Nâng cao chất lượng, hiệu quả chất vấn trong Đảng
Nhằm tăng cường dân chủ và nâng cao chất lượng sinh hoạt Đảng, tháng 5-2008, Bộ Chính trị ban hành Quy chế chất vấn trong Đảng. Mục đích của chất vấn và trả lời chất vấn, trong quy chế xác định rõ: Phát huy dân chủ, nâng cao trách nhiệm và năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của các tổ chức đảng và đảng viên; góp phần ngăn chặn, phòng ngừa vi phạm trong thực hiện chức trách, nhiệm vụ được giao và giữ gìn phẩm chất đạo đức, lối sống của đảng viên, đồng thời tăng cường sự đoàn kết thống nhất trong Đảng.
Mặc dù Quy chế ra đời đã khá lâu, nhưng đến nay số tổ chức đảng thực hiện hiệu quả quy chế này vẫn chưa nhiều. Theo tôi, cái khó nhất vẫn là tâm lý e ngại vì sợ đụng chạm lợi ích và nguyên nhân còn do nhận thức trong các cấp ủy chưa thông. Nhiều cán bộ, đảng viên đương chức còn ngại phát biểu trong sinh hoạt Đảng, nhất là khi góp ý, phê bình chứ chưa nói đến chất vấn. Trong trường hợp phải phát biểu thì chung chung, để không mất lòng ai… Nhưng quan trọng nhất vẫn là do cấp trên chưa gương mẫu, chưa quyết liệt yêu cầu cấp dưới thực hiện. Ngoài việc chất vấn về chức trách, nhiệm vụ mà Đảng giao phó, đảng viên có thể chất vấn về tư cách, đạo đức, lối sống, về dư luận quần chúng đối với cán bộ lãnh đạo, về công tác nhân sự và kỷ luật cán bộ…
Theo tôi, muốn nâng cao chất lượng và hiệu quả việc chất vấn trong Đảng, thì người đứng đầu cấp ủy và các cấp ủy viên phải trong sạch, chủ động và thành tâm thực hiện. Bản thân người chất vấn cũng phải trong sáng, có trình độ, có khả năng thu thập, lắng nghe và tổng hợp thông tin. Nói phải đi đôi với làm; làm phải có kiểm tra, sau đó sơ kết, tổng kết rút kinh nghiệm. Một trong những phương cách hiệu quả nhất để dỡ bỏ những rào cản tâm lý nể nang, e ngại, là sự nêu gương của người đứng đầu cấp ủy, của cấp ủy cấp trên. Người đứng đầu phải chủ động tạo dựng môi trường dân chủ, khích lệ tinh thần, có thái độ thẳng thắn, khách quan, trách nhiệm trong chất vấn và trả lời chất vấn. Chất vấn thật sự có chất lượng là phương thức nâng cao năng lực của người đứng đầu cấp ủy cơ quan, đơn vị, vừa phát huy dân chủ trong Đảng, vừa ngăn ngừa kịp thời những hạn chế, yếu kém của cấp ủy và từng đảng viên khi còn manh nha. Chất vấn trong Đảng là khâu cần được các cấp ủy đánh giá, rút kinh nghiệm để thực hiện tốt hơn Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI) “Một số vấn đề cấp bách trong xây dựng Đảng hiện nay”.
Đặng Tiến Thanh
Nguyên Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ tỉnh Lào Cai
Xây dựng đô thị văn minh cần bắt đầu từ mỗi người dân
Đất nước đang trên đà đổi mới và bộ mặt đô thị hôm nay đã thay đổi rất nhiều. Đặc biệt, hiện nay Việt Nam đã trở thành một thành viên trong Cộng đồng kinh tế ASEAN. Điều đó sẽ mang lại nhiều lợi thế cho đất nước, trên nhiều lĩnh vực, nhất là sự giao thoa văn hóa.
Tôi nghĩ rằng, xây dựng đô thị và văn minh đô thị phải bắt đầu từ mỗi người dân. Khi con người có ý thức xây dựng đô thị và văn minh đô thị, trước hết, ngay trong văn hóa ứng xử, người dân chính là những cá thể tạo nên cộng đồng dân cư đồng lòng vì cái chung, biết san sẻ và chịu trách nhiệm trước mỗi hành vi của mình. Văn minh đô thị là một cuộc cách mạng thật sự về ý thức hệ của con người lâu dài. Văn minh đô thị được đo bằng chính nền tảng văn hóa đạo đức của mỗi cá nhân. Nếp sống văn hóa, văn minh từng địa phương nếu làm tốt, sẽ là những điểm đỏ kết nối, lan rộng ra cả nước. Vì thế, xây dựng đô thị và văn minh đô thị cần có sự lan tỏa sâu rộng, phải có bước đột phá thì mới thành công. Cộng đồng dân cư hiện nay vẫn có những người chưa ý thức trọn vẹn, còn những hành vi chưa văn hóa, văn minh. Vì thế, để xây dựng đô thị và văn minh đô thị, ngoài công tác tuyên truyền, cần có chế tài, để bảo đảm công bằng, thưởng phạt phân minh. Thực hiện nghiêm túc, liên tục và kiên trì để hình thành nền tảng về bộ mặt đô thị của mỗi tỉnh, thành phố, rộng hơn là cả quốc gia.
Thí dụ như Đà Nẵng có Chỉ thị 43-CT/TU ngày 25-12-2014 của Thành ủy về tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện “Năm văn hóa, văn minh đô thị 2015”. Sau một năm thực hiện, bộ mặt đô thị Đà Nẵng đã thay đổi rất nhiều. Năm 2016 này Đà Nẵng vẫn tiếp tục thực hiện Chỉ thị này. Về xây dựng đô thị và văn minh đô thị thì Đà Nẵng là thành phố năng động, sáng tạo, luôn đi đầu trong những ý tưởng, hướng người dân đến một cuộc sống tốt đẹp hơn. Đô thị muốn văn minh thì con người phải văn minh.
Tôi cũng như rất nhiều người dân tin tưởng và kỳ vọng Đại hội XII của Đảng sẽ thành công không chỉ trong công tác nhân sự mà còn thành công trong việc vạch ra đường lối, chủ trương để đưa đất nước tiến nhanh, tiến mạnh, tiến vững chắc, theo mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh. Trong đó, con người là nền tảng cốt lõi quyết định tương lai đất nước.
Hoàng Văn Điền
Tổ trưởng Tổ dân phố 91, phường Nại Hiên Đông, TP Đà Nẵng
Nghĩ từ những con số
Năm 2015 khép lại với hai sự kiện lớn trong lĩnh vực hội nhập kinh tế quốc tế mà Việt Nam tham gia, đó là Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) hoàn tất đàm phán ngày 5-10-2015 và mới đây, ngày 31-12-2015, Cộng đồng kinh tế Đông – Nam Á (AEC) chính thức thành lập.
Hai sự kiện này được nhiều chuyên gia trong nước và quốc tế đánh giá sẽ có tác động tích cực đến Việt Nam, hơn thế nữa, tác động sâu rộng trong khu vực ASEAN cũng như toàn cầu. Là một thành viên của AEC và TPP, Việt Nam có cơ hội hưởng nhiều lợi ích, cả về kinh tế và chiến lược, đồng thời cũng đối mặt với nhiều thách thức lớn.
Vậy Việt Nam có thể tận dụng được cơ hội và xử lý những thách thức như thế nào để tăng cường phẩm chất và tỷ trọng nền kinh tế của mình trong kinh tế khu vực và kinh tế thế giới ? Một trong những yếu tố mà những nhà hoạch định chính sách nghĩ đến ngay, đó là chất lượng nguồn nhân lực, nhất là nhân lực đã qua đào tạo ở bậc cao đẳng, đại học… Tuy nhiên, theo số liệu của Tổng cục Thống kê, trong khi tỷ lệ người thất nghiệp đang có xu hướng giảm, thì số lao động có trình độ cao đẳng, đại học lại có xu hướng tăng lên so với sáu tháng đầu năm. Chỉ riêng trong quý III-2015, đã có thêm hơn 50 nghìn người tốt nghiệp cao đẳng, đại học thất nghiệp, nâng tổng số cử nhân, thạc sĩ thất nghiệp cả nước lên tới hơn 225.500 người.
Bộ Giáo dục và Đào tạo và Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội cần có những chính sách điều tiết phù hợp nhằm đạt sự cân bằng giữa cung – cầu và chất lượng nguồn nhân lực.
Theo Nhandan.org.vn
Ý kiến ()