Nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác giám sát và phản biện xã hội
Các chuyên gia, nhà khoa học cho rằng, phải thực hiện tốt vai trò đại diện, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của chức sắc, tín đồ và tổ chức tôn giáo. Đặc biệt, Uỷ ban MTTQ Việt Nam các cấp phải nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác giám sát và phản biện xã hội bảo đảm cho các tôn giáo được đối xử bình đẳng trước pháp luật…
Quang cảnh Hội thảo.
Ngày 5/7 tại Hà Nội, Ban Thường trực Ủy ban Trung ương (UBTƯ) MTTQ Việt Nam tổ chức Hội thảo khoa học “Công tác vận động, đoàn kết các tôn giáo của MTTQ Việt Nam – Những vấn đề cần quan tâm”.
Phát huy vai trò của MTTQ trong vận động, đoàn kết các tôn giáo
Phát biểu khai mạc, Phó Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam Hoàng Công Thủy khẳng định, Việt Nam là đất nước đa tôn giáo, với chính sách nhất quán tôn trọng và bảo đảm tự do tín ngưỡng, tôn giáo. Đồng bào các tôn giáo là một bộ phận quan trọng của khối đại đoàn kết toàn dân tộc, đa số là người lao động, có tinh thần yêu nước, sống gắn bó, đoàn kết trong khối đại đoàn kết toàn dân tộc, có nhiều đóng góp tích cực vào công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Chức sắc, chức việc, nhà tu hành tôn giáo ở nước ta yên tâm làm việc đạo, có tinh thần dân tộc, hành đạo gắn bó với dân tộc, tập hợp đông đảo tín đồ trong khối đại đoàn kết toàn dân, xây dựng cuộc sống “Tốt đời, đẹp đạo”.
Trong những năm qua, đời sống tôn giáo có nhiều chuyển biến tích cực. Hoạt động đối ngoại nhân dân tôn giáo của tổ chức và chức sắc các tôn giáo ngày càng được mở rộng với đồng đạo ở các nước trong khu vực và trên thế giới, hỗ trợ tích cực cho công tác đối ngoại của Đảng và hoạt động ngoại giao của Nhà nước. Việc tổ chức thành công các sinh hoạt tôn giáo lớn mang tầm khu vực và quốc tế càng khẳng định chính sách nhất quán tôn trọng và bảo đảm tự do tôn giáo của nhân dân, đồng thời mở rộng đối ngoại nhân dân và góp phần nâng cao hình ảnh tốt đẹp và vị thế của nước ta trong khu vực và trên trường quốc tế.
Phó Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam Hoàng Công Thuỷ phát biểu tại Hội thảo.
Với chức năng nhiệm vụ của mình, trong những năm qua, MTTQ Việt Nam đã tích cực tham gia thực hiện tốt các chủ trương, chính sách pháp luật của Đảng và Nhà nước, trong đó có chủ trương, chính sách tôn giáo và công tác tôn giáo, góp phần quan trọng xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc ngày càng vững chắc.
Trong thời gian tới, để tiếp tục thực hiện tốt vai trò, trách nhiệm của MTTQ trong việc vận động, đoàn kết các tôn giáo xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc ngày càng vững mạnh; thực hiện tốt trách nhiệm của mình đã được quy định trong Hiến pháp năm 2013 và Luật Tín ngưỡng, tôn giáo năm 2016, Ban Thường trực UBTƯ MTTQ Việt Nam chủ trương tăng cường hơn nữa công tác vận động, đoàn kết các tôn giáo..
Tránh việc thực hiện không bình đẳng giữa các tôn giáo
Tại Hội thảo, các chuyên gia, nhà khoa học đã tập trung trao đổi, thảo luận vào công tác vận động, đoàn kết các tôn giáo của Mặt trận. Trên cơ sở nhận diện những thuận lợi, khó khăn, những vấn đề mới đặt ra và những điểm mới cần lưu ý trong công tác vận động, đoàn kết các tôn giáo, các ý kiến đã đề xuất những giải pháp nâng cao hiệu quả công tác vận động, đoàn kết các tôn giáo của MTTQ Việt Nam trong thời gian tới.
Nguyên Phó Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam, Chủ tịch Hội Cứu trợ trẻ tàn tật Việt Nam Ngô Sách Thực cho rằng, để đoàn kết tôn giáo phải có chính sách đoàn kết và sự tôn trọng thật sự. Thực tiễn đặt ra cần phải tiếp tục làm rõ và bổ sung cả về chính sách và giải pháp tổ chức thực hiện trong thể chế chính trị và nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa ở nước ta. Trong thời gian tới phải có giải pháp đổi mới vận động, đoàn kết, tập hợp các tôn giáo; phát huy giá trị văn hóa, đạo đức và nguồn lực của các tôn giáo. Cùng với đó cần hoàn thiện cơ chế bảo đảm cho các tổ chức tôn giáo hoạt động theo quy định của pháp luật và hiến chương, điều lệ được nhà nước công nhận.
“Trong công tác vận động, đoàn kết tôn giáo cần luôn coi trọng việc phát huy vai trò của các tôn giáo tham gia xây dựng và bảo vệ Tổ quốc; tạo mọi điều kiện để chức sắc và tín đồ các tôn giáo thực hiện tốt phương châm “Tốt đời, đẹp đạo”. Phát huy điểm tương đồng, giá trị đạo đức tốt đẹp của các tôn giáo với việc giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa Việt Nam”, ông Ngô Sách Thực kiến nghị.
Nguyên Phó Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam, Chủ tịch Hội Cứu trợ trẻ tàn tật Việt Nam Ngô Sách Thực phát biểu tại Hội thảo.
PGS.TS Nguyễn Thanh Xuân, Hội đồng Tư vấn Tôn giáo UBTƯ MTTQ Việt Nam đề xuất cần quán triệt quan điểm, chủ trương mới đối với tôn giáo của Đảng, trong đó xác định tín ngưỡng, tôn giáo là nhu cầu tinh thần của một bộ phận nhân dân; nhìn nhận và phát huy những giá trị tích cực đạo đức và văn hóa của tôn giáo. Việc quán triệt quan điểm chủ trương của Đảng đối với tôn giáo không chỉ thuộc bài mà phải thay đổi căn bản về nhận thức và ứng xử với tôn giáo dựa trên những cơ sở lý luận và thực tiễn.
Các đại biểu cho rằng, việc quán triệt quan điểm chủ trương đối với tôn giáo cần thực hiện đầy đủ và đúng đắn chính sách và quy định pháp luật của Nhà nước về hoạt động tín ngưỡng, tôn giáo để tạo niềm tin của chức sắc, tín đồ tôn giáo. Tránh việc thực hiện không bình đẳng giữa các tôn giáo vì đây là một trong những nguyên tắc được hiến định trong Hiến pháp 2013. Trong công tác vận động, đoàn kết tôn giáo phải lấy việc thực hiện đường hướng hành đạo tích của các tôn giáo hiện nay làm động lực thúc đẩy các tôn giáo thực hiện sự hoà hợp, đoàn kết giữa tôn giáo với dân tộc và giữa các tôn giáo với nhau.
Mặt khác phải thực hiện tốt vai trò đại diện, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của chức sắc, tín đồ và tổ chức tôn giáo. Đặc biệt, Uỷ ban MTTQ Việt Nam các cấp phải nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác giám sát và phản biện xã hội trên lĩnh vực tín ngưỡng, tôn giáo, bảo đảm cho các tôn giáo được đối xử bình đẳng trước pháp luật.
Các chuyên gia nhà khoa học cũng đề xuất những giải pháp xung quanh công tác vận động, đoàn kết, phát huy nguồn lực các tôn giáo tham gia các phong trào thi đua yêu nước, các cuộc vận động của MTTQ Việt Nam; công tác vận động, đoàn kết, phát huy vai trò các tôn giáo tham gia các hoạt động xã hội: y tế, giáo dục, bảo trợ xã hội, dạy nghề, từ thiện nhân đạo; việc các tôn giáo tham gia xây dựng, phản biện xã hội, hoàn thiện các chủ trương, chính sách, pháp luật của Đảng, Nhà nước về tôn giáo và công tác tôn giáo…
Thay mặt Ban Thường trực UBTƯ MTTQ Việt Nam, Phó Chủ tịch Hoàng Công Thủy tiếp thu những ý kiến trí tuệ, tâm huyết, chất lượng của các chuyên gia, nhà khoa học vào những nội dung liên quan đến công tác vận động, đoàn kết các tôn giáo của MTTQ Việt Nam. Đồng thời nhấn mạnh, phải thường xuyên tiếp xúc, tăng cường đối thoại, lắng nghe, tìm hiểu để nắm chắc tình hình, tập hợp đầy đủ tâm tư, nguyện vọng của đồng bào các tôn giáo; đồng thời kịp thời thông tin, tuyên truyền các chủ trương, chính sách pháp luật đến chức sắc, nhà tu hành và tín đồ các tôn giáo…
Phó Chủ tịch Hoàng Công Thủy cũng nhấn mạnh tới việc cần quan tâm xây dựng tổ chức bộ máy và cán bộ làm công tác tôn giáo của Ủy ban MTTQ Việt Nam các cấp tương xứng, phù hợp với chức năng nhiệm vụ được giao. Nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ chuyên trách theo hướng chuyên sâu, ổn định; bố trí cán bộ Mặt trận có đủ phẩm chất, năng lực, đáp ứng nhiệm vụ được giao…/.
Nguồn: https://dangcongsan.vn/xay-dung-dang/nang-cao-chat-luong-hieu-qua-cong-tac-giam-sat-va-phan-bien-xa-hoi-641220.html
Ý kiến ()