Nâng cao chất lượng dạy học ngoại ngữ
Học sinh Trường THPT Hoàng Văn Thụ thảo luận nhóm trong giờ học ngoại ngữ |
Ông Đặng Hồng Cường, Trưởng Phòng Giáo dục trung học, Sở Giáo dục và Đào tạo cho biết: Từ khi triển khai thực hiện dạy học ngoại ngữ theo đề án, ngành giáo dục tỉnh đã chỉ đạo các nhà trường tổ chức các hoạt động câu lạc bộ ngoại ngữ, chủ đề ngoại khóa, ngày hội ngoại ngữ cấp trường, cấp huyện nhằm tạo môi trường thuận lợi cho học sinh thực hành sử dụng ngoại ngữ và thúc đẩy dạy và học tiếng Anh; khuyến khích các nhà trường đổi mới phương pháp, tổ chức đa dạng các hình thức tổ chức dạy học; sân khấu hóa một số tiết dạy nhằm phát triển kỹ năng nói ngoại ngữ và tính tự tin cho học sinh.
Đến nay, tất cả trường THCS, THPT trong tỉnh đều dạy môn tiếng Anh. Theo thống kê của ngành giáo dục tỉnh, năm học 2017 – 2018, cấp tiểu học có 257 trường thực hiện dạy học môn tiếng Anh. Với khối THCS, 100% trường THCS thực hiện dạy học tiếng Anh với 1.631 lớp, 44.336 học sinh, trong đó, 21.799 học sinh học chương trình 7 năm, 22.537 học sinh học chương trình 10 năm. Cấp THPT có 26 trường triển khai với 634 lớp cho 22.108 học sinh, trong đó, 21.758 học sinh học chương trình 7 năm, 330 học sinh học chương trình 10 năm.
Thực tế cho thấy, việc dạy và học tiếng Anh trong nhà trường theo phương pháp cũ đã không còn phù hợp, đòi hỏi người dạy phải chuyển đổi theo hướng lấy người học làm trung tâm. Bằng cách khéo léo bố trí sơ đồ lớp học theo từng nhóm (5 học sinh 1 nhóm), khả năng tương tác giữa các học sinh được tăng cường tối đa. Các chủ đề nói và các hoạt động trong lớp được thực hiện trong phạm vi của nhóm giúp đề cao ý thức làm việc tập thể, từ đó phát triển tư duy cộng đồng và phản ứng giao tiếp được tăng lên rõ rệt. Nhờ đó, các em đã chủ động trong giờ học trên lớp, tham gia tốt trong các nhóm thảo luận, phát triển kỹ năng. Học sinh không còn ngại ngùng hay miễn cưỡng tham gia vào các buổi thảo luận sử dụng tiếng Anh như trước. Em Đỗ Nhật Mai, lớp 11A1, Trường THPT Việt Bắc, thành phố Lạng Sơn chia sẻ: Các thầy cô chủ động trao đổi kiến thức ngoại ngữ với học sinh nên em rất hứng thú với tiết học bởi sự thân thiện, cởi mở trong giao tiếp nên tiết học rất thoải mái. Từ đó chúng em cảm thấy tự tin hơn trong giao tiếp bằng tiếng Anh.
Cùng với đổi mới phương pháp giảng dạy, đội ngũ giáo viên ngoại ngữ tiếp tục được đào tạo, chuẩn hóa, đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của sự nghiệp giáo dục trong thời kỳ mới. Hằng năm, ngành giáo dục tỉnh tổ chức các lớp tập huấn, bồi dưỡng cho 100% giáo viên dạy ngoại ngữ ở các bậc học. Cùng đó tăng cường mở rộng, phát triển quan hệ hợp tác với các tổ chức giáo dục quốc tế, các cơ sở giáo dục nước ngoài. Tranh thủ tối đa hỗ trợ quốc tế trong lĩnh vực bồi dưỡng, nâng cao năng lực của đội ngũ giáo viên, giảng viên ngoại ngữ. Chỉ tính riêng từ năm 2017 đến nay, ngành giáo dục tỉnh đã phối hợp với Hội đồng Anh khảo sát và bồi dưỡng giáo viên dạy tiếng Anh về chuyên môn và nghiệp vụ cấp THCS và tiểu học cho 45 giáo viên; phối hợp với Đại Sứ quán Hoa Kỳ tổ chức 2 lớp tập huấn cho 90 giáo viên dạy tiếng Anh cấp THCS, THPT về phương pháp dạy học, ứng dụng công nghệ thông tin trong dạy học; phối hợp với Trường Đại học Hà Nội tổ chức bồi dưỡng năng lực cho 50 giáo viên dạy tiếng Anh trên địa bàn tỉnh.
Qua đó, chất lượng của đội ngũ giáo viên môn tiếng Anh ngày càng cao, với 849 giáo viên tiếng Anh trên toàn tỉnh (269 giáo viên tiểu học, 410 giáo viên THCS, 170 giáo viên THPT), trong đó, cấp tiểu học và THCS có 310 cử nhân cao đẳng, 409 cử nhân đại học, 1 thạc sỹ; cấp THPT có 165 cử nhân đại học, 20 thạc sỹ. Xếp theo bậc năng lực ngoại ngữ: 97/269 giáo viên tiểu học đạt chuẩn B2 – C1 (đạt 36,1%); 258/410 giáo viên THCS đạt chuẩn B2 – C1 (đạt 62,9%); 58/170 giáo viên THPT đạt chuẩn C1 (đạt 34,1%).
Tuy nhiên, việc triển khai thực hiện đề án dạy học ngoại ngữ còn gặp một số khó khăn như: cơ sở vật chất còn hạn chế; trình độ tiếng Anh của học sinh ở vùng nông thôn còn yếu… Để tiếp tục triển khai hiệu quả đề án cần có sự phối hợp đồng bộ, trong đó chú trọng đầu tư thêm cơ sở vật chất, trang thiết bị học tập môn tiếng Anh, tăng cường bồi dưỡng và bồi dưỡng chuyên sâu cho đội ngũ giáo viên… từ đó từng bước nâng cao chất lượng giáo dục môn tiếng Anh của tỉnh, đáp ứng với yêu cầu hội nhập quốc tế.
Ý kiến ()