Thứ 3, 26/11/2024 10:44 [(GMT +7)]
Nâng cao chất lượng giáo viên, đáp ứng nhiệm vụ năm học
Thứ 3, 24/08/2010 | 10:52:00 [(GMT +7)] A A
LSO-Năm học 2010-2011 được xác định là năm học tiếp tục đổi mới công tác quản lý để nâng cao chất lượng giáo dục. Vì vậy, việc kiện toàn và nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ giáo viên (CBGV) được coi là chìa khóa để nâng cao chất lượng.
Tiếp tục thực hiện Chỉ thị 40-CT/TW
Cách đây 4 năm, khi ngành GD triển khai thực hiện Chỉ thị 40 của Ban Bí thư và Quyết định 09/2005/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về xây dựng đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục (QLGD), mặc dù Sở GD&ĐT đã có chỉ đạo sát sao, song việc rà soát đánh giá đội ngũ của nhiều trường, nhiều phòng GD vẫn chưa đi vào thực chất. Sau khi có Đề án số 09 của Tỉnh ủy về xây dựng, nâng cao chất lượng đội ngũ nhà giáo và cán bộ QLGD giai đoạn 2006-2010, ngành GD đã tăng cường chỉ đạo và công tác rà soát đánh giá đã thực chất hơn. Trên cơ sở đánh giá từng cán bộ giáo viên về các mặt nhận thức chính trị, đạo đức tư cách, lối sống và năng lực chuyên môn, ngành đã có các hướng giải quyết cụ thể. Một mặt chỉ đạo đội ngũ đẩy mạnh công tác tự bồi dưỡng, mở các lớp tập huấn, bồi dưỡng tập trung; cử CBGV đi học các lớp quản lý, nâng cao trình độ nghiệp vụ; tiến hành điều động, thuyên chuyển đội ngũ cán bộ giáo viên một cách hài hòa, đúng chính sách để mỗi CBGV phát huy năng lực trong công tác. Đối với những giáo viên không đáp ứng được yêu cầu nhiệm vụ vì lý do sức khỏe, tuổi cao, trình độ năng lực yếu, ngành đã giải quyết cho nghỉ theo chế độ, thuyên chuyển đi làm việc khác… Thực hiện các quy định về định biên nhân viên trường học như hành chính, kế toán, văn thư, thư viện- thiết bị, y tế trường học…các huyện thành phố đã có biên chế đủ đội ngũ đảm bảo các hoạt động thường xuyên của các nhà trường.
Giờ lên lớp bằng giáo án điện tử của Trung tâm GDTX I |
Ngành đã phối hợp với công đoàn ngành đẩy mạnh và duy trì các phong trào thi đua, qua đó, phát hiện bồi dưỡng kết nạp đảng trong đội ngũ GV; đẩy mạnh việc xây dựng tổ chức cơ sở đảng trong các nhà trường ngày càng trong sạch vững mạnh, xứng đáng là hạt nhân đoàn kết và lãnh đạo việc thực hiện nhiệm vụ chính trị của nhà trường.
Trong năm học vừa qua đã có trên 17 ngàn lượt CBGV, nhân viên được bồi dưỡng kiến thức, nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ. Toàn ngành đã có 7 cán bộ đi đào tạo trình độ tiến sĩ, 96 người đi đào tạo thạc sĩ, gần 2000 người đi đào tạo trình độ đại học – cao đẳng, gần 1900 người được bồi dưỡng kiến thức tin học…
Qua nhiều năm kiên trì phấn đấu, đến nay đội ngũ cán bộ QLGD có trình độ chuẩn đạt 100%; trình độ chuẩn của GV mầm non đạt 86,86%, tiểu học đạt 99,85%, THCS đạt 85,66%, giáo viên THPT và GDTX đạt chuẩn trên 96%. Toàn ngành đã có trên 15% giáo viên trên chuẩn, trong đó bậc tiểu học đạt 45,59%. Công tác giáo dục chính trị được tăng cường, tỷ lệ đảng viên trong toàn ngành đạt 38,65%; đã chấm dứt tình trạng trường “ trắng” đảng viên và chi bộ sinh hoạt ghép.
Tiến tới chấm dứt việc “ đọc- chép”
Thực hiện sự chỉ đạo của Bộ GD&ĐT, từ năm học 2009-2010, ban giám hiệu các nhà trường đã có chuyển biến trong việc chỉ đạo chuyên môn, nhất là chỉ đạo việc đổi mới phương pháp dạy học. Đội ngũ giáo viên đã nâng cao tinh thần trách nhiệm trong việc sử dụng đồ dùng dạy học và tự làm đồ dùng dạy học để đưa vào các bài giảng. Nhiều hội thi sử dụng đồ dùng dạy học tự làm được tổ chức đã có tác dụng rõ rệt để nâng cao tinh thần tự giác sáng tạo của đội ngũ giáo viên. Bám sát “ chuẩn kỹ năng”, chuẩn bị kỹ giáo án, đầu tư thiết bị tin học để soạn và giảng theo giáo án điện tử; xây dựng hệ thống câu hỏi hợp lý, nhằm phát huy tính chủ động trong học sinh. Bên cạnh đó, công tác kiểm tra đánh giá được đổi mới có tác dụng định hướng phương pháp cho giáo viên và cách nắm bắt kiến thức cho học sinh. Vì vậy, tinh thần chấm dứt việc dạy học theo kiểu “ đọc- chép” đã chiếm ưu thế ở các nhà trường, nhất là bậc THCS và THPT; việc dạy 2 buổi/ ngày đã có tác dụng rõ rệt nâng cao chất lượng học sinh.
Trong năm học 2010-2011, cùng với việc thực hiện Đề án phổ cập giáo dục MN cho trẻ 5 tuổi, chất lượng giáo dục phổ thông cần được thực hiện theo hướng dạy học theo chuẩn kiến thức kỹ năng, phù hợp với đối tượng học sinh; kiểm tra đánh giá theo hướng khuyến khích tinh thần tự học…có như vậy, chất lượng học sinh mới được nâng lên một cách vững chắc theo tinh thần chỉ đạo của ngành.
Đang tải dữ liệu
Poll
Ý kiến ()