Nâng cao chất lượng hòa giải
Cấp phát tài liệu về công tác hòa giải cho hòa giải viên xã Mẫu Sơn, huyện Lộc Bình |
Muốn hòa giải tốt trước hết cần có những hòa giải viên giỏi, tận tình, vì vậy, Phòng Tư pháp huyện đã tham mưu cho UBND huyện ban hành kế hoạch củng cố, kiện toàn đội ngũ hòa giải viên của 100% số xã, thị trấn. Hiện 286/286 khu phố, thôn bản của huyện đều có tổ hòa giải với 1.512 hòa giải viên. Trong đó, mỗi tổ có từ 4 đến 6 thành viên được lựa chọn. Các hòa giải viên không chỉ là những người am hiểu pháp luật, có khả năng tuyên truyền, vận động mà còn luôn nêu cao tinh thần trách nhiệm trước công việc.
Ông Vy Quang Dũng, Trưởng phòng Tư pháp huyện cho biết: Công tác tập huấn, hướng dẫn nghiệp vụ hòa giải được huyện thực hiện thường xuyên, liên tục. Đặc biệt, năm 2016, ngoài tham mưu cho UBND huyện tổ chức tập huấn, tuyên truyền lồng ghép cho đại diện các cơ quan, ban, ngành, đoàn thể huyện; lãnh đạo UBND, cán bộ tư pháp – hộ tịch, đại diện các tổ hòa giải các xã, thị trấn, đơn vị còn chủ động tổ chức tuyên truyền, trực tiếp hướng dẫn nghiệp vụ hòa giải cho các xã, thị trấn. Qua đó, các hòa giải viên không chỉ nắm vững các quy định của pháp luật mà còn hiểu rõ nghiệp vụ, kỹ năng, kinh nghiệm hòa giải, từ đó vận dụng vào thực tế. Từ năm 2016 đến tháng 4/2017, toàn huyện tổ chức tuyên truyền lồng ghép, hướng dẫn nghiệp vụ về công tác hòa giải được trên 350 cuộc.
Mỗi tổ hòa giải căn cứ vào tình hình thực tế lại có những cách làm riêng phù hợp nhằm phát huy hiệu quả cao nhất. Bà Triệu A Múi, thành viên tổ hòa giải thôn Bó Pằm, xã Mẫu Sơn cho biết: Từ năm 2012 trở về trước, thôn có xảy ra một số mâu thuẫn xích mích nhỏ trong cộng đồng dân cư. Nhưng do làm tốt công tác tuyên truyền, vận động nên 2 năm trở lại đây, nhân dân sống chan hòa, đoàn kết, giúp đỡ lẫn nhau. Hiện trong thôn chỉ còn một trường hợp mâu thuẫn gia đình do người chồng thường uống rượu, bạo hành vợ. Vì vậy, các thành viên tổ hòa giải đã tích cực nghiên cứu các quy định của Luật Hôn nhân và Gia đình; Luật Phòng, chống bạo lực gia đình… để tuyên truyền, giáo dục, khuyên nhủ, hạn chế tình trạng bạo lực gia đình, giữ gìn an ninh trật tự.
Bên cạnh đó, từ năm 2016 đến nay, với phương châm hướng về cơ sở, cầm tay chỉ việc, Phòng Tư pháp huyện đã thực hiện kiểm tra công tác tư pháp, trong đó có công tác hòa giải ở cơ sở đối với gần 20 xã, thị trấn. Tại các cuộc kiểm tra, đơn vị hướng dẫn trực tiếp cho cơ sở về cách hòa giải, phương pháp tiến hành hòa giải, cách thức ghi biên bản hòa giải… do đó, chất lượng hòa giải tiếp tục được nâng cao.
Mẫu thuẫn, xích mích nhỏ trên địa bàn huyện chủ yếu là những tranh chấp dân sự (tranh chấp đất đai, đường đi lối lại); hôn nhân gia đình, mâu thuẫn vợ chồng…Vì vậy, thông qua hòa giải, người dân được tiếp cận, tuyên truyền các quy định của pháp luật liên quan đến quản lý, sử dụng đất đai, tài sản… nhận thức, ý thức chấp hành pháp luật được nâng lên. Bên cạnh đó, với tinh thần trách nhiệm cao trong công việc, vì cuộc sống bình yên của cộng đồng, bất kể khi nào có mâu thuẫn, xích mích xảy ra, khi nhận được thông tin, các thành viên tổ hòa giải đều có mặt kịp thời tìm hiểu nguyên nhân, phân tích thấu tình đạt lý, hóa giải kịp thời các mâu thuẫn. Ông Dương Trồng Mình, Chủ tịch UBND xã Mẫu Sơn cho biết: Các hòa giải viên của xã đều rất nhiệt tình, trách nhiệm nên cơ bản các mâu thuẫn, xích mích đều được tuyên truyền, vận động, hóa giải ngay từ cơ sở. Một số ít vụ việc chuyển lên xã tiếp tục được xã tuyên truyền nên trên địa bàn nhiều năm qua không phát sinh đơn thư khiếu kiện phức tạp, gây mất an ninh trật tự ở cơ sở.
Trong năm 2016, tổ hòa giải các khu phố, thôn bản trên địa bàn huyện tiếp nhận 271 việc, tiến hành hòa giải 264 việc, hòa giải thành công 198 việc, đạt 75%, cao hơn 5% so với mức bình quân chung của tỉnh. Hơn 3 tháng đầu năm nay, các tổ hòa giải tiến hành hòa giải thành công 5/5 vụ, đạt 100%; góp phần giữ vững an ninh trật tự ngay từ cơ sở.
Ý kiến ()