Đổi mới công tác giáo dục chính trị, tư tưởng cho cán bộ, đảng viên
- Xác định giáo dục chính trị, tư tưởng là một trong những giải pháp quan trọng nhằm bồi dưỡng, rèn luyện và nâng cao bản lĩnh chính trị, phẩm chất đạo đức của đội ngũ cán bộ, đảng viên, những năm qua, các cấp ủy trên địa bàn tỉnh luôn chú trọng thực hiện công tác này bằng những giải pháp cụ thể.
Hiện nay, toàn tỉnh có gần 70 nghìn cán bộ, đảng viên. Thời gian qua, công tác giáo dục chính trị, tư tưởng được đẩy mạnh đã góp phần quan trọng trong việc trang bị cho cán bộ, đảng viên những kiến thức, nguyên lý cơ bản của chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước.
Nghiêm túc triển khai
Ông Nguyễn Trọng Sơn, Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh uỷ khẳng định: Những năm qua, các cấp ủy, cơ quan, đơn vị trên địa bàn tỉnh đã cụ thể hóa công tác giáo dục chính trị, tư tưởng trong nghị quyết, chương trình, kế hoạch công tác... Trong triển khai thực hiện, các cấp ủy, cơ quan, đơn vị luôn quan tâm đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác giáo dục chính trị, tư tưởng theo hướng bám sát thực tiễn, sát đối tượng, có trọng tâm, trọng điểm, có sức thuyết phục; thường xuyên kiểm tra, giám sát… Từ đó, nâng cao bản lĩnh chính trị cho đội ngũ cán bộ, đảng viên, góp phần tạo sự thống nhất trong ý chí và hành động, đồng thuận trong xã hội để thực hiện thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ của tỉnh đề ra.
Bám sát các văn bản, kế hoạch của cấp trên, các cấp ủy đảng đã nghiêm túc triển khai; xây dựng các văn bản, kế hoạch, chỉ thị, đề án liên quan đến công tác đào tạo, bồi dưỡng lý luận chính trị; quán triệt, triển khai các chỉ thị, nghị quyết của Đảng; nâng cao hiệu quả hoạt động của đội ngũ báo cáo viên, tuyên truyền viên… nhằm nâng cao chất lượng giáo dục chính trị, tư tưởng.
Công tác quán triệt, tuyên truyền các nghị quyết, chỉ thị của Đảng được các cơ quan, đơn vị chú trọng, đổi mới, đa dạng hóa cách thức, phương pháp học tập, quán triệt. Trong đó, chú trọng kết hợp giữa hình thức trực tiếp và trực tuyến kết nối từ trung ương, tỉnh đến điểm cầu huyện và các xã, thị trấn, do vậy đã mở rộng được đối tượng tham gia học tập, tiết kiệm thời gian, kinh phí. Hằng năm, 98% cán bộ, đảng viên được tuyên truyền, học tập chỉ thị, nghị quyết của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước.
Để nâng cao hiệu quả tuyên truyền về nghị quyết đại hội đảng bộ các cấp, một số đơn vị đã ban hành đề án, chỉ thị chuyên đề. Đơn cử như Thành uỷ Lạng Sơn với Đề án số 03 ngày 7/9/2021 về “Tiếp tục đổi mới và nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác học tập, quán triệt và tuyên truyền triển khai thực hiện các chỉ thị, nghị quyết của Đảng trong cán bộ, đảng viên và Nhân dân trên địa bàn thành phố Lạng Sơn giai đoạn 2021 – 2025”; Huyện uỷ Hữu Lũng ban hành Đề án số 03 ngày 8/7/2022 về “Tiếp tục đổi mới và nâng cao chất lượng công tác học tập, quán triệt và tuyên truyền triển khai các nghị quyết, chỉ thị của Đảng trong cán bộ, đảng viên và Nhân dân trên địa bàn huyện đến năm 2025”… Qua công tác tổ chức học tập, quán triệt và triển khai thực hiện các nghị quyết, chỉ thị của Đảng đã góp phần cung cấp thông tin, định hướng tuyên truyền cho đội ngũ cán bộ, đảng viên, đẩy mạnh phong trào thi đua yêu nước, hoàn thành tốt các nhiệm vụ chính trị được giao.
Ông Phạm Công Minh, Trưởng Ban Tuyên giáo, Giám đốc Trung tâm Chính trị huyện Hữu Lũng cho biết: Ban Thường vụ Huyện uỷ xây dựng đề án nhằm đổi mới và nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác quán triệt, tuyên truyền các chỉ thị, nghị quyết của Đảng tới cán bộ, đảng viên và các tầng lớp Nhân dân trên địa bàn. Theo đó, đề án đưa ra mục tiêu cụ thể với những giải pháp thực hiện như: tăng cường công tác giáo dục chính trị tư tưởng; đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả việc tổ chức quán triệt chỉ thị, nghị quyết; nâng cao chất lượng đội ngũ báo cáo viên, tuyên truyền viên…
Cùng với đó, các cấp ủy đảng, các cơ quan, đơn vị chú trọng lan tỏa những thông tin chính thống, “phủ xanh” thông tin tích cực; đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch trên không gian mạng. Đồng thời xây dựng, nhân rộng nhiều mô hình, điển hình trong học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh…
Không ngừng đổi mới
Những năm qua, công tác giáo dục chính trị, tư tưởng cho cán bộ, đảng viên không ngừng được đổi mới. Nổi bật như trong tổ chức sinh hoạt chi bộ thường kỳ, các tổ chức cơ sở đảng chủ động đổi mới bằng cách tổ chức sinh hoạt về nguồn, tổ chức báo công, tuyên dương các điển hình tiên tiến tại "địa chỉ đỏ"... Đây là một hình thức sinh hoạt ý nghĩa, thu hút sự quan tâm của đông đảo đảng viên, đồng thời góp phần đổi mới và nâng cao chất lượng sinh hoạt chi bộ.
Cùng đó, các cấp ủy nghiêm túc tổ chức học tập, quán triệt, tuyên truyền, giáo dục về chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh và triển khai thực hiện nghiêm túc nghị quyết, chỉ thị, kết luận, quy định của cấp trên.
Đồng thời, Ban Thường vụ Tỉnh ủy chỉ đạo tổ chức các đợt sinh hoạt chính trị về xây dựng, chỉnh đốn Đảng. Như năm 2022 chỉ đạo tổ chức đợt sinh hoạt chính trị “Tự soi, tự sửa” gắn với triển khai đợt sinh hoạt chính trị, tư tưởng về nội dung tác phẩm của cố Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng “Một số vấn đề lý luận và thực tiễn về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam”; năm 2023 sinh hoạt chính trị tư tưởng về tác phẩm “Kiên quyết, kiên trì đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, góp phần xây dựng Đảng và Nhà nước ta ngày càng trong sạch, vững mạnh”…
Ông Vũ Xuân Lục, Bí thư Chi bộ, Trưởng khu 1, thị trấn Đình Lập (huyện Đình Lập) chia sẻ: Tháng 8/2023, tôi được tham dự hội nghị trực tuyến do Tỉnh ủy tổ chức phổ biến, học tập tác phẩm “Kiên quyết, kiên trì đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực góp phần xây dựng Đảng và Nhà nước ta ngày càng trong sạch, vững mạnh” của cố Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng. Được trực tiếp nghe đồng chí báo cáo viên trung ương truyền đạt, tôi nắm được những nội dung cơ bản, ý nghĩa của tác phẩm. Không chỉ đối với tôi mà toàn thể Nhân dân đều có thêm niềm tin, đồng tình vào sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực giai đoạn hiện nay.
Công tác giáo dục lý luận chính trị ngày càng đổi mới, tăng cường liên hệ thực tiễn, tương tác giữa giảng viên và học viên. Các lớp bồi dưỡng lý luận chính trị tăng cường tổ chức cho học viên thực hành các nội dung chuyên đề; tham quan, trải nghiệm thực tế tại các điểm di tích văn hóa, lịch sử và các xã đạt chuẩn nông thôn mới, các mô hình sản xuất, kinh doanh giỏi. Qua đó, giúp học viên có kiến thức thực tế, góp phần nâng cao chất lượng đào tạo, bồi dưỡng. Trung bình mỗi năm, các đơn vị mở được trên 300 lớp cho trên 27 nghìn học viên, đều đạt và vượt kế hoạch đề ra.
Từ những giải pháp thiết thực, công tác giáo dục chính trị, tư tưởng cho cán bộ, đảng viên trên địa bàn không ngừng được đổi mới, góp phần nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, đáp ứng yêu cầu trong tình hình mới. Qua đó, tạo sự thống nhất, đồng thuận trong thực hiện nghị quyết đại hội đảng bộ các cấp, đấu tranh chống âm mưu, hoạt động “diễn biến hòa bình” của các thế lực thù địch, bảo vệ vững chắc nền tảng tư tưởng của Đảng.
Ý kiến ()