Trường Sĩ quan Lục quân 1, nhà trường đầu tiên của Quân đội ta, tiền thân là Trường Quân chính kháng Nhật, thành lập ngày 15-4-1945 theo Nghị quyết Hội nghị Quân sự Bắc Kỳ và Chỉ thị của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Qua 65 năm xây dựng, chiến đấu và phát triển, nhà trường nỗ lực phấn đấu, thật sự là một trung tâm đào tạo sĩ quan chỉ huy – tham mưu Lục quân cấp phân đội của Quân đội nhân dân Việt Nam; là trường quân đội đầu tiên được Nhà nước tuyên dương danh hiệu Anh hùng LLVTND.
Sự trưởng thành và những thành quả trong đào tạo cán bộ quân sự, Trường Sĩ quan Lục quân 1 luôn được sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo trực tiếp của T.Ư Đảng, Chủ tịch Hồ Chí Minh và Đảng ủy Quân sự T.Ư. Ngay những ngày đầu thành lập, Chủ tịch Hồ Chí Minh tặng nhà trường lá cờ “Trung với nước, hiếu với dân”. Sinh thời, dù bận trăm công nghìn việc nhưng Bác Hồ đã chín lần về thăm, nhiều lần viết thư động viên, giáo dục cán bộ, giáo viên, học viên, công nhân viên nhà trường. Thực hiện lời Bác Hồ dạy, nhà trường đã tổ chức 72 khóa đào tạo với 100 nghìn học viên. Tốt nghiệp Trường Sĩ quan Lục quân 1, hầu hết các sĩ quan chỉ huy – tham mưu đến các chiến trường, các đơn vị trong toàn quân, góp phần quan trọng chiến đấu thắng lợi, xây dựng quân đội trong sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước, bảo vệ, xây dựng Tổ quốc. Rèn luyện, phấn đấu và trưởng thành, hơn 300 người được thăng quân hàm cấp tướng, nhiều người trở thành cán bộ lãnh đạo của Đảng, Nhà nước, quân đội; 27 người được Nhà nước tuyên dương danh hiệu Anh hùng LLVTND; nhiều người trở thành nhà văn, nhà báo, nhạc sĩ, nghệ sĩ, vận động viên thể dục, thể thao… hàng đầu của quân đội và đất nước.
Mở rộng đối ngoại quân sự, Trường Sĩ quan Lục quân 1 đã bồi dưỡng, đào tạo hàng nghìn sĩ quan chỉ huy – tham mưu cho quân đội 14 quốc gia trên thế giới.
Ngày nay, trước yêu cầu của sự nghiệp bảo vệ Tổ quốc, xây dựng và phát triển quân đội trong điều kiện mới, đòi hỏi nhà trường quán triệt sâu sắc đường lối chính trị, quân sự của Đảng, nghệ thuật huấn luyện chiến đấu của quân đội vào thực tiễn giáo dục – huấn luyện. Mọi hoạt động của nhà trường đều nhằm nâng cao chất lượng giáo dục – đào tạo cán bộ, bồi dưỡng cho học viên bản lĩnh chính trị vững vàng, kiến thức quân sự toàn diện, năng lực tư duy sáng tạo, thực hành chỉ huy, huấn luyện, quản lý bộ đội và tiến hành công tác đảng, công tác chính trị theo mục tiêu, yêu cầu đào tạo.
Để nâng cao chất lượng giáo dục – đào tạo, nhà trường tập trung xây dựng, đổi mới nội dung, chương trình, phương pháp dạy học và đánh giá kết quả đào tạo, đây là yếu tố quyết định chất lượng đào tạo cán bộ. Chương trình được xây dựng toàn diện, bảo đảm đào tạo theo học vấn kết hợp đào tạo theo chức vụ, có mặt bằng kiến thức tương đương các trường đại học ngoài quân đội. Đổi mới chương trình đào tạo theo hướng tinh giảm nội dung, rút ngắn thời gian, nhưng vẫn bảo đảm kiến thức cơ bản theo mặt bằng chung của Nhà nước; trong đó tập trung chuẩn hóa, hiện đại hóa, gắn với thực tiễn quân đội, phù hợp sự phát triển của nghệ thuật quân sự, vũ khí trang bị, khoa học – công nghệ, khoa học xã hội và nhân văn; kết hợp tốt đào tạo chính khóa với đào tạo ngoại khóa.
Nhà trường có nhiều biện pháp đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ học vấn, năng lực thực hành, kỹ năng sư phạm, kinh nghiệm thực tiễn, nhất là tư duy mới về huấn luyện chiến thuật, kỹ thuật chiến đấu bộ binh cấp phân đội, mẫu mực về điều lệnh và tính mô phạm của đội ngũ giáo viên và cán bộ quản lý giáo dục. Hiện nay, 100% số cán bộ, giảng viên của nhà trường có trình độ đại học, trong đó hơn 30% có trình độ sau đại học. Nhà trường tích cực tuyển dụng, tuyển chọn cán bộ, giảng viên từ nhiều nguồn, bảo đảm số lượng, nâng dần chất lượng. Đồng thời nâng cao kiến thức toàn diện cho đội ngũ cán bộ, giảng viên, phối hợp các trung tâm đào tạo, các học viện, trường đại học để giới thiệu các chuyên đề về khoa học quân sự, khoa học xã hội và nhân văn, mở các lớp bồi dưỡng kiến thức về tin học, ngoại ngữ… Công tác thông tin, tư liệu được duy trì thường xuyên với nhiều hình thức phong phú, giúp cho cán bộ, giảng viên cập nhật, bổ sung thêm kiến thức, làm phong phú hơn bài giảng và kinh nghiệm chỉ huy, quản lý đơn vị.
Đổi mới phương pháp dạy học theo hướng lấy người học làm trung tâm, phát huy tính tích cực của người học, gắn lý thuyết với thực hành, lấy thực hành làm chính; tích cực bồi dưỡng, rèn luyện kỹ năng hoạt động thực tiễn và phương pháp tư duy sáng tạo, độc lập của học viên. Tập trung nâng cao chất lượng tự học, tự nghiên cứu của học viên, từng bước biến quá trình đào tạo thành quá trình tự đào tạo, nâng cao khả năng vận dụng kiến thức vào thực hiện chức trách được giao. Kết hợp nhuần nhuyễn trang bị kiến thức với rèn luyện ý chí quyết tâm, sát với điều kiện thực tế chiến đấu, giúp cho học viên có sức khỏe dẻo dai, chủ động, sáng tạo khắc phục khó khăn, hoàn thành tốt nhiệm vụ trong mọi điều kiện, hoàn cảnh. Duy trì nghiêm hội thi, hội thao và các hoạt động ngoại khóa, qua đó củng cố, bổ sung kiến thức và rèn luyện kỹ năng thực hành cho học viên.
Nhà trường tổ chức nghiên cứu hàng chục đề tài cấp bộ, cấp ngành, cấp cơ sở, trong đó tập trung nghiên cứu phát triển lý luận nghệ thuật quân sự cấp phân đội trong điều kiện tác chiến mới và giải quyết những vấn đề thực tiễn hoạt động quân sự của nhà trường, của bộ đội hiện nay. Các đề tài được nghiên cứu công phu, nghiêm túc, thực hiện đúng tiến độ, đạt chất lượng cao. Đã biên soạn, hoàn chỉnh hệ thống tài liệu, giáo trình chiến thuật bộ binh cấp phân đội, chiến thuật binh chủng, chiến thuật trinh sát, công tác đảng, công tác chính trị… phù hợp yêu cầu phát triển nghệ thuật quân sự, yêu cầu huấn luyện và nâng cao chất lượng đào tạo cán bộ quân sự trong điều kiện mới. Phát huy vai trò cán bộ, giảng viên, học viên nghiên cứu cải tiến sáng kiến, mô hình học cụ phục vụ công tác quản lý giáo dục và huấn luyện. Ứng dụng có hiệu quả công nghệ thông tin vào công tác giáo dục – đào tạo, nghiên cứu khoa học, chỉ huy và quản lý.
Ý kiến ()