Nâng cao chất lượng giống cá tra
Theo thống kê của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, vùng đồng bằng sông Cửu Long hiện có hơn 230 cơ sở sản xuất cá tra giống. Những năm qua, cùng với nhu cầu nuôi cá tra phát triển mạnh ở nhiều hộ dân, các cơ sở sản xuất giống đã cơ bản đáp ứng được yêu cầu về mặt số lượng. Tuy nhiên, điều đáng lo ngại là chất lượng con giống đang có chiều hướng suy giảm với biểu hiện chậm lớn, dễ mắc bệnh, ảnh hưởng nghiêm trọng đến tỷ lệ sống của cá tra trong quá trình ương dưỡng.
Cụ thể, hiện tỷ lệ sống từ cá bột lên cá hương chỉ đạt 20-24%, từ cá hương lên cá giống trung bình chỉ đạt khoảng 21%. Ðây là tỷ lệ rất thấp. Nguyên nhân là do chạy theo lợi nhuận và nhu cầu nuôi cá tra quá “nóng” của người dân trong một thời gian dài mà các chủ cơ sở giống chỉ tập trung nâng cao số lượng chứ chưa thật sự chú trọng về mặt chất lượng. Chính vì vậy, quy trình sản xuất giống không được tuân thủ đầy đủ, dẫn đến tình trạng con giống không bảo đảm cả về chất lượng và kích thước. Trong khi đó, chất lượng con giống vốn là yếu tố đầu tiên, quyết định đến chất lượng cá tra thành phẩm. Ðồng thời, nó cũng là yếu tố bảo đảm cho sự thành bại trong nuôi cá tra của các hộ dân. Thực tế, không ít hộ dân điêu đứng, mắc phải nợ nần vì mua phải con giống kém chất lượng, tỷ lệ sống sót thấp. Do đó, cùng với các chính sách về quy hoạch vùng cá tra nguyên liệu hay ổn định giá bán cá tra ra thị trường, những người nuôi cá tra mong muốn có chính sách về sản xuất và quản lý chất lượng giống cá tra. Theo đó, có chính sách ưu đãi đối với các doanh nghiệp sản xuất giống tốt, chất lượng; tăng cường áp dụng khoa học kỹ thuật trong quy trình sản xuất giống. Ðặc biệt, công tác quản lý, kiểm dịch giống, kiểm tra chất lượng con giống cần được chú trọng trên cơ sở khách quan và minh bạch, dần dần tiến tới sản xuất giống theo tiêu chuẩn VietGAP. Khi hoàn toàn yên tâm về chất lượng con giống, người dân sẽ mạnh dạn hơn trong việc đầu tư vào sản xuất cá tra.
Theo Nhandan
Ý kiến ()