Nâng cao chất lượng hỗ trợ sản xuất
LSO-Sau 3 năm triển khai thực hiện các dự án hỗ trợ sản xuất và ngành nghề nông thôn, các huyện, thành phố đã chỉ đạo, hướng dẫn các xã triển khai thực hiện hơn 76 mô hình phát triển sản xuất.
Hỗ trợ giống cây cho nông dân ở xã Tân Liên, huyện Cao Lộc |
Các mô hình tương đối tập trung tại 35 xã tập trung chỉ đạo xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2011-2015. Tổng nguồn vốn hỗ trợ khoảng 6 tỷ đồng, trong đó nhân dân đóng góp đối ứng trên 1 tỷ đồng. Đồng thời với hỗ trợ mô hình, các cấp, ngành đã tăng cường chuyển giao, ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất. Ước tính trong 3 năm trở lại đây, toàn tỉnh đã tổ chức được hơn 3,3 nghìn lớp tập huấn khoa học kỹ thuật về nông, lâm nghiệp cho xấp xỉ 125 nghìn lượt người tham gia.
Nguồn vốn hỗ trợ sản xuất chương trình nông thôn mới không nhiều nhưng việc thực hiện tốt việc lồng ghép với các chương trình khác, cộng với việc phát huy hiệu quả của những mô hình sản xuất trước đó đã góp phần đáng kể tác động tích cực đến các hình thức tổ chức sản xuất ở khu vực nông thôn.
Qua đó nâng tổng số trang trại hoạt động trong lĩnh vực nông, lâm nghiệp trên địa bàn tỉnh lên con số 76 trang trại, mức tăng bình quân trong 3 năm qua là 3 trang trại/năm. Các hợp tác xã nông nghiệp và tổ hợp tác cũng tăng về số lượng và hoạt động có hiệu quả hơn, biểu hiện cụ thể là thu nhập bình quân của các thành viên tổ hợp tác đến nay tăng khoảng 1,7 lần so với thời điểm trước khi triển khai Chương trình mục tiêu Quốc gia về xây dựng nông thôn mới. Tỷ lệ hộ nghèo khu vực nông thôn giảm bình quân 3%/năm. Điểm qua một vài con số tổng quát để thấy rằng hỗ trợ sản xuất đã có những hiệu quả nhất định. Thế nhưng tìm hiệu cụ thể từng mô hình ở từng xã thì hiệu quả là chưa đồng đều.
Đồng chí Lý Vinh Quang, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, Phó trưởng Ban Thường trực Ban chỉ đạo xây dựng nông thôn mới đã chỉ ra: hầu hết các xã, huyện đều quá coi trọng đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng, ngay trong đề án cũng thể hiện chưa rõ nét hướng phát triển sản xuất, bởi vậy ở một số nơi sử dụng nguồn vốn hỗ trợ sản xuất chưa hiệu quả. Hiện nay nếu xét về hiệu quả và duy trì được nguồn vốn hỗ trợ và nhân rộng được các mô hình sản xuất thì nổi bật nhất chỉ có mô hình nuôi lợn nái tại xã Chi Lăng, huyện Chi Lăng và xã Tô Hiệu, huyện Bình Gia. Còn lại rơi vào tình trạng cố triển khai cho có, năm nào tiêu hết năm ấy mà chưa đánh giá được hiệu quả. Có huyện dùng nguồn này mua phân bón, mua giống khoai tây… hỗ trợ nhà nông, nhưng với nguồn ít ỏi như vậy, hỗ trợ cũng không thể đều khắp và chỉ sau 1 vụ, nguồn vốn đã không thể duy trì được.
Trong quá trình kiểm tra, Ban chỉ đạo xây dựng nông thôn mới của tỉnh cũng đã chỉ ra, một số huyện, xã lại dùng nguồn vốn ấy để bắt đầu xây dựng mô hình với những loại cây chưa khẳng định được hiệu quả, trong khi đó những cây thế, mạnh, đặc sản lại không được tập trung để phát triển. Điều này chưa sát với quan điểm chỉ đạo của tỉnh là phải dựa trên những mô hình đã có trên địa bàn, bám sát vào đề án và quy hoạch đã lập, nguồn vốn hỗ trợ sản xuất là động lực tiếp thêm để các mô hình, đề án ấy được nhân rộng và phát huy hiệu quả trong thực tiễn.
Ngay trong công tác phân bổ nguồn vốn của các cấp có thẩm quyền cũng chưa thực sự tập trung. Cơ bản là rải mành mành cho các xã, mỗi xã một ít. Đây cũng là cái khó để các xã có thể hỗ trợ cho ra tấm, ra món.
Trong hội nghị sơ kết 3 năm triển khai xây dựng nông thôn mới trên địa bàn tỉnh mới đây, đồng chí Nguyễn Thế Tuy, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy đã khẳng định: điều quan trọng nhất trong xây dựng nông thôn mới là thu nhập, đời sống nhân dân được nâng cao. Quan điểm chỉ đạo của tỉnh là khuyến khích các xã, huyện nghiên cứu một số dự án phát triển sản xuất, chọn một số vùng để hình thành sản xuất hàng hóa, từ đó tạo nên sức bật cho các vùng khác. Mục đích cuối cùng là thu nhập của người dân được nâng lên, đời sống nhân dân được cải thiện.
VŨ NHƯ PHONG
Ý kiến ()