường luyện tập bài tập nhóm, hội báo chiến thuật và cuối cùng là huấn luyện biên đội tàu hiệp đồng chiến đấu. Nhờ đó, sau khi huấn luyện cán bộ, chiến sĩ luôn nắm chắc nội dung, thành thục yếu lĩnh động tác, nâng cao trình độ xử trí tình huống sẵn sàng thực hiện nhiệm vụ khi có lệnh.
Trung tá Quân nhân chuyên nghiệp Phạm Hồ Giang, Tiểu đội trưởng tên lửa, Tàu 375 kể: “Căn cứ vào nội dung, yêu cầu của các bảng bố trí chiến đấu, Ban chỉ huy tàu đưa ra những định mức về thời gian và yêu cầu cần đạt được để rèn luyện. Yêu cầu đạt được với các vị trí chiến đấu là nắm vững chức trách, thao tác chính xác trên trang bị tại vị trí chiến đấu mình phụ trách và sẵn sàng thay thế 1 đến 2 vị trí khác trong tiểu đội”.
Cùng với các nội dung huấn luyện chuyên môn nghiệp vụ, Lữ đoàn duy trì nghiêm các chế độ rèn luyện thể lực, luyện tập thể thao và các nội dung huấn luyện bổ trợ giúp bộ đội tăng cường sức khỏe, sự dẻo dai và sức chịu đựng sóng gió. Trao đổi về kinh nghiệm trong công tác huấn luyện, Trung tá Vũ Khánh Hải, Thuyền trưởng Tàu 015-Trần Hưng Đạo cho biết: “Chúng tôi đặc biệt chú trọng huấn luyện trong quá trình tàu hành trình thực hiện nhiệm vụ trên biển, trong điều kiện thời tiết phức tạp, khó khăn như: Sóng to, gió lớn, đêm tối… để rèn luyện bộ đội. Khi có tình huống xảy ra, cán bộ, chiến sĩ có thể bình tĩnh xử trí, hoàn thành tốt nhiệm vụ mà không bị động, bất ngờ”.
Trong quá trình huấn luyện chuyên sâu VKTBKT, chỉ huy Lữ đoàn tăng dần cường độ, từng bước nâng cao độ khó nhằm nâng cao năng lực tổ chức, chỉ huy hiệp đồng và khả năng sẵn sàng chiến đấu cho bộ đội. Sau từng nội dung, khoa mục và vấn đề huấn luyện từng bộ phận, ngành, các tàu tổ chức rút kinh nghiệm, chỉ rõ điểm mạnh, điểm yếu, nguyên nhân và trách nhiệm cụ thể nhằm khắc phục triệt để, nâng cao chất lượng huấn luyện trong các lần sau.
Hoàn thành tốt và xuất sắc công tác huấn luyện, cán bộ, chiến sĩ Lữ đoàn luôn làm chủ VKTBKT, sẵn sàng chiến đấu cao, những con tàu luôn sẵn sàng rời bến thực hiện nhiệm vụ khi có lệnh. Nhiều năm liên tục, Lữ đoàn 162 đạt danh hiệu Đơn vị huấn luyện giỏi cấp Bộ Quốc phòng và trở thành một trong những lá cờ đầu trong phong trào Thi đua Quyết thắng của Quân chủng Hải quân.
Ý kiến ()