Nâng cao chất lượng Giải thưởng Sách quốc gia
Vừa qua, Ban Tuyên giáo Trung ương phối hợp Bộ Thông tin và Truyền thông, Hội Xuất bản Việt Nam tổ chức Hội nghị tổng kết 5 năm thực hiện Ðề án Giải thưởng Sách quốc gia nhằm đánh giá hiệu quả, đồng thời tìm bước phát triển hơn nữa cho giải thưởng. Những ý kiến đóng góp tại hội nghị nhấn mạnh, trong tương lai, cần tiếp tục nâng tầm để giải thưởng uy tín, chất lượng thuyết phục hơn.
Các bạn đọc trẻ tham quan, tìm đọc những tác phẩm đoạt Giải thưởng Sách quốc gia năm 2022. |
Sau 5 năm tổ chức, Giải thưởng Sách quốc gia đã trở thành một sự kiện văn hóa quan trọng, uy tín, tôn vinh những người làm sách và văn hóa đọc, thu hút nhiều tác giả, dịch giả, nhà nghiên cứu thuộc đa dạng độ tuổi, cả trong và ngoài nước. Một trong những thành tựu quan trọng của giải thưởng là đã góp phần tôn vinh 139 xuất bản phẩm, trong đó có 14 giải A, 55 giải B, 70 giải C. Qua đó, giải thưởng khích lệ tinh thần sáng tạo, tạo động lực cống hiến cho người làm công tác nghiên cứu, sáng tác, biên soạn, đồng thời có tác dụng sàng lọc, giới thiệu sách hay, sách tốt đến bạn đọc.
Ðối với người làm sách, các nhà xuất bản và đơn vị liên kết, giải thưởng như một sự ghi nhận những nỗ lực trong công tác xuất bản, in, phát hành sách đã tích cực lựa chọn được những xuất bản phẩm có nội dung và hình thức hấp dẫn, đạt hiệu quả xã hội cao, đóng góp tích cực vào giáo dục nhân cách con người, nâng cao dân trí, phát triển xã hội.
Giải thưởng là minh chứng cho uy tín thương hiệu và tác động trực tiếp đến hiệu quả kinh doanh. Nhiều tác phẩm đoạt giải đã được đông đảo bạn đọc quan tâm, tìm kiếm. Ðối với bạn đọc và xã hội, Giải thưởng Sách quốc gia có ý nghĩa chọn lọc, quảng bá và lan tỏa giá trị của sách hay; góp phần khẳng định vai trò, vị trí, tầm quan trọng của văn hóa đọc trong đời sống xã hội.
Cục trưởng Cục Xuất bản, In và Phát hành Nguyễn Nguyên chia sẻ, hiện nay, Hội Xuất bản Việt Nam, đơn vị chủ trì tổ chức triển khai Giải thưởng Sách quốc gia đã được Ðảng xác định là một trong các tổ chức hội được Ðảng và Nhà nước giao nhiệm vụ. Với quy mô, ý nghĩa và sức lan tỏa của giải thưởng, việc Nhà nước bổ sung kinh phí kết hợp việc Hội Xuất bản Việt Nam tiếp tục chủ động tìm kiếm, vận động các nguồn lực xã hội để nâng cao giá trị giải thưởng, tổ chức chấm và trao giải xứng tầm giải thưởng cấp quốc gia là rất quan trọng. Ðiều này khẳng định sự quan tâm, ghi nhận của Ðảng, Nhà nước đối với đội ngũ nghiên cứu, sáng tác, những người làm sách, phát triển văn hóa đọc, xây dựng xã hội học tập. Nhiều đại biểu đại diện các đơn vị xuất bản, phát hành cũng đề xuất kêu gọi đầu tư cho giải thưởng nhằm nâng tầm uy tín, chất lượng giải thưởng trong tương lai, góp phần lan tỏa văn hóa đọc.
Bên cạnh thành tựu đã đạt được, nhiều đại biểu tham dự cũng chỉ rõ những mặt hạn chế của Giải thưởng Sách quốc gia. Ðầu tiên, dù số lượng nhà xuất bản dự giải duy trì ổn định, số sách dự giải tăng dần qua các năm nhưng xét một cách tổng thể thì số lượng sách dự giải chưa nhiều (chỉ khoảng trên dưới 300 tên sách, chưa đến 1% số lượng sách xuất bản hằng năm). Vẫn còn nhiều nhà xuất bản, nhất là các nhà xuất bản khối các trường đại học và một số địa phương chưa quan tâm dự giải.
Bên cạnh đó, dù công tác chấm giải được triển khai khá nghiêm túc với quy trình nghiêm ngặt, công khai, minh bạch… song, vẫn còn vắng bóng một số sách có giá trị tham gia dự giải và đoạt giải. Gần nhất, Giải thưởng Sách quốc gia năm 2022 chỉ có một giải A được trao cho bộ sách “Hoàng Việt nhất thống dư địa chí” của Thượng thư Bộ binh triều Nguyễn Lê Quang Ðịnh do dịch giả Phan Ðăng chuyển ngữ. Bốn mảng sách còn lại: Chính trị, kinh tế; khoa học tự nhiên và công nghệ; văn hóa, văn học và nghệ thuật và thiếu nhi đều không có giải A, đồng nghĩa với việc không có tác phẩm xuất sắc nhất từ các giải A để trao giải đặc biệt. Chưa kể, có tác phẩm đã trượt khỏi giải thưởng của một hội chuyên ngành thì lại đoạt giải tại Giải thưởng Sách quốc gia. Ngoài ra, tính tỷ lệ, số lượng sách dịch, sách tái bản đoạt giải hằng năm có xu hướng tăng lên thay vì đó là tác phẩm mới, tác phẩm nội địa.
Ðại diện Cục Xuất bản, In và Phát hành Nguyễn Nguyên đề xuất, việc phát huy vai trò của các tổ chức Hội nghề nghiệp, các cơ quan chuyên môn như Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật, Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật Việt Nam, Hội Nhà văn Việt Nam, Hội đồng Lý luận phê bình văn học nghệ thuật Trung ương… vào công tác phát hiện, giới thiệu, đề cử các tác phẩm, công trình dự giải cần được thực hiện hiệu quả hơn.
Ngoài ra, quá trình quảng bá và lan tỏa giá trị sách đoạt giải chưa được như kỳ vọng để đến được với đông đảo bạn đọc theo đúng mục tiêu, ý nghĩa của giải thưởng. PGS, TS Nguyễn Ðức Cường, Chủ tịch Hội Khoa học lịch sử Việt Nam cho rằng, nhiều tác phẩm giải là sách chuyên ngành, chuyên khảo, do có đối tượng hẹp, không đủ kinh phí tổ chức in ấn và phát hành, nên đã không thể nối bản, tái bản để phổ biến đến bạn đọc, cung cấp cho các cơ sở đào tạo, nghiên cứu, ứng dụng trong thực tế nhằm phát huy giá trị thực tế của sách.
Về câu chuyện quảng bá, lan tỏa giá trị tác phẩm đoạt giải, Giám đốc Nhà xuất bản Văn học Nguyễn Anh Vũ cũng lý giải nguyên nhân một phần có thể là do sách tuy là những công trình hàn lâm, chuyên sâu, chưa có nhiều sách đáp ứng đúng nhu cầu của thị trường, thị hiếu của độc giả. Trong tương lai, nên có thêm giải thưởng cho những cuốn sách dịch ra tiếng nước ngoài để khích lệ sự lan tỏa giá trị sách của Việt Nam ra với thế giới, từng bước nâng tầm Giải thưởng Sách quốc gia.
Ý kiến ()