Nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện ở trường THPT dân tộc nội trú tỉnh
LSO – Yêu cầu về đổi mới quản lý, đổi mới phương pháp giảng dạy, phương pháp kiểm tra, đánh giá nhằm không ngừng nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện đã và đang được Sở GD&ĐT triển khai trong toàn ngành. Là một trường chuyên biệt nằm trong khối trường phổ thông dân tộc nội trú, trường THPT DTNT tỉnh đã có nhiều hướng đi tích cực trong việc nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện cho học sinh dân tộc thiểu số trên địa bàn.
Thầy trò trường THPTDTNT tỉnh trong giờ truyền thống
Do đặc thù của một trường dành cho con em dân tộc thiểu số miền núi nên tỷ lệ học sinh người dân tộc luôn chiếm trên 99%. Phải nói rằng hàng năm nhà trường tuyển trên 100 học sinh là học sinh dân tộc thiểu số. Trong số đó nhiều em chưa có khả năng lĩnh hội kiến thức mới một cách nhanh chóng, chậm hòa nhập hoặc kỹ năng sống còn hạn chế… Vì thế nhà trường xác định, xây dựng và duy trì mục tiêu trường chuẩn quốc gia, đưa ra giải pháp phù hợp để nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện cho học sinh dân tộc thiểu số là việc cần làm ngay. Thầy Phương Ngọc Thuyên, Hiệu trưởng nhà trường cho biết, cuối năm 2009, nhà trường vinh dự là trường THPT đầu tiên của tỉnh công nhận là trường đạt chuẩn quốc gia. Đây là động lực để thầy và trò nỗ lực phấn đấu hơn nữa trong công tác dạy và học. Trường cũng đã đưa ra những giải pháp trước mắt cũng như lâu dài và bước đầu đã có kết quả. Theo đó, với chủ trương tăng số lượng học sinh giỏi (HSG) tham gia các đội tuyển thi HSG các cấp làm nòng cốt. Năm học 2010-2011, trường có 107/235 học sinh khối 11 và 12 tham gia đội tuyển dự thi chọn HSG các cấp. Nhà trường còn chủ động tổ chức thi chọn HSG khối lớp 10 và động viên các em thi vượt cấp. Việc tăng cường cả số lượng và thời lượng ôn tập vừa là dịp để các em được bổ sung kiến thức, vừa tạo động lực giúp các em tự tin vươn lên trong học tập. Bên cạnh đó, do ở môi trường nội trú, các em có ưu thế hơn về thời gian nên nhà trường cũng tận dụng thuận lợi này để tăng thời lượng dạy học đều đặn 2 buổi/ngày, không để tình trạng học sinh học thêm tràn lan, góp phần tích cực bổ sung kiến thức, rèn luyện kỹ năng cho học sinh. Các thầy cô giáo đều nhiệt tình giúp đỡ các em xây dựng phương pháp học tập phù hợp, tích cực tham gia hoạt động nhóm, khuyến khích các em mạnh dạn thảo luận và phát biểu ý kiến. Những học sinh yếu, nhận thức chậm hơn đều được phụ đạo, tạo điều kiện cho các em vươn lên. Riêng đối với những em cuối cấp, nhà trường có kế hoạch ôn thi tốt nghiệp và ôn thi đại học cụ thể. Có giáo viên dạy giỏi ở tất cả các bộ môn nên việc thi tốt nghiệp, đặc biệt là thi đại học các khối A, B, C, D đều cơ bản đảm bảo. Học sinh đều được ôn thi từ đầu tháng 10 của năm trước đến lúc đi thi. Ngoài ra, các giáo viên, đặc biệt là giáo viên chủ nhiệm lớp luôn phát huy vai trò là người thầy, người cô nhưng cũng là cha, mẹ của các em lúc các em xa nhà nên luôn quan tâm tư vấn, định hướng nghề nghiệp phù hợp với khả năng của từng em, được hướng dẫn làm hồ sơ chu đáo tránh sai sót. Các thầy cô chia sẻ, điều đáng tiếc và trăn trở là nhiều em do điều kiện gia đình khó khăn nên không phải tất cả các em đều dự thi đại học, có em thi đỗ nhưng không đi học. Nhà trường có 12 máy tính tại phòng học, 11 máy chiếu và nhiều máy tính xách tay để phục vụ công tác giảng dạy và học tập. Nhiều giáo viên tự nghiên cứu, nâng cao trình độ ứng dụng công nghệ thông tin trong giảng dạy để có bài giảng chất lượng, cung cấp kiến thức cho học sinh một cách tốt nhất. Nhiều thầy cô tích cực soạn giáo án điện tử và có hàng trăm tiết ứng dụng công nghệ thông tin. Học sinh trong trường cũng được tiếp xúc với máy tính để truy cập internet phục vụ cho việc học.
Với những gì nhà trường làm được, năm học 2010-2011, nhà trường có 37 em HSG, trong đó có 4 em HSG dân tộc thiểu số ít người; 57,7% học sinh khá; học sinh tham dự các kỳ thi chọn HSG năm sau luôn cao hơn năm trước. Thầy Phương Ngọc Thuyên cho biết thêm, thời gian tới, áp dụng vào tình hình thực tế, nhà trường sẽ triển khai các nhóm giải pháp sau để nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện cho học sinh trong các trường DTNT như: Nâng cao chất lượng đội ngũ nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục. Áp dụng một số giải pháp tăng cường hiệu quả sử dụng các thiết bị dạy học và ứng dụng CNTT. Đổi mới phương pháp dạy học, đổi mới kiểm tra đối với đối tượng học sinh người dân tộc thiểu số. Tăng cường công tác chăm sóc, nuôi dưỡng, quản lý và giáo dục kỹ năng sống cho học sinh.Xây dựng văn hóa nhà trường phù hợp với các thành phần dân tộc trong nhà trường…
![](https://mediabls.mediatech.vn/assets/images/load3.gif)
Ý kiến ()