Nâng cao chất lượng hoạt động tín dụng nước sạch, vệ sinh môi trường
Bà Nông Thị Ngoạt bên giếng nước của gia đình. Sau gần tám năm thực hiện, Chương trình tín dụng nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn (NS và VSMTNT) do Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH) triển khai, đến nay, đã cơ bản đáp ứng nhu cầu dùng nước sạch của người dân. Tuy nhiên, số lượng hộ dân được thụ hưởng từ chương trình vẫn còn rất thấp so với nhu cầu thực tế. Bên cạnh đó, theo thời gian, nhiều công trình cũng xuống cấp nghiêm trọng, làm giảm chất lượng nước sạch và tác dụng giữ gìn vệ sinh.Theo chi nhánh NHCSXH tỉnh Cao Bằng, được triển khai từ năm 2006 đến nay, đã có khoảng 2.200 hộ dân tại bảy huyện trên địa bàn tỉnh vay vốn hơn 15 tỷ đồng để thực hiện chương trình tín dụng NS và VSMTNT. Thực tế, chương trình này chủ yếu cho các hộ dân vay vốn để đào giếng, cải tạo công trình vệ sinh, chuồng trại, xây dựng hệ thống hầm Bi-ô-ga... Mỗi hộ được vay tối đa tám triệu đồng với lãi suất 0,9%/năm để xây dựng cả hai công trình nước...
Bà Nông Thị Ngoạt bên giếng nước của gia đình. |
Theo chi nhánh NHCSXH tỉnh Cao Bằng, được triển khai từ năm 2006 đến nay, đã có khoảng 2.200 hộ dân tại bảy huyện trên địa bàn tỉnh vay vốn hơn 15 tỷ đồng để thực hiện chương trình tín dụng NS và VSMTNT. Thực tế, chương trình này chủ yếu cho các hộ dân vay vốn để đào giếng, cải tạo công trình vệ sinh, chuồng trại, xây dựng hệ thống hầm Bi-ô-ga… Mỗi hộ được vay tối đa tám triệu đồng với lãi suất 0,9%/năm để xây dựng cả hai công trình nước sạch và vệ sinh. Tuy nhiên, theo tìm hiểu của phóng viên trên địa bàn, phần lớn các hộ dân nơi đây đều sử dụng vốn vay sai mục đích.
Tại hai xã Hưng Đạo và Vĩnh Quang, nơi có hơn 600 hộ đã vay vốn thì hầu hết các hộ mới được vay đầu năm 2012 đều sử dụng vào mục đích khác. Tại xã Hưng Đạo (vừa tách từ huyện Hòa An nhập về thị xã Cao Bằng) theo danh sách một số hộ dân mới được vay vốn và thực tế đi kiểm tra thì trong số cả chục hộ chỉ có một hộ duy nhất vay vốn đã đào giếng. Bà Nông Thị Ngoạt, trú tại xã Hưng Đạo vừa đào được một cái giếng ngay gần đường đi, cho biết: “Để được vay đủ tám triệu đồng tôi đã đăng ký từ năm ngoái, lại phải nói khéo với cán bộ tín dụng là vừa đào giếng vừa xây hầm bi-ô-ga mới được vay vì nếu chỉ đăng ký là đào giếng thì số vốn được vay sẽ mất đi một nửa”. Bà Ngoạt nhẩm tính, để đào được cái giếng sâu 13m đã phải trả gần 20 triệu đồng, nếu làm hầm bi-ô-ga giá cũng dao động từ 10 đến 16 triệu đồng/hầm. Với chi phí thực tế như vậy, theo ghi nhận của phóng viên, phần lớn người dân khi được hỏi đều cho rằng mức vay như hiện nay quá ít, không đủ để xây dựng công trình NS và VSMTNT.
Từ những bất cập nêu trên, chi nhánh NHCSXH tỉnh Cao Bằng đang phải “cố gắng” để giải ngân thêm năm tỷ đồng trong năm 2012 bởi số tiền tám triệu đồng/hộ không còn hấp dẫn người dân. Cũng theo ý kiến từ chi nhánh ngân hàng, tại Cao Bằng hiện nay, chương trình tín dụng NS và VSMTNT hầu như là “giao dịch” trực tiếp giữa ngân hàng và các hộ dân có nhu cầu, chưa có sự phối hợp chặt chẽ từ các cơ quan hữu quan. Giữa ngân hàng với Trung tâm Nước sinh hoạt và Vệ sinh môi trường (thuộc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Cao Bằng) cũng chưa có sự phối hợp tốt mặc dù là đối tác thực hiện. Theo phản ánh của một cán bộ trung tâm, các hộ dân chỉ quan tâm có thêm nước sạch để dùng, sửa chữa chuồng trại, nhà vệ sinh,… nhưng từ khi có thêm nhiều giếng nước thì môi trường công cộng càng mất vệ sinh vì các hộ này xả thải tăng lên. Bởi vậy, theo kiến nghị của chi nhánh ngân hàng tỉnh Cao Bằng, để chương trình thật sự phát huy hiệu quả, cần có sự đầu tư đồng bộ từ chính quyền địa phương, người dân, ngân hàng và các cơ quan hữu quan khác.
Cùng chung quan điểm, chi nhánh NHCSXH tỉnh Phú Thọ cũng cho rằng, trong thời điểm hiện nay mức vay bốn triệu đồng cho một công trình không còn phù hợp, không đáp ứng nhu cầu, nhất là đối với khu vực miền núi. Thực tế, để làm một công trình khi giá cả nguyên vật liệu, nhân công đều tăng như hiện nay thì nhiều hộ đang phải vay thêm tiền mới xây được công trình đúng tiêu chuẩn. Nếu vẫn tiếp tục đầu tư sẽ dẫn đến tình trạng người dân xây dựng công trình manh mún, nhỏ lẻ và không phát huy hiệu quả. Trong khi đó, trong quá trình triển khai chương trình, không đề ra quy chuẩn của công trình NS và VSMTNT nên có hiện tượng mạnh ai nấy làm, hiệu quả chưa cao.
Do vậy, để tiếp tục phát huy hơn nữa tác dụng, hiệu quả của chương trình tín dụng NS và VSMTNT gắn với mục tiêu xây dựng nông thôn mới, NHCSXH đã có một số kiến nghị, theo đó: Chính phủ cần nghiên cứu mở rộng vùng thụ hưởng chương trình tới hải đảo, vùng ven biển do ảnh hưởng của biến đổi khí hậu, xâm nhập mặn; tăng mức cho vay cao nhất với mỗi công trình cho phù hợp giá cả thị trường hiện nay (nhiều địa phương kiến nghị mức vay là 10 triệu đồng cho mỗi công trình); tiếp tục cho vay sửa chữa, nâng cấp hoặc cho vay lại đối với những hộ dân đã vay nhưng sau quá trình sử dụng, công trình đã xuống cấp hoặc kém hiệu quả;…
Theo Nhandan
Ý kiến ()