Nâng cao chất lượng để gạo Việt Nam chiếm lĩnh các thị trường
Theo nhận định của các doanh nghiệp chế biến, kinh doanh, xuất khẩu gạo tại Đồng bằng sông Cửu Long, hiện giá lúa ở mức cao, tạo cơ hội tốt cho nông dân cũng như đơn vị chế biến xuất khẩu gạo.
Hiện nay, không chỉ người tiêu dùng thế giới mà ngay cả người tiêu dùng trong nước cũng có những đòi hỏi rất khắt khe về chất lượng lúa gạo. Vì thế, để tận dụng những lợi thế đã có và tăng xuất khẩu gạo, ngành hàng lúa gạo Việt Nam cần theo dõi sát nhu cầu thị trường và loại bỏ tư duy sản xuất cũ, hướng đến một nền nông nghiệp bền vững.
Tăng cường mở rộng thị trường
Phó Giám đốc Sở Công Thương tỉnh An Giang Trần Thanh Tâm cho biết 8 tháng năm 2020, xuất khẩu gạo của tỉnh An Giang đạt 343,26 nghìn tấn, tương đương 185,23 triệu USD; so với cùng kỳ tăng 5,53% về sản lượng và tăng 12,82% về kim ngạch.
Tính riêng trong tháng 8/2020, xuất khẩu gạo ước đạt 40,78 nghìn tấn, tương đương 22,82 triệu USD; so với cùng kỳ tăng 15,13% về lượng và 32,08% về giá trị.
Theo ông Tâm, giá gạo xuất khẩu của Việt Nam tăng một phần là do nhu cầu thu mua dự trữ để ứng phó dịch COVID-19 của nhiều quốc gia.
Ngoài ra, việc gạo ST25 của Việt Nam đoạt danh hiệu “Gạo ngon nhất thế giới” đã tạo ra sự chú ý đặc biệt của người tiêu dùng, góp phần quan trọng tiêu thụ và nâng cao giá trị cho gạo Việt.
Số liệu thống kê của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh An Giang từ đầu tháng 9/2020 đến nay cho thấy, giá lúa tươi thường trên địa bàn tỉnh hiện dao động từ 6.000-6.200 đồng/kg (tương đương tuần trước); các loại lúa chất lượng cao giá ổn định, như: Jasmine từ 6.100-6.300 đồng/kg, lúa OM từ 5.950-6.300 đồng/kg…
Về gạo, giá gạo thường dao động từ 10.000-11.500 đồng/kg, gạo Jasmine từ 15.000-15.500 đồng/kg, gạo trắng thông dụng 11.500 đồng/kg, gạo Nhật 22.500 đồng/kg…
Hiện, lúa Hè Thu đã được thu hoạch xong, trong khi lúa Thu Đông sớm chỉ mới bắt đầu thu hoạch ở một số địa phương, ước năng suất bình quân đạt 5,2 tấn/ha (giảm 0,38 tấn/ha so với cùng kỳ 2019).
Mặc dù năng suất không cao nhưng lúa lại có giá (giống lúa OM 5451 bán với giá 5.600-5.700 đồng/kg; Ðài thơm 8 có giá 6.100-6.300 đồng/kg; nếp 6.000-6.300 đồng/kg lúa tươi mua tại ruộng…) nên lợi nhuận trồng lúa năm nay của người nông dân cao hơn so với các vụ mùa năm trước.
Theo nhận định của các doanh nghiệp chế biến, kinh doanh, xuất khẩu gạo tại Đồng bằng sông Cửu Long, hiện giá lúa ở mức cao, tạo cơ hội tốt cho nông dân cũng như đơn vị chế biến xuất khẩu gạo.
Ông Phạm Thái Bình, Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Nông nghiệp Công nghệ cao Trung An (Cần Thơ) cho biết doanh nghiệp vừa xuất khẩu 6 container, tương đương khoảng 150 tấn gạo thơm trong tổng khối lượng theo hợp đồng xuất khẩu 3.000 tấn sang thị trường EU, với giá trên 1.000 USD/tấn ST20 (gạo 5% tấm) và trên 600 USD/tấn gạo Jasmine.
Theo ông Bình, giá gạo hiện nay đang có lợi cho người trồng lúa, cho doanh nghiệp xuất khẩu và có thể duy trì mức giá cao như hiện nay vì nhiều lý do, nhưng phần lớn là do cung-cầu thị trường.
“Tổng sản lượng gạo xuất khẩu của Việt Nam đến thời điểm này đã giảm so với cùng kỳ, trong khi nhu cầu của thế giới tăng do dịch COVID-19 và một số thị trường chính như Trung Quốc đang gánh chịu thiên tai nặng nề nên giá gạo vẫn cao trong những tháng sắp tới,” ông Bình nhận định.
Ông Nguyễn Sĩ Lâm, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh An Giang, cho biết An Giang là một trong những tỉnh đứng đầu về sản xuất lúa gạo của cả nước, góp phần đáng kể vào đảm bảo an ninh lương thực và xuất khẩu. Tỉnh luôn đảm bảo tổng diện tích xuống lúa hằng năm ổn định ở mức khoảng 600.000ha, sản lượng bình quân xấp xỉ 4 triệu tấn lúa/năm.
Năm 2019, An Giang xuất khẩu 454.200 tấn gạo, tương đương 223,8 triệu USD. Dự kiến năm 2020, sản lượng lúa của An Giang đạt hơn 4 triệu tấn và giá lúa đang ở mức cao. Sở Công Thương dự báo kim ngạch xuất khẩu gạo năm 2020 có thể đạt 260 triệu USD, tăng 20% so năm 2019.
Trong 6 tháng đầu năm 2020, xuất khẩu nông, thủy sản của tỉnh An Giang vào các nước thành viên EU đạt 26 triệu USD. Theo ông Lâm, việc xuất khẩu hàng hóa vào thị trường châu Âu của tỉnh An Giang thời gian qua còn rất khiêm tốn, chưa tương xứng với tiềm năng và lợi thế của tỉnh. Do vậy, Hiệp định thương mại tự do Việt Nam-Liên minh châu Âu (EVFTA) có hiệu lực sẽ mở ra nhiều cơ hội xuất khẩu nông sản của tỉnh vào thị trường hơn 500 triệu dân này, nhất là mặt hàng gạo và thủy sản.
“Hiện nay, tỉnh đã xây dựng một số nội dung trọng tâm hỗ trợ các doanh nghiệp của tỉnh tiếp cận EVFTA như chủ động tăng cường công tác kết nối với các tham tán thương mại tại các nước là thành viên của Hiệp định EVFTA để hỗ trợ, giới thiệu thông tin của doanh nghiệp 2 nước; cung cấp thông tin doanh nghiệp EU có nhu cầu nhập khẩu gạo và thủy sản, rau quả của Việt Nam để thông tin đến cộng đồng doanh nghiệp trong tỉnh, từ đó thúc đẩy giao thương hàng hóa,” ông Lâm chia sẻ.
Khẳng định vị thế gạo Việt
Những tín hiệu tích cực từ ngành hàng gạo Việt cho thấy một bước chuyển mới. Xuất khẩu gạo tăng trưởng về chất lượng, giá bán, giá trị và số lượng gạo thơm vươn lên chiếm tỷ trọng cao trong xuất khẩu.
Bên cạnh đó, các chuyên gia cũng cho rằng bên cạnh việc tập trung xây dựng thương hiệu, ngành hàng lúa gạo Việt Nam cần tiếp tục thực thi nhiều cơ chế, chính sách giải pháp xây dựng chuỗi giá trị lúa gạo hoàn chỉnh.
Theo ông Huỳnh Văn Thòn, Chủ tịch Hội đồng quản trị Tập đoàn Lộc Trời, nông nghiệp tiếp tục sẽ là lĩnh vực thu hút sự đầu tư mạnh mẽ trong thời gian tới với nhiều nguồn lực về tài chính, tri thức, nghiên cứu khoa học, ứng dụng công nghệ để cùng hướng đến xây dựng nền nông nghiệp hiện đại, bền vững. Từ đó, giá trị nông sản và tiếng nói, vị thế của nông dân Việt trên thị trường thế giới cũng được nâng cao.
Bên cạnh đó, hạt gạo Việt Nam nếu được sản xuất theo các quy trình bền vững như SRP, Global GAP, Viet GAP… sẽ có cơ hội lớn để tiếp cận các thị trường cao cấp.
Đối với Tập đoàn Lộc Trời, ngay từ cuối năm 2016, Lộc Trời bắt đầu triển khai sản xuất lúa gạo bền vững theo tiêu chuẩn quốc tế (SRP). Ðây là bộ tiêu chuẩn đầu tiên trên thế giới về sản xuất lúa gạo bền vững có tiêu chí nhấn mạnh các yếu tố kinh tế-xã hội, môi trường và 8 vấn đề bảo đảm sản xuất lúa gạo bền vững như: quản lý tốt đồng ruộng, sử dụng nguồn tài nguyên nước hợp lý, quản lý sâu bệnh, quản lý dinh dưỡng, giảm thất thoát sau thu hoạch, bộ tiêu chí coi trọng an toàn vệ sinh thực phẩm, an toàn sức khỏe cho người lao động, người tiêu dùng.
Vượt qua nhiều khó khăn, thách thức, đến nay, toàn bộ vùng nguyên liệu sản xuất lúa gạo của Tập đoàn Lộc Trời với gần 12.000ha đều đã sản xuất thành công gạo theo tiêu chuẩn SRP. Mô hình này giúp nông dân giảm khoảng 15% chi phí đầu tư cho thuốc bảo vệ thực vật, góp phần bảo vệ sức khỏe nông dân và bảo vệ môi trường.
“Việc áp dụng bộ tiêu chí sản xuất lúa bền vững do SRP ban hành sẽ giúp người nông dân sản xuất ra hạt gạo an toàn, chất lượng. Bà con nông dân khi hợp tác sản xuất với Tập đoàn Lộc Trời sẽ được “lực lượng 3 cùng” của tập đoàn sát cánh hỗ trợ trong suốt mùa vụ để đảm bảo việc tuân thủ các quy trình kiểm soát đồng ruộng,” ông Huỳnh Văn Thòn khẳng định.
Dẫn chứng cụ thể hơn, giáo sư, tiến sỹ Võ Tòng Xuân, Hiệu trưởng Trường Đại học Nam Cần Thơ – một chuyên gia hàng đầu về Nông nghiệp Việt Nam, cho biết để hạt gạo Việt tận dụng lợi thế của EVFTA và chắc chân tại thị trường EU cũng như một số thị trường khác, trước hết, người nông dân và các doanh nghiệp xuất khẩu gạo phải sản xuất theo đúng quy trình chất lượng an toàn trên cơ sở ứng dụng tự động hóa, cơ giới hóa trong nông nghiệp.
Nông dân phải thay đổi tư duy canh tác kiểu cũ (lạm dụng phân, thuốc hóa học) sang canh tác hữu cơ, theo quy trình nông nghiệp an toàn (sử dụng phân hữu cơ, phân sinh học và một ít phân hóa học).
Trong khi đó, doanh nghiệp phải hợp tác với nông dân thông qua các mô hình hợp tác xã nông nghiệp kiểu mới để từ đó xây dựng được những vùng nguyên liệu rộng lớn, có xuất xứ, nguồn gốc rõ ràng, áp dụng quy trình sản xuất chất lượng an toàn cho chuỗi cung ứng nguyên liệu của mình và bao tiêu sản phẩm của người nông dân.
“Rất tự hào vì đã có không ít doanh nghiệp xuất khẩu gạo Việt Nam tổ chức được các vùng nguyên liệu sản xuất theo quy trình nông nghiệp an toàn, nông nghiệp hữu cơ, sản phẩm gạo đạt chất lượng an toàn theo chuẩn EU. Có được chứng nhận này thì hạt gạo Việt Nam đi Mỹ, Australia, Nhật Bản… rất dễ,” giáo sư, tiến sỹ Võ Tòng Xuân nhấn mạnh./.
Ý kiến ()