Nâng cao chất lượng đội ngũ nhà giáo - khâu then chốt của chất lượng giáo dục phổ thông
Đội ngũ nhà giáo Việt Nam hiện có gần 831 nghìn giáo viên phổ thông… Đánh giá về thực trạng đội ngũ nhà giáo, các nghiên cứu gần đây đều thống nhất ở một số nhận định như: hầu hết các nhà giáo đều đạt chuẩn nghề nghiệp, nhưng còn một bộ phận chưa đạt yêu cầu về năng lực chuyên môn, nhất là năng lực sư phạm. Đội ngũ nhà giáo vừa thừa, vừa thiếu cục bộ, nhất là thiếu hụt ở các vùng núi, vùng khó khăn; không đồng bộ về cơ cấu chuyên môn. Trong thực tiễn giáo dục ở nhà trường, các nhà giáo còn làm việc dựa trên kinh nghiệm, chưa thật sự đổi mới phương pháp, đổi mới đánh giá; chưa gắn kết hoạt động giảng dạy với thực tiễn đời sống; chưa tổ chức tốt các hoạt động dạy học, giáo dục. Đáng chú ý, một bộ phận nhà giáo có biểu hiện thiếu trách nhiệm và tâm huyết với nghề, thậm chí lối sống suy thoái về đạo đức, ảnh hưởng xấu tới uy tín của nhà giáo trong xã hội…
Những nguyên nhân tạo nên bất cập về chất lượng nhà giáo cũng được xác định rõ là do hoạt động đào tạo và bồi dưỡng đội ngũ chưa theo kịp những yêu cầu đổi mới giáo dục của đất nước và thế giới, hoặc do những bất cập về chế độ, chính sách, chưa tạo được động lực phấn đấu vươn lên trong hoạt động nghề nghiệp. Những năm gần đây, không ít học sinh phổ thông có thành tích cao không lựa chọn nghề giáo, dẫn đến tình trạng là đầu vào các trường sư phạm luôn thấp hơn các ngành khác. Theo chúng tôi, ngoài sự không hấp dẫn về chế độ lương bổng còn có một nguyên nhân xã hội khác. Đó là yêu cầu cao của xã hội đối với nhà giáo về chuẩn mực đạo đức lối sống, trình độ chuyên môn, nghiệp vụ, tính chất và cường độ lao động mà lại rất thiếu những hoạt động, những ưu đãi tôn vinh nghề giáo.
Cũng như các nước khác, giáo dục Việt Nam đang phát triển trong bối cảnh thế giới có nhiều thay đổi, với tác động mạnh mẽ của cuộc cách mạng khoa học công nghệ, cũng như ảnh hưởng trực tiếp của nền kinh tế tri thức và các xu thế hội nhập quốc tế và toàn cầu hóa. Ở Việt Nam, sự phân hóa trong xã hội về khoảng cách giàu nghèo giữa các nhóm dân cư, khoảng cách phát triển giữa các vùng, miền ngày càng rõ rệt, gây nguy cơ dẫn đến sự thiếu bình đẳng trong tiếp cận giáo dục, gia tăng khoảng cách về chất lượng giáo dục giữa các vùng, miền và cho các đối tượng người học. Thực trạng đó đặt ra cho giáo dục Việt Nam những yêu cầu phải đổi mới cả về lý luận cũng như những giải pháp thực tiễn phù hợp để nâng cao hơn nữa chất lượng giáo dục trong bối cảnh mới. Để cải thiện tình hình và nâng cao chất lượng đội ngũ nhà giáo, cần đổi mới căn bản và toàn diện nội dung, chương trình, phương pháp đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ nhà giáo để từng bước đáp ứng các yêu cầu đổi mới chương trình giáo dục phổ thông sau năm 2015.
Về phương châm đổi mới, Chiến lược phát triển kinh tế – xã hội 2011 – 2020 nêu rõ “đổi mới cơ chế quản lý giáo dục, phát triển đội ngũ giáo viên và cán bộ quản lý là khâu then chốt”. Từ những nội dung trong Chiến lược có thể khẳng định rằng, Đảng đã xác định tiếp tục đẩy mạnh đổi mới giáo dục ở một tầm cao mới, mạnh mẽ hơn, quyết liệt hơn và triệt để hơn nhằm tạo ra những chuyển biến mới, thật sự hiệu quả và thiết thực về chất lượng giáo dục.
Vì vậy, dù đã có nhiều ưu tiên đối với nhà giáo, nhất là chế độ ưu đãi đào tạo nhưng cần có những chính sách mạnh mẽ hơn nữa để thật sự đề cao nghề dạy học và có chính sách tôn vinh nghề dạy học và đội ngũ nhà giáo. Cụ thể là tôn vinh nghề giáo và nhà giáo bằng nêu gương và khen thưởng xứng đáng cho những nhà giáo và các cơ sở giáo dục có thành tích. Tăng lương và có những chính sách ưu đãi xứng đáng cho những người làm công tác giáo dục, nhất là các nữ nhà giáo và những người công tác ở vùng khó khăn. Thực hiện chế độ chức danh nhà giáo và có chế độ lương lũy tiến theo chức danh, thâm niên và thành tích để khuyến khích các nhà giáo đạt chuẩn và đạt các mức chuẩn cao trong nghề nghiệp. Giảm khối lượng công việc và số giờ làm việc, hoạt động và gánh nặng hành chính cho lao động của đội ngũ nhà giáo, sao cho các giáo viên và cán bộ quản lý có thời gian được tự học, tự bồi dưỡng hay đầu tư cho chuyên môn. Nhà trường phải là một môi trường dạy học chuyên nghiệp. Đổi mới quản lý nhà trường theo hướng các nhà trường và các giáo viên được trao quyền tự chủ, chịu trách nhiệm cao hơn và được chủ động, linh hoạt, sáng tạo hơn trong tổ chức thực hiện chương trình và các hoạt động giáo dục. Trong đó, trọng tâm là đổi mới chất lượng chuyên môn và nghiệp vụ của đội ngũ nhà giáo. Để làm tốt công tác này, cần làm rõ trách nhiệm đổi mới ở hai khâu chi phối trực tiếp đến chất lượng đội ngũ nhà giáo là khâu đào tạo của các trường sư phạm và khâu bồi dưỡng của các cơ sở giáo dục phổ thông. Trong đó, các trường sư phạm cần đổi chương trình đào tạo đi trước, đón đầu những đổi mới ở giáo dục phổ thông. Chất lượng đầu vào của các trường sư phạm cần được nâng cao bằng các cơ chế tuyển sinh riêng, thông qua sơ tuyển hồ sơ để đánh giá các học sinh theo chuẩn đầu vào riêng. Nhà nước cần có chính sách hỗ trợ và các ưu đãi về điều kiện học tập cho các sinh viên. Trong quá trình đào tạo, chỉ giữ lại những sinh viên phù hợp chương trình học tập hoặc có thể tiến bộ trong nghề sư phạm. Xây dựng các bộ chuẩn đào tạo giáo viên theo định hướng năng lực. Hết giai đoạn đào tạo ở trường sư phạm nên có thêm giai đoạn đào tạo giáo viên tập sự với mục tiêu hình thành vững chắc năng lực thực thi hành động nghề nghiệp cho các giáo viên tập sự: dạy học, giáo dục, tư vấn, đánh giá, đổi mới, tổ chức và quản lý. Khâu bồi dưỡng lực lượng nhà giáo là công việc của các cơ sở quản lý giáo viên và cán bộ quản lý giáo dục. Khâu này cần được quan niệm là hoạt động thường xuyên, vừa là nghĩa vụ, trách nhiệm vừa là quyền lợi của nhà giáo theo phương châm học suốt đời.
Bên cạnh đó, Bộ GD và ĐT cần phát triển hệ thống kiểm định chất lượng đào tạo và bồi dưỡng đội ngũ nhà giáo theo xu thế hội nhập quốc tế. Hiện nay ở Việt Nam hệ thống kiểm định do Hội đồng kiểm định quốc gia thực hiện cho nên mang tính tập trung hóa cao. Vì thế, cần thiết phải xây dựng các cơ quan ủy thác thực thi dưới sự chỉ đạo của Hội đồng để tăng tính khách quan, công bằng, độ tin cậy trong đánh giá và tránh những áp lực không cần thiết cho Hội đồng trong quá trình thực thi hoạt động kiểm định.
Nhà giáo là lực lượng quan trọng làm nên chất lượng giáo dục. Để nâng cao chất lượng giáo dục nhất thiết phải nâng cao chất lượng đội ngũ nhà giáo, trong đó quan tâm phát triển đội ngũ giáo viên hướng tới sự phát triển bền vững, đáp ứng tốt những yêu cầu nền giáo dục Việt Nam trong giai đoạn 2010 – 2020. Muốn vậy, phải có những đổi mới thật sự trong đào tạo, bồi dưỡng và quản lý đội ngũ nhà giáo theo định hướng chuẩn năng lực nghề nghiệp và đặc biệt là có những thay đổi, thực hiện đầy đủ, kịp thời các chế độ, chính sách tuyển dụng và đãi ngộ nhà giáo…
Ý kiến ()