Nâng cao chất lượng dân số: Hiệu quả từ các chương trình, đề án dân số - kế hoạch hoá gia đình
– Những năm qua, nhờ thực hiện hiệu quả các chương trình, đề án về dân số – kế hoạch hóa gia đình (DS-KHHGĐ), công tác dân số trên địa bàn tỉnh đã đạt được những kết quả tích cực, góp phần nâng cao chất lượng dân số trên địa bàn.
Là cơ quan thường trực của Ban Chỉ đạo Công tác DS-KHHGĐ tỉnh, Sở Y tế đã tham mưu, xây dựng và tổ chức thực hiện các chương trình, mục tiêu về y tế – dân số, đặc biệt quan tâm đến các chương trình, đề án về nâng cao chất lượng dân số. Trên cơ sở các văn bản chỉ đạo, hướng dẫn của trung ương về thực hiện chính sách DS-KHHGĐ, Sở Y tế đã tham mưu UBND tỉnh ban hành Kế hoạch số 13/KH-UBND ngày 17/1/2017 về việc phê duyệt Đề án Kiểm soát mất cân bằng giới tính khi sinh; Kế hoạch số 140/KH-UBND ngày 9/8/2017 về thực hiện Đề án Chăm sóc sức khỏe người cao tuổi giai đoạn 2017 – 2025 trên địa bàn tỉnh; Kế hoạch số 12/KH-UBND ngày 22/1/2018 về thực hiện Đề án “Xã hội hóa cung ứng phương tiện tránh thai và dịch vụ KHHGĐ/sức khỏe sinh sản tại khu vực thành thị và nông thôn phát triển giai đoạn 2015 – 2020” (gọi tắt là Đề án 818).
Người cao tuổi huyện Tràng Định được khám mắt miễn phí tại chương trình khám bệnh miễn phí do Bệnh viện 19-8, Bộ Công an tổ chức
Ngay sau khi các kế hoạch được ban hành, Ban Chỉ đạo công tác DS-KHHGĐ tỉnh đã ban hành các văn bản hướng dẫn, đôn đốc các ngành thành viên của Ban Chỉ đạo tỉnh, UBND các huyện, thành phố thực hiện. Qua đó, 100% huyện, thành phố đã xây dựng kế hoạch triển khai thực hiện các đề án tại địa phương; chủ động phối hợp với các ban, ngành, đoàn thể liên quan để triển khai thực hiện các nội dung trong đề án theo từng năm; thực hiện tốt hoạt động truyền thông; 100% xã thuộc phạm vi triển khai đề án đã xây dựng kế hoạch và tổ chức thực hiện.
Bà Vũ Vân Anh, Phó Chi cục trưởng phụ trách Chi cục DS-KHHGĐ tỉnh cho biết: Là đơn vị trực thuộc Sở Y tế có nhiệm vụ triển khai thực hiện các chương trình, đề án, đơn vị đã phối hợp với các cấp, ngành đẩy mạnh công tác truyền thông nâng cao nhận thức, chuyển đổi hành vi. Trong đó, tập trung truyền thông thực hiện xã hội hóa về dân số và phát triển như: khám sức khỏe tiền hôn nhân; thực hiện sàng lọc, chẩn đoán, điều trị một số bệnh tật trước sinh và sơ sinh; chấp nhận phương tiện tránh thai và dịch vụ hàng hóa sức khoẻ sinh sản theo hình thức xã hội hóa. Chú trọng giáo dục kiến thức và kỹ năng sống cho thanh niên, trẻ vị thành niên về chăm sóc sức khoẻ sinh sản, hôn nhân và gia đình bằng nhiều hình thức phù hợp. Nhờ đó, các chương trình, đề án được phát triển từ tỉnh đến cơ sở.
Để thực hiện hiệu quả các đề án, công tác truyền thông được đẩy mạnh. Các cấp, ngành, tổ chức đoàn thể đã phối hợp tuyên truyền thường xuyên, liên tục với các hình thức đa dạng, từ năm 2017 đến nay đã tuyên truyền về thực hiện Luật Bình đẳng giới được gần 4.000 buổi thu hút trên 65.000 lượt người tham gia; thăm trên 5.400 gia đình, chủ yếu là gia đình sinh con một bề nữ để truyền thông về hệ lụy của mất cân bằng giới tính khi sinh trong phát triển kinh tế – xã hội; phát gần 10.000 tờ rơi giới thiệu về các sản phẩm trong Đề án 818 cho người dân… Bên cạnh đó, toàn tỉnh đã thành lập và duy trì hoạt động của 200 CLB kiểm soát mất cân bằng giới tính khi sinh, CLB không sinh con thứ ba, thu hút trên 5.000 thành viên tham gia, duy trì hoạt động sinh hoạt 1 lần/tháng để triển khai giải pháp truyền thông đến các thành viên về thực trạng mất cân bằng giới tính khi sinh, không lựa chọn giới tính thai nhi…
Mạng lưới 200 cán bộ chuyên trách dân số cấp xã, gần 1.700 cộng tác viên dân số kiêm nhân viên y tế thôn, bản thực hiện tuyên truyền thường xuyên, liên tục đã nâng cao nhận thức của người dân về công tác DS-KHHGĐ trong tình hình mới. Sau một thời gian triển khai, các chương trình, đề án đã phát huy hiệu quả trong việc từng bước nâng cao chất lượng dân số trên địa bàn tỉnh.
Đơn cử như Đề án kiểm soát mất cân bằng giới tính khi sinh, khi bắt đầu thực hiện (năm 2017), đề án được triển khai thí điểm tại 135 xã, phường, thị trấn thuộc vùng I, vùng II trên địa bàn. Năm 2022, đề án được mở rộng phạm vi thực hiện tại 200 xã, phường, thị trấn trên địa bàn. Đến nay, tỷ lệ chênh lệch giới tính khi sinh trên địa bàn tỉnh giảm từ 116,7 bé trai/100 bé gái (năm 2017) xuống còn 114,1 bé trai/100 bé gái (tính đến tháng 12/2022), nhờ đó, giúp giảm tỷ lệ chênh lệch giới trung bình 0,6 điểm %/năm.
Cùng đó, hoạt động chăm sóc sức khoẻ người cao tuổi được quan tâm thường xuyên, các cơ sở y tế trên địa bàn đã phối hợp chặt chẽ với ban đại diện hội người cao tuổi tại cơ sở thành lập 55 câu lạc bộ và 35 tổ tình nguyện viên chăm sóc sức khoẻ người cao tuổi tại các huyện: Chi Lăng, Cao Lộc, Văn Lãng, Tràng Định, Văn Quan, Bình Gia, Bắc Sơn, Hữu Lũng… thu hút gần 1.800 người tham gia, sinh hoạt 1 lần/quý để trao đổi kiến thức về các bệnh thường gặp ở người cao tuổi, chăm sóc đời sống tinh thần của người cao tuổi… trung bình mỗi CLB, tổ tình nguyện viên lồng ghép tư vấn, chăm sóc sức khoẻ được khoảng 20 lượt người cao tuổi/tháng.
Đối với Đề án 818, hiện 100% xã, phường, thị trấn trên địa bàn tỉnh đã và đang thực hiện các hoạt động. Thông qua đề án, người dân trên địa bàn tỉnh đã chuyển từ hình thức sử dụng miễn phí các sản phẩm, phương tiện tránh thai sang hình thức tự chi trả phù hợp với điều kiện của từng người. Bình quân mỗi năm, có trên 100.000 cặp vợ chồng trong độ tuổi sinh đẻ sử dụng các biện pháp tránh thai hiện đại, chiếm gần 80% tổng số các cặp vợ chồng trong độ tuổi sinh đẻ.
Chị Hoàng Thị Dành, thôn Tồng Riền, xã Hải Yến, huyện Cao Lộc cho biết: Trước đây, vợ chồng tôi được sử dụng miễn phí các phương tiện tránh thai nhưng từ năm 2017, vợ chồng tôi phải tự trả tiền để mua sản phẩm. Dù vậy, chúng tôi rất tin tưởng sử dụng các sản phẩm như: bao cao su, dung dịch vệ sinh phụ nữ… do cộng tác viên dân số ở thôn phân phối vì có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng, giá thành phải chăng.
Từ năm 2016 đến nay, riêng về việc phân phối các sản phẩm hàng hóa chăm sóc sức khoẻ sinh sản, KHHGĐ qua hình thức xã hội hoá, toàn tỉnh đã phân phối được hơn 40.000 vỉ thuốc tránh thai Anna; gần 500.000 bao cao su Hello; trên 40.000 chai dung dịch vệ sinh phụ nữ Vagis và một số sản phẩm chăm sóc sức khoẻ sinh sản khác, số tiền thu được chuyển về Ban Quản lý Đề án 818 trung ương hơn 2 tỉ đồng.
Ông Phan Lạc Hoài Thanh, Phó Giám đốc Sở Y tế cho biết: Qua triển khai, thực hiện, các chương trình, đề án về DS-KHHGĐ đã góp phần nâng cao chất lượng dân số, người dân từng bước được tiếp cận và thụ hưởng các dịch vụ y tế, chăm sóc sức khoẻ. Các dịch vụ KHHGĐ ngày càng dễ tiếp cận cũng đã tác động tích cực đến việc kiềm chế tăng sinh và sinh con thứ 3 trở lên, góp phần từng bước ổn định quy mô phát triển số dân, cải thiện chất lượng dân số, kiềm chế và giảm tình trạng mất cân bằng giới tính khi sinh tại Lạng Sơn.
Qua đây có thể thấy, các chương trình, đề án về dân số được thực hiện hiệu quả đã giúp người dân được tiếp cận, thụ hưởng các dịch vụ y tế, chăm sóc sức khoẻ, chính sách DS-KHHGĐ. Nhờ đó, chất lượng chăm sóc sức khoẻ sinh sản cho người dân ngày càng được cải thiện, góp phần không nhỏ trong công tác nâng cao chất lượng dân số trên địa bàn tỉnh.
Ông Đinh Văn Khoan, Trưởng Phòng Dân số – Truyền thông và Giáo dục sức khỏe, Trung tâm Y tế (TTYT) huyện Bắc Sơn
“TTYT Bắc Sơn là một trong những đơn vị triển khai hiệu quả Chương trình mở rộng, tầm soát, chẩn đoán, điều trị một số bệnh tật trước sinh và sơ sinh. Để thực hiện, đơn vị đã phối hợp chặt chẽ với các cơ quan liên quan tăng cường tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng; chỉ đạo trạm y tế các xã, thị trấn truyền thông đa dạng, lồng ghép với các chương trình truyền thông khác để mỗi người dân, đặc biệt là những phụ nữ đang mang thai được tư vấn, tuyên truyền về nội dung các đề án. Cùng đó, hoạt động tư vấn cũng được triển khai ngay tại Khoa Sức khỏe sinh sản của TTYT huyện để các phụ nữ mang thai, mới sinh con được nhận thức đầy đủ về ý nghĩa của việc sàng lọc sơ sinh, nhờ đó trong 3 năm gần đây, mỗi năm có hơn 500 trẻ sơ sinh được sàng lọc thông qua việc lấy mẫu máu gót chân và đã phát hiện gần 50 trường hợp/năm nghi ngờ các bệnh như: thiếu men G6PG, Hemoglobin, suy giáp bẩm sinh để theo dõi, điều trị kịp thời, góp phần giảm thiểu tỷ lệ tử vong sơ sinh, giảm gánh nặng cho gia đình và xã hội”.
Ý kiến ()