Nâng cao chất lượng hoạt động tổ vay vốn: Hiệu quả từ cải cách quản lý
LSO- Để nâng cao chất lượng hoạt động của các tổ tiết kiệm và vay vốn, trong 3 năm qua, Ngân hàng Chính sách Xã hội đã có nhiều cải cách trong công tác quản lý tổ. Từ đó, các tổ hoạt động ngày càng có hiệu quả, quản lý tốt hơn nguồn vốn ưu đãi tại cơ sở.
Tổ tiết kiệm và vay vốn hoạt động trung bình, yếu kém là những tổ có nợ quá hạn lớn, lãi tồn đọng nhiều, chưa duy trì tốt hoạt động, tổ trưởng không nhiệt tình, thiếu trách nhiệm… Những yếu kém này sẽ ảnh hưởng không nhỏ đến công tác quản lý vốn, hiệu quả sử dụng nguồn vốn chính sách không cao.
Để hạn chế số tổ hoạt động trung bình, yếu kém, Ngân hàng Chính sách Xã hội đã có nhiều biện pháp để nâng cao chất lượng hoạt động của tổ tiết kiệm và vay vốn. Từ năm 2014 đến nay, công tác quản lý tổ tiết kiệm và vay vốn có nhiều cải cách, đổi mới: từ kiểm tra, giám sát, tập huấn bằng cách “cầm tay chỉ việc” đến việc đánh giá tổ… Điển hình là thực hiện cách chấm điểm, xếp loại tổ và thực hiện ghi chép sổ họp giao ban theo một mẫu thống nhất.
Các Tổ trưởng Tổ tiết kiệm và Vay vốn cộng sổ tại điểm giao dịch xã Gia Cát, Cao Lộc
Bắt đầu từ tháng 1/2015, Ngân hàng Chính sách Xã hội tỉnh đánh giá, xếp loại tổ tiết kiệm và vay vốn theo văn bản số 79/NHCS-TDNN ngày 12/1/2015 của Tổng Giám đốc Ngân hàng Chính sách Xã hội. Theo cách mới này, việc đánh giá các tổ thực hiện trên phần mềm máy tính tự động theo một thang điểm có sẵn trên cơ sở hoạt động thu nợ, thu lãi, cho vay, thu tiết kiệm… Trước đây, công tác đánh giá tổ được thực hiện thủ công, 3 tháng mới đánh giá một lần thì hiện nay thực hiện một lần/tháng.
Theo cách làm mới, trong 8 tháng qua, Ngân hàng Chính sách Xã hội đã đánh giá chất lượng, xếp loại tổ đúng thực chất công bằng, chính xác hơn. Sau mỗi lần xếp loại, số tổ hoạt động trung bình, yếu, hoặc tổ chưa đủ số thành viên theo quy định đã được tập huấn, kiện toàn kịp thời (trong 8 tháng kiện toàn 214 tổ). Đến nay, toàn tỉnh có 2.639 tổ tiết kiệm và vay vốn, tinh giản 79 tổ so với cách quản lý cũ. Chất lượng hoạt động nâng lên, tổ xếp loại khá, tốt chiếm trên 96%. Chị Hoàng Thị Thu Hạnh, Chủ tịch Hội phụ nữ xã Mai Sao, huyện Chi Lăng chia sẻ: “Thực hiện đánh giá, xếp loại tổ hàng tháng giúp cho tổ chức hội kịp thời đôn đốc, nhắc nhở về những hạn chế như: nợ quá hạn, tồn lãi, quản lý chặt chẽ hơn các tổ tiết kiệm và vay vốn. Hiện nay, Hội quản lý 4 tổ tiết kiệm và vay vốn, với số dư nợ trên 3,7 tỷ đồng, hoạt động tổ khá, tốt và vốn phát huy hiệu quả…”
Cùng đó, Ngân hàng Chính sách Xã hội phối hợp cấp sổ họp giao ban cho các tổ chức hội, tổ tiết kiệm và vay vốn. Sổ họp giao ban in sẵn các nội dung: nội dung họp, kết quả hoạt động của tổ, tồn tại, khó khăn, chính sách, nghiệp vụ mới… Với cuốn sổ này, các tổ trưởng không còn lúng túng trong việc ghi chép cuộc họp như trước. Việc ghi chép đầy đủ hơn, phục vụ tốt hơn cho công tác tuyên truyền, phổ biến chính sách mới cũng như triển khai nhiệm vụ thu nợ, thu lãi tháng tiếp theo.
Sau gần một năm cấp sổ họp giao ban, 100% tổ tiết kiệm và vay vốn thực hiện nghiêm túc việc ghi chép theo mẫu, lưu giữ đầy đủ, chi tiết các thông tin, nội dung hoạt động… Nhờ đó, việc kiểm tra, giám sát hoạt động của các tổ thuận lợi hơn, quản lý hiệu quả các tổ vay vốn.
Ông Trần Việt Sơn, Giám đốc Ngân hàng Chính sách Xã hội tỉnh cho biết: Những cải cách, đổi mới trong công tác quản lý tổ vay vốn đã từng bước nâng cao chất lượng hoạt động của các tổ, góp phần quan trọng vào thực hiện hiệu quả các chính sách tín dụng trên địa bàn. Hiện nay, tổng dư nợ Ngân hàng Chính sách Xã hội đạt hơn 1.989,7 tỷ đồng, tăng 5,35% so với đầu năm 2015. Bình quân mỗi tổ tiết kiệm và vay vốn có 29 thành viên, quản lý dư nợ bình quân 756 triệu đồng/tổ, tăng 63 triệu đồng so với năm 2014. Nợ quá hạn giảm từ 0,34% xuống còn 0,26% tổng dư nợ.
Bài, ảnh: LÂM NHƯ
Ý kiến ()