Nâng cao chất lượng hoạt động của hợp tác xã nông nghiệp: Tăng đối thoại, gỡ khó khăn
– Khoảng 2 năm trở lại đây, các cấp, ngành liên quan trên địa bàn tỉnh đã tăng cường công tác gặp gỡ, đối thoại với các hợp tác xã (HTX), trong đó chủ yếu là các HTX nông nghiệp. Từ đó, kịp thời tháo gỡ vướng mắc, giúp HTX từng bước vươn lên phát triển.
Đại diện doanh nghiệp, HTX trên địa bàn huyện Chi Lăng tham gia hội nghị đối thoại năm 2023
Hiện trên địa bàn tỉnh có 334 HTX đăng ký hoạt động trong lĩnh vực nông, lâm nghiệp, trong đó có 290 HTX đang hoạt động với tổng số thành viên là 4.340 người. Các HTX nông, lâm nghiệp trên địa bàn tỉnh có quy mô nhỏ, nguồn vốn hạn hẹp, nhiều HTX chưa có phương án sản xuất kinh doanh phù hợp, thị trường tiêu thụ sản phẩm còn hạn chế… Đặc biệt, ảnh hưởng của dịch COVID-19 càng khiến các HTX nông nghiệp trên địa bàn tỉnh vốn đã yếu lại càng thêm “đuối”.
Trước thực trạng đó, từ năm 2022 đến nay, các cấp, ngành trên địa bàn tỉnh đã triển khai nhiều giải pháp để hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn cho HTX nói chung, trong đó chủ yếu là các HTX trong lĩnh vực nông nghiệp. Trong đó, nổi bật là việc gặp gỡ, đối thoại trực tiếp với HTX để lắng nghe tâm tư, nguyện vọng, vướng mắc của HTX, từ đó đưa ra các giải pháp tháo gỡ kịp thời, giúp các HTX từng bước khắc phục khó khăn, vươn lên phát triển.
Ông Nguyễn Văn Võ, Giám đốc HTX quế, thạch Tân Hòa, huyện Bình Gia cho biết: HTX hoạt động chủ yếu trong lĩnh vực ươm giống cây lâm nghiệp. Để từng bước nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh, HTX có ý định đầu tư nhà xưởng, máy móc để phát triển thêm hoạt động chế biến lâm sản, tuy nhiên HTX vướng thủ tục về đất đai do chưa phù hợp quy hoạch. Tại hội nghị lãnh đạo UBND tỉnh gặp mặt HTX được tổ chức vào tháng 3/2023, HTX đã nêu vướng mắc về đất đai của mình. Ngay sau đó, lãnh đạo UBND tỉnh đã chỉ đạo các sở, ngành liên quan, UBND huyện Bình Gia kiểm tra, hướng dẫn, hỗ trợ HTX làm các thủ tục chuyển đổi theo đúng quy định. Đến nay, vướng mắc của HTX được giải quyết và HTX đang làm các thủ tục tiếp theo để được hưởng hỗ trợ theo dự án để phát triển sản xuất với số tiền khoảng 1,6 tỷ đồng.
Một ví dụ khác là HTX Trà hoa vàng Ái Quốc, huyện Lộc Bình. Ông Đặng Văn Quân, Giám đốc HTX cho biết: HTX được thành lập từ tháng 7/2022 gồm 8 thành viên với hoạt động chủ yếu trong lĩnh vực sản xuất trà hoa vàng. Do mới thành lập, HTX gặp nhiều khó khăn về vốn để đầu tư trang thiết bị máy móc phục vụ sản xuất. Tại hội nghị gặp mặt giữa lãnh đạo UBND tỉnh với các doanh nghiệp, HTX trên địa bàn huyện Lộc Bình năm 2022, HTX đã nêu khó khăn của mình và được lãnh đạo UBND tỉnh ghi nhận, chỉ đạo các cơ quan liên quan xem xét giải quyết kịp thời. Qua đó, năm 2022, HTX được hỗ trợ 50 triệu đồng. Từ nguồn hỗ trợ đó giúp HTX đầu tư được máy sấy để chủ động hơn trong việc chế biến sản phẩm trà hoa vàng của mình chứ không phụ thuộc hoàn toàn vào thời tiết như mọi năm.
Bên cạnh 2 trường hợp kể trên, từ năm 2022 trở lại đây, các cấp, ngành liên quan đã tổ chức nhiều hội nghị gặp mặt, đối thoại trực tiếp với các HTX trên địa bàn tỉnh để lắng nghe những khó khăn, vướng mắc và kịp thời đưa ra giải pháp tháo gỡ. Ông Nguyễn Hữu Hải, Phó Chủ tịch Liên minh HTX tỉnh cho biết: Cùng với việc UBND tỉnh tổ chức hội nghị đối thoại trực tiếp với HTX, từ năm 2022, các đơn vị liên quan như Liên minh HTX tỉnh, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cũng tổ chức hội nghị chuyên đề gặp mặt, đối thoại trực tiếp với các HTX.
Cùng với đó, từ năm 2022 đến nay, thay vì tổ chức hội nghị gặp mặt, đối thoại với doanh nghiệp, HTX chung tại tỉnh, UBND tỉnh đã tổ chức hội nghị gặp mặt, đối thoại với các doanh nghiệp, HTX, hộ kinh doanh tại các huyện, thành phố để nhiều HTX được gặp gỡ, nêu lên khó khăn, vướng mắc của mình. Cụ thể từ năm 2022 đến nay, các cấp, ngành liên quan trên địa bàn tỉnh đã tổ chức được 12 hội nghị gặp mặt đối thoại trực tiếp với doanh nghiệp, HTX với hơn 300 lượt đại diện HTX nông nghiệp tham dự (những năm trước đó chỉ tổ chức 2-3 cuộc/năm)
Qua các cuộc gặp mặt, đối thoại đã có 70 lượt ý kiến, kiến nghị của các HTX nông nghiệp. Những kiến nghị của HTX tại các chương trình đối thoại đã được các cấp, ngành liên quan giải đáp, đầy đủ, rõ ràng. Từ đó, giúp các HTX chủ động nắm bắt thông tin, ổn định phát triển sản xuất.
Bên cạnh tổ chức chương trình gặp mặt, đối thoại với HTX, một số huyện đã có những cách làm mới, sáng tạo để lắng nghe ý kiến, kiến nghị của HTX. Điển hình như huyện Tràng Định tổ chức chương trình “Cà phê doanh nhân” vào thứ 7 (tùy điều kiện cụ thể hằng tháng) từ cuối tháng 5/2022. Từ khi triển khai đến nay, trên địa bàn huyện đã tổ chức được 13 cuộc gặp mặt với doanh nghiệp, HTX và tiếp nhận, giải quyết 18 kiến nghị của các HTX trên địa bàn…
Ông Lý Việt Hưng, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết: Thông qua các chương trình gặp mặt, đối thoại như vậy giúp các HTX vừa nắm thêm thông tin về các chính sách hỗ trợ, phát triển, vừa được cơ quan chuyên môn giải đáp vướng mắc, từ đó làm cơ sở để HTX từng bước khắc phục khó khăn, vươn lên phát triển.
Trong đó nổi bật là việc các cấp, ngành liên quan đẩy mạnh hỗ trợ, hướng dẫn các HTX tiếp cận với chính sách hỗ trợ khuyến khích đầu tư, liên kết sản xuất trong lĩnh vực nông ngiệp… (từ năm 2022 đến nay, các cấp, ngành trên địa bàn tỉnh đã hỗ trợ 22 HTX đưa trí thức trẻ về làm việc; 23 HTX vay vốn tại các ngân hàng thương mại; 24 HTX tiếp cận vốn từ quỹ hỗ trợ phát triển HTX…). Qua 6 tháng đầu năm 2023, doanh thu bình quân của 1 HTX nông nghiệp trên địa bàn tỉnh được khoảng 450 triệu đồng; thu nhập bình quân người lao động đạt 3,5-4,5 triệu đồng/người/tháng, tăng 0,5 triệu đồng/người/tháng so với năm 2021.
Ý kiến ()