Nâng cao chất lượng đào tạo nghề, đáp ứng nguồn nhân lực phục vụ CNH, HÐH đất nước
Kinh tế Việt Nam đang bước vào giai đoạn phát triển và chuyển đổi mạnh, để đến năm 2020 Việt Nam cơ bản trở thành nước công nghiệp như Nghị quyết Đại hội lần thứ X của Đảng đã đề ra.Dự báo, ngoài các nguồn lực vật chất, Việt Nam còn cần ít nhất khoảng 25 triệu lao động có trình độ trung cấp, cao đẳng nghề và kỹ sư thực hành. Để đáp ứng nguồn nhân lực kỹ thuật phục vụ CNH, HĐH đất nước, Nghị quyết Đại hội toàn quốc lần thứ X của Đảng đã chỉ rõ: 'Phát triển mạnh hệ thống giáo dục nghề nghiệp, tăng nhanh quy mô đào tạo cao đẳng nghề, trung cấp nghề cho các khu công nghiệp, các vùng kinh tế động lực và cho việc xuất khẩu lao động. Mở rộng mạng lưới cơ sở dạy nghề, phát triển trung tâm dạy nghề quận, huyện. Tạo chuyển biến căn bản về chất lượng dạy nghề tiếp cận với trình độ tiên tiến của khu vực và thế giới. Đẩy mạnh xã hội hóa, khuyến khích phát triển các hình thức dạy nghề đa dạng, linh hoạt: dạy nghề ngoài công...
Kinh tế Việt Nam đang bước vào giai đoạn phát triển và chuyển đổi mạnh, để đến năm 2020 Việt Nam cơ bản trở thành nước công nghiệp như Nghị quyết Đại hội lần thứ X của Đảng đã đề ra.
Dự báo, ngoài các nguồn lực vật chất, Việt Nam còn cần ít nhất khoảng 25 triệu lao động có trình độ trung cấp, cao đẳng nghề và kỹ sư thực hành. Để đáp ứng nguồn nhân lực kỹ thuật phục vụ CNH, HĐH đất nước, Nghị quyết Đại hội toàn quốc lần thứ X của Đảng đã chỉ rõ: 'Phát triển mạnh hệ thống giáo dục nghề nghiệp, tăng nhanh quy mô đào tạo cao đẳng nghề, trung cấp nghề cho các khu công nghiệp, các vùng kinh tế động lực và cho việc xuất khẩu lao động. Mở rộng mạng lưới cơ sở dạy nghề, phát triển trung tâm dạy nghề quận, huyện. Tạo chuyển biến căn bản về chất lượng dạy nghề tiếp cận với trình độ tiên tiến của khu vực và thế giới. Đẩy mạnh xã hội hóa, khuyến khích phát triển các hình thức dạy nghề đa dạng, linh hoạt: dạy nghề ngoài công lập, tại doanh nghiệp, tại làng nghề'. Thể chế hóa chủ trương của Đảng về phát triển dạy nghề, Quốc hội đã thông qua Luật Dạy nghề năm 2006.
Hình thành hệ thống pháp lý
Triển khai Luật Dạy nghề, đến nay nhiều văn bản hướng dẫn thi hành luật đã được ban hành. Cùng với đó, các chính sách dạy nghề ngắn hạn cho lao động nông thôn, dạy nghề cho thanh niên dân tộc nội trú, hỗ trợ dạy nghề cho bộ đội xuất ngũ; dạy nghề cho người nghèo, cho phụ nữ, cho người tàn tật; dạy nghề, bồi dưỡng kiến thức văn hóa cho lao động ở các huyện nghèo đi xuất khẩu lao động; tín dụng đối với học sinh, sinh viên học nghề; hỗ trợ thanh niên học nghề lập nghiệp; chế độ phụ cấp nặng nhọc, độc hại và phụ cấp đặc thù đối với giáo viên dạy nghề cũng đã được ban hành. Đến nay, có thể nói đã hình thành được hệ thống pháp lý tương đối hoàn chỉnh để điều chỉnh và quản lý hoạt động dạy nghề, tạo hành lang pháp lý để dạy nghề phát triển mạnh theo hướng đào tạo nghề theo ba cấp trình độ: Cao đẳng, trung cấp và sơ cấp nghề; coi trọng kỹ năng thực hành nghề, gắn đào tạo nghề với yêu cầu sử dụng của doanh nghiệp và thị trường lao động. Tính từ sau khi tái thành lập Tổng cục Dạy nghề năm 1998, nhất là từ sau khi có Luật Dạy nghề đến nay, mạng lưới cơ sở dạy nghề đã phát triển tới 63 tỉnh, thành phố, hơn 600 huyện, quận, thị xã, các KCN, KCX và làng nghề. Nếu trước năm 1998, toàn quốc chỉ có 129 trường đào tạo công nhân kỹ thuật thì đến tháng 12-2010, cả nước đã có 123 trường cao đẳng nghề (trong đó 90 trường công lập); 301 trường trung cấp nghề (trong đó 206 trường công lập) và 790 trung tâm dạy nghề (trong đó có 349 TTDN cấp huyện). So với năm 1998, số lượng trường nghề tăng gấp bốn lần, số trung tâm dạy nghề tăng gấp năm lần, quy mô tuyển sinh cao đẳng nghề và trung cấp nghề tăng hơn 18% mỗi năm, tuyển sinh dạy nghề ngắn hạn tăng 6% mỗi năm. Năm 2010, tuyển sinh dạy nghề đạt 1.748.000 người, trong đó tuyển sinh cao đẳng nghề, trung cấp nghề tăng hơn 17% so với năm 2009.
Cơ cấu ngành nghề đào tạo từng bước được điều chỉnh theo cơ cấu ngành nghề trong sản xuất, kinh doanh, dịch vụ, đồng thời mở thêm nhiều nghề đào tạo mới mà thị trường lao động có nhu cầu và các nghề phục vụ cho việc chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp, nông thôn, giải quyết việc làm, tăng thu nhập cho người lao động.
Từng bước chuẩn hóa, nâng cao chất lượng đào tạo nghề
Bên cạnh phát triển mạnh về số lượng, quy mô đào tạo, các điều kiện bảo đảm chất lượng dạy nghề như chương trình, giáo trình, cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy nghề và giáo viên dạy nghề được chú trọng đầu tư, cải thiện. Năm 2010, xây dựng mới thêm 30 bộ chương trình khung trình độ trung cấp và cao đẳng nghề, nâng tổng số chương trình khung trình độ cao đẳng nghề và trung cấp nghề được xây dựng lên 80 bộ. Đặc biệt các giải pháp quản lý chất lượng dạy nghề được tăng cường như: thực hiện đăng ký hoạt động dạy nghề đối với các trường cao đẳng nghề, trường cao đẳng và đại học có tham gia dạy nghề; triển khai định kỳ kiểm định chất lượng dạy nghề các trường CĐN, TCN và TTDN; tổ chức xây dựng và ban hành tiêu chuẩn kỹ năng nghề quốc gia cho 128 nghề thuộc phạm vi quản lý của từng Bộ theo quy trình được quy định tại Quyết định số 09/2008/QĐ-BLĐTBXH ngày 27-3-2008 của Bộ trưởng Lao động – Thương binh và Xã hội. Hiện đã có 10 bộ Tiêu chuẩn kỹ năng nghề thuộc lĩnh vực xây dựng được Bộ Xây dựng và Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội thỏa thuận ban hành; 49 bộ Tiêu chuẩn kỹ năng nghề do Bộ Công thương xây dựng đang trong giai đoạn hoàn thiện để làm các thủ tục thỏa thuận ban hành.
Hằng năm, Tổng cục Dạy nghề tổ chức tập huấn kỹ năng giảng dạy theo chương trình khung, bồi dưỡng công nghệ mới, bồi dưỡng kỹ năng giảng dạy cho hàng nghìn lượt giáo viên; bồi dưỡng kiến thức hội nhập kinh tế quốc tế về dạy nghề cho các giáo viên hạt nhân; bồi dưỡng nghiệp vụ quản lý cơ sở dạy nghề cho cán bộ quản lý các cơ sở dạy nghề; tổ chức các hội thi giáo viên giỏi, thi tay nghề quốc gia và tham gia các cuộc thi tay nghề ASEAN và thế giới. Cơ sở vật chất thiết bị của các trường, cơ sở dạy nghề tiếp tục được nâng cấp, đầu tư mới từ ngân sách Nhà nước, từ Chương trình mục tiêu quốc gia, từ vốn ODA và vốn xã hội hóa… Hợp tác quốc tế về dạy nghề được mở rộng với hơn 40 quốc gia và tổ chức quốc tế.
Năm 2010 là năm tốt nghiệp khóa đào tạo cao đẳng nghề đầu tiên của cả nước, nhiều trường đã thí điểm thi tốt nghiệp theo ngân hàng đề thi chung với sự tham gia của các chuyên gia đến từ doanh nghiệp tham gia từ khâu tổ chức ra đề thi, coi thi, chấm thi. Cách làm này được các doanh nghiệp đánh giá cao. Theo báo cáo của các trường, tỷ lệ sinh viên cao đẳng nghề tốt nghiệp có việc làm đạt hơn 80%, trong đó đặc biệt các nghề kỹ thuật, tỷ lệ các em có việc làm đạt 100%. Nhiều sinh viên cao đẳng nghề kỹ thuật được doanh nghiệp đăng ký tuyển ngay khi còn đang học năm cuối. Qua điều tra, khảo sát, số sinh viên tốt nghiệp cao đẳng nghề khóa đầu tiên, lương trung bình mới ra trường của các em đạt 3,3 triệu đồng/người/tháng, trong đó một số nghề kỹ thuật có thu nhập khởi điểm đạt 5 đến 6 triệu đồng/người/tháng.
Gắn dạy nghề cho nông dân với xây dựng nông thôn mới
Năm 2010 cũng là năm đầu tiên triển khai thực hiện Đề án 'Đào tạo nghề cho lao động nông thôn đến năm 2020' theo Quyết định 1956/QĐ-TTg ngày 27-11-2009 của Thủ tướng Chính phủ, với sự nỗ lực, quyết tâm của toàn ngành từ Trung ương đến địa phương, nên chỉ trong một thời gian ngắn đã huy động được sự tham gia của cả hệ thống chính trị, thu hút được sự quan tâm và hưởng ứng tích cực của đông đảo lao động nông thôn trong cả nước tham gia. Về chính sách, đã ban hành năm Thông tư và nhiều văn bản hướng dẫn triển khai thực hiện Đề án; tổ chức ba Hội nghị giao ban toàn quốc, ba Hội nghị giao ban cấp vùng và hàng chục đợt tập huấn chuyên môn nghiệp vụ. Ở cấp tỉnh: 100% số tỉnh đã có quyết định thành lập Ban Chỉ đạo Đề án cấp tỉnh và chọn huyện điểm để chỉ đạo triển khai; 75% số tỉnh đã đưa nội dung Đề án đào tạo nghề cho lao động nông thôn vào Nghị quyết của đảng bộ tỉnh giai đoạn 2011-2015, ban hành Chỉ thị của tỉnh ủy, thành ủy về tăng cường chỉ đạo của Đảng trong triển khai thực hiện Đề án; 25% số tỉnh đã phê duyệt Đề án cấp tỉnh đến năm 2020. Ở cấp huyện, xã: gần 80% có Ban Chỉ đạo Đề án cấp huyện; Ban Chỉ đạo hoặc Tổ công tác cấp xã; 80% đã tổ chức Hội nghị quán triệt tới cán bộ chủ chốt cấp huyện, xã, thôn.
Tổng cục Dạy nghề đã thành lập các Tổ công tác hướng dẫn, đôn đốc triển khai Đề án tại 63 tỉnh, thành phố và nhiều huyện, xã; chỉ đạo các địa phương lấy cấp huyện, cấp xã là cấp cơ sở trong triển khai thực hiện. Gắn thực hiện Đề án với mục tiêu 'giải quyết việc làm và chuyển dịch nhanh cơ cấu lao động nông thôn' trong Chương trình mục tiêu quốc gia về Xây dựng nông thôn mới; trực tiếp hướng dẫn mỗi tỉnh, thành phố lựa chọn một xã để triển khai điểm các lớp dạy nghề lao động nông thôn theo Quyết định 1956, gắn với giải quyết việc làm, tăng năng suất và nâng cao thu nhập cho lao động nông thôn. Đến tháng 12-2010, cả nước đã triển khai hơn 8.000 lớp dạy nghề cho khoảng 277 nghìn lao động nông thôn theo chính sách của Đề án.
Chuyển trọng tâm đầu tư theo nghề mũi nhọn
Hiện dạy nghề của nước ta có 301 nghề trình độ cao đẳng, 385 nghề trình độ trung cấp và hàng nghìn nghề trình độ sơ cấp. Để nâng cao chất lượng nguồn nhân lực kỹ thuật được đào tạo, đáp ứng yêu cầu CNH, HĐH đất nước, trong điều kiện nguồn lực có hạn, giải pháp được chú trọng trong thời gian tới là đầu tư tập trung, đồng bộ theo nghề. Dự kiến sẽ đầu tư tập trung cho khoảng 100 nghề theo các vùng trong cả nước. Các nghề được lựa chọn là những nghề có tính cạnh tranh cao phục vụ các ngành kinh tế mũi nhọn. Theo đó, sẽ đầu tư đồng bộ vào các yếu tố để nâng cao chất lượng của nghề được chọn để đào tạo, bao gồm: đầu tư nâng cao trình độ và kỹ năng nghề cho giáo viên, đầu tư nâng cấp chương trình, giáo trình tài liệu giảng dạy, đầu tư trang thiết bị và đầu tư để kiểm định chất lượng. Phấn đấu việc đầu tư vào các nghề mũi nhọn sẽ tạo điều kiện để các nghề này khi đào tạo ra học sinh, sinh viên sẽ sớm có trình độ kỹ năng tay nghề đạt tiêu chuẩn khu vực và thế giới.
Để đạt được điều này, trước mắt cần rà soát, điều chỉnh bổ sung quy hoạch mạng lưới dạy nghề về quy mô, cơ cấu cấp trình độ, ngành nghề phù hợp với chiến lược phát triển kinh tế – xã hội của cả nước, của ngành, vùng, theo hướng hình thành các trường CĐN, TCN có năng lực đào tạo nghề chất lượng cao: phát triển các trường CĐN, TCN có năng lực đào tạo một số nghề đạt chuẩn quốc gia; một số trường CĐN có năng lực đào tạo theo chương trình dạy nghề tiên tiến của các nước phát triển trong khu vực và thế giới nhằm đáp ứng nhu cầu lao động chất lượng cao cho các ngành kinh tế mũi nhọn, các vùng kinh tế, các khu công nghiệp, khu chế xuất, xuất khẩu lao động. Mỗi tỉnh có một trường có năng lực đào tạo ít nhất hai nghề đạt chuẩn quốc gia phục vụ nhu cầu của thị trường lao động của địa phương; phát triển các trường CĐN, TCN của các ngành, địa phương, nhất là các tỉnh ở vùng Tây Nam Bộ, Tây Nguyên, Tây Bắc, các tỉnh khó khăn nhằm chuyển dịch cơ cấu lao động, góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế, xóa đói, giảm nghèo và giảm khoảng cách phát triển kinh tế – xã hội giữa các vùng, miền, địa phương.
Phát triển các TTDN để đào tạo nghề ở trình độ sơ cấp, dạy nghề dưới ba tháng nhằm phổ cập nghề và đào tạo lại nghề cho người lao động nông thôn, góp phần tạo việc làm, nâng cao năng suất và chuyển dịch cơ cấu lao động. Đổi mới chương trình đào tạo, bồi dưỡng giáo viên, giảng viên dạy nghề về nghiệp vụ sư phạm dạy nghề và trình độ kỹ năng nghề; áp dụng chương trình đào tạo giáo viên, giảng viên dạy nghề của các nước phát triển. Đa dạng hóa các hình thức, các phương pháp dạy nghề phù hợp đối tượng học nghề và yêu cầu sản xuất, góp phần đào tạo nguồn nhân lực trực tiếp cho sản xuất, dịch vụ, cho CNH, HĐH đất nước và cho chuyển đổi cơ cấu lao động. Năm 2011, sẽ tổ chức sàn giao dịch về đào tạo nghề ở ba vùng kinh tế trọng điểm để các bên liên quan: Nhà nước, nhà trường, doanh nghiệp và người học được tiếp xúc, trao đổi. Tiếp tục xây dựng bộ chương trình khung CĐN, trung cấp nghề; thí điểm xây dựng ba chương trình đào tạo theo tiêu chuẩn thế giới và năm chương trình theo tiêu chuẩn ASEAN; biên soạn giáo trình cho các nghề phổ biến và chương trình đào tạo liên thông từ TCN, CĐN lên đại học.
Năm 2011, tuyển sinh dạy nghề cho 1.860.000 người, trong đó: CĐN, TCN tăng 16% so với kế hoạch năm 2010, hỗ trợ dạy nghề cho khoảng 800 nghìn lao động nông thôn theo Quyết định 1956 của Thủ tướng Chính phủ.
Theo Nhandan
![](https://mediabls.mediatech.vn/assets/images/load3.gif)
Ý kiến ()