Nâng cao chất lượng giáo dục nghề nghiệp
Giải pháp phát triển nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế-xã hội, cùng với đó là công tác quy hoạch, sắp xếp, tổ chức, cơ cấu lại và nâng cao chất lượng đào tạo của các cơ sở giáo dục nghề nghiệp, bảo đảm cung cấp đủ lao động có kỹ năng nghề tại các địa bàn, lĩnh vực trọng điểm – là một trong ba nội dung trọng điểm thuộc lĩnh vực lao động, thương binh và xã hội được các đại biểu Quốc hội đặc biệt quan tâm và đặt câu hỏi với Bộ trưởng Lao động-Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung tại phiên chất vấn kỳ họp thứ 5 của Quốc hội.
Lớp học Công nghệ ô tô của Trường Cao đẳng nghề Việt Nam-Singapore. (Ảnh: TTXVN) |
Trong phiên chất vấn ngày 6/6, các đại biểu Quốc hội cho rằng cần có giải pháp để tăng nguồn nhân lực chất lượng cao bởi hai vấn đề hạ tầng và nhân lực luôn là yếu tố quan tâm hàng đầu của các nhà đầu tư khi đến Việt Nam. Tuy nhiên, trên thực tế, đây cũng là năm thứ hai liên tiếp, chỉ tiêu năng suất lao động chỉ đạt 4,8% so với mục tiêu 5,5% mà Nghị quyết Quốc hội đề ra.
Lao động Việt Nam được đánh giá kỹ năng vẫn còn thấp so với các nước trong khu vực.
Lao động Việt Nam được đánh giá kỹ năng vẫn còn thấp so với các nước trong khu vực; tính đến quý I/2023, số lao động qua đào tạo bằng các hình thức khác nhau là hơn 70%, nhưng số có bằng cấp, chứng chỉ mới đạt tỷ lệ khoảng 26,4%. Công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn cũng chưa được quan tâm đúng mức, hiệu quả đào tạo nghề cho lao động nông thôn còn chưa đồng đều giữa các vùng trong cả nước…
Trả lời câu hỏi của các đại biểu Quốc hội, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cũng thẳng thắn thừa nhận, thực tế tỷ lệ lao động Việt Nam có bằng cấp, chứng chỉ thấp so với các nước phát triển, nhưng quan trọng hơn là cơ cấu về lực lượng lao động không cân đối, nên cần điều chỉnh trong thời gian tới.
Công tác giáo dục nghề nghiệp cũng còn nhiều bất cập, khi trên cùng một địa bàn có nhiều trường nghề khác nhau, dẫn tới tình trạng chồng chéo, trùng lắp trong ngành nghề đào tạo, công tác tuyển sinh chưa thật sự gắn với nhu cầu thị trường. Chính vì vậy, thời gian tới, đào tạo cần gắn với nhu cầu thị trường, cần làm quyết liệt hơn việc dự báo cung, cầu “chỉ tiến hành đào tạo khi xác định được nhu cầu”…
Kết luận phiên chất vấn, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cho rằng, bên cạnh những thành quả đạt được, trong lĩnh vực lao động và việc làm vẫn tồn tại không ít những hạn chế và yếu kém; trong đó, giáo dục nghề nghiệp cả về quy mô, trình độ, mạng lưới, phân bổ đào tạo đều còn nhiều bất cập. Chất lượng, hiệu quả đào tạo nghề chưa cao, nhất là đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, những ngành nghề mới, đào tạo nghề trong lĩnh vực nông nghiệp và nông thôn…
Do vậy, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đề nghị qua phiên chất vấn này, Chính phủ, Bộ trưởng Lao động-Thương binh và Xã hội, các bộ trưởng có liên quan tiếp thu tối đa ý kiến góp ý của đại biểu Quốc hội, đồng thời chỉ đạo quyết liệt thực hiện các giải pháp đề ra.
Không nên để việc vào các trường nghề là lựa chọn cuối cùng.
Chủ tịch Quốc hội
Trong đó, cần tập trung tổ chức triển khai hiệu quả các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về giáo dục nghề nghiệp, nhất là các quy định, nghị quyết của Quốc hội, Chính phủ và chiến lược, quy hoạch, đề án về phát triển giáo dục nghề nghiệp giai đoạn đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2045; tiếp tục rà soát, đẩy nhanh tiến độ hoàn thiện thể chế, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về giáo dục nghề nghiệp, bảo đảm gắn với thị trường lao động theo hướng mở, liên thông, hiện đại, hội nhập và thích ứng…
Chủ tịch Quốc hội cũng lưu ý lại vấn đề các đại biểu Quốc hội đã nêu là “Không nên để việc vào các trường nghề là lựa chọn cuối cùng”…
Để tiếp tục đổi mới, phát triển và nâng cao chất lượng giáo dục nghề nghiệp đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, tạo đột phá về phát triển nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao, có kỹ năng nghề đáp ứng yêu cầu đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước và hội nhập quốc tế theo tinh thần Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, ngày 4/5/2023 vừa qua, Ban Bí thư đã có Chỉ thị số 21-CT/TW về tiếp tục đổi mới, phát triển và nâng cao chất lượng giáo dục nghề nghiệp đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.
Tạo sự chuyển biến mạnh mẽ trong nhận thức của người học, gia đình và xã hội về ý nghĩa của việc học nghề, kỹ năng nghề trong tiếp cận việc làm, nâng cao thu nhập và cơ hội học tập suốt đời.
Theo đó, Ban Bí thư yêu cầu các cấp ủy, tổ chức đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và đoàn thể các cấp tập trung lãnh đạo, chỉ đạo và thực hiện tốt một số mục tiêu, nhiệm vụ và giải pháp trọng tâm: Phấn đấu đến năm 2030 thu hút 50-55% học sinh trung học vào hệ thống giáo dục nghề nghiệp; có khoảng 200 ngành, nghề trọng điểm, trong đó có 15-20 ngành, nghề có năng lực cạnh tranh vượt trội trong khu vực ASEAN và thế giới. Đến năm 2045, đáp ứng nhu cầu nhân lực có kỹ năng nghề cao của nước phát triển, đạt trình độ tiên tiến của thế giới…
Chỉ thị cũng đặt ra yêu cầu: Tạo sự chuyển biến mạnh mẽ trong nhận thức của người học, gia đình và xã hội về ý nghĩa của việc học nghề, kỹ năng nghề trong tiếp cận việc làm, nâng cao thu nhập và cơ hội học tập suốt đời; huy động sự tham gia của xã hội trong thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp giáo dục nghề nghiệp.
Đặc biệt, cần tăng cường nguồn lực, ưu tiên ngân sách nhà nước cho giáo dục nghề nghiệp trong tổng chi ngân sách nhà nước cho giáo dục-đào tạo tương xứng với vị trí, vai trò của giáo dục nghề nghiệp, nhất là cho đào tạo nhân lực chất lượng cao, các ngành, nghề trọng điểm, mũi nhọn; chuyển nhanh cơ chế cấp phát ngân sách sang đặt hàng, giao nhiệm vụ để nâng cao hiệu quả hoạt động của các cơ sở giáo dục nghề nghiệp…
Nguồn:https://nhandan.vn/nang-cao-chat-luong-giao-duc-nghe-nghiep-post757592.html
Ý kiến ()