Nâng cao chất lượng dịch vụ vận tải tạo động lực phát triển du lịch
Bộ Giao thông Vận tải yêu cầu các đơn vị trực thuộc Bộ cần thực hiện các giải pháp nâng cao chất lượng dịch vụ, nâng cấp hạ tầng giao thông và tạo động lực cho phát triển du lịch.
Cục Hàng không VN phối hợp với Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch tiễn, đón khách chu đáo, an toàn. (Ảnh chụp trước ngày 27/4/2021) |
Ngày 18/5, Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) gửi văn bản yêu cầu Tổng cục Đường bộ Việt Nam và các cục quản lý chuyên ngành triển khai Chỉ thị 10 của Thủ tướng Chính phủ về bảo vệ an ninh quốc gia, bảo đảm trật tự an toàn xã hội trong lĩnh vực du lịch trong tình hình mới.
Theo đó, yêu cầu các đơn vị chỉ đạo nhà ga, bến tàu, cảng biến, bến xe tăng cường điều hành, phối hợp giữa các lực lượng vận tải, quản lý kết cấu hạ tầng giao thông, người điều khiển phương tiện, bảo đảm chất lượng dịch vụ vận tải, đáp ứng yêu cầu bảo đảm an toàn, thuận lợi cho khách du lịch khi tham gia giao thông, kịp thời giải quyết hoặc tham mưu để xử lý các tình huống phát sinh về an toàn giao thông đối với khách du lịch.
Ngoài ra, giao Tổng cục Đường bộ, các cục quản lý chuyên ngành, các Sở GTVT phối hợp với các cơ quan, đơn vị của Bộ Văn hóa, Thể thao và du lịch đề xuất và triển khai các giải pháp nâng cao chất lượng dịch vụ vận tải, nâng cấp hạ tầng giao thông đường bộ, đường sắt, hàng không, hàng hải, đường thủy nội địa hỗ trợ và tạo động lực cho phát triển du lịch.
Trong đó, Tổng cục Đường bộ có nhiệm vụ ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý hoạt động kinh doanh vận tải bằng ô tô. Cụ thể, xây dựng hạ tầng công nghệ và quy trình kết nối, chia sẻ, liên thông toàn bộ dữ liệu giám sát hành trình, hình ảnh, ghi, lưu trữ lâu dài từ camera trên xe, đào tạo, sát hạch cấp, thu hồi giấy phép lái xe giữa các cơ quan quản lý nhà nước bảo đảm kiểm soát được an ninh an toàn cho hoạt động du lịch.
Đồng thời, hoàn thiện hệ thống trạm dừng nghỉ trên các tuyến quốc lộ, tạo thuận lợi cho khách du lịch và bảo đảm trật tự an toàn giao thông, bảo đảm quốc phòng an ninh trong tình hình mới.
Cục Hàng không Việt Nam có trách nhiệm tăng cường kiểm tra, kiểm soát bảo đảm an ninh, trật tự ATGT trong vận tải hành khách tại các cảng hàng không, sân bay; thường xuyên kiểm tra các quy định của pháp luật đối với đội ngũ phi công, tiếp viên phục vụ trên tàu bay; cương quyết ngăn chặn các hành vi vi phạm gây nguy hại đến tính mạng và tài sản của Nhân dân.
Và phối hợp với các cơ quan của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch tạo điều kiện đón, tiễn hành khách tại cảng hàng không được thuận tiện, an toàn.
Cục Đường sắt Việt Nam cần tăng cường công tác quản lý, kiểm tra, kiểm soát bảo đảm trật tự ATGT và vệ sinh môi trường trong hoạt động vận tải khách tại các nhà ga. Đồng thời, chỉ đạo Tổng công ty Đường sắt Việt Nam, các doanh nghiệp kinh doanh vận tải đường sắt nâng cao chất lượng phục vụ hành khách, tăng cường công tác giáo dục đội ngũ lái tàu và các chức danh có liên quan trực tiếp tới công tác chạy tàu thực hiện nghiêm túc các quy định về an toàn vận tải đường sắt.
Bên cạnh đó, yêu cầu Sở GTVT các tỉnh, thành chỉ đạo lực lượng Thanh tra giao thông phối hợp với các lực lượng chức năng của địa phương, tăng cường kiểm tra và xử lý nghiêm các vi phạm trong hoạt động kinh doanh vận tải khách, tập trung xử lý triệt để hiện tượng giả mạo xe taxi để lừa đảo hành khách.
Riêng các bến xe, bến tàu phải bảo đảm trật tự ATGT và bảo đảm quốc phòng an ninh trong tình hình mới, giữ gìn vệ sinh môi trường và tạo thuận lợi cho khách du lịch sử dụng dịch vụ.
Cuối cùng, Sở GTVT các tỉnh, thành có nhiệm vụ chỉ đạo lực lượng Thanh tra giao thông tăng cường phối hợp để bảo đảm quản lý chặt chẽ các điều kiện về an toàn trong hoạt động vận tải, đặc biệt chú trọng đối với vận tải khách du lịch bằng đường bộ và đường thủy nội địa; chỉ đạo các doanh nghiệp vận tải tạo thuận lợi cho khách du lịch đi lại trên các tuyến vận tải hành khách cố định và dịch vụ vận tải hành khách công cộng bằng xe buýt./.
Ý kiến ()