Nâng cao chất lượng công tác cảnh báo, dự báo thiên tai
Mặc dù công tác cảnh báo, dự báo lũ quét, lũ ống, sạt lở đất ở các tỉnh vùng núi phía bắc đã được nâng cao, nhưng thiệt hại về người và tài sản do thiên tai gây ra vẫn cao. Vậy làm cách nào để người dân có thể sống chung với thiên tai?
Theo thống kê của Ban Chỉ đạo T.Ư về Phòng, chống thiên tai, từ năm 2000 đến nay, trung bình mỗi năm ở vùng núi phía bắc có khoảng 47 người chết do lũ quét, lũ ống, sạt lở đất. Điển hình như năm 2005, tại huyện Văn Chấn (Yên Bái), sạt lở đất làm 50 người chết; năm 2013 tại huyện Sa Pa (Lào Cai), lũ quét làm 11 người chết và năm 2015 tại Hạ Long (Quảng Ninh), sạt lở đất khiến 15 người chết. Từ đầu năm 2017 đến nay, khu vực này đã có đến 49 người chết do lũ quét và sạt lở đất. Có thể nói, lũ quét, lũ ống, sạt lở đất là những mối nguy hiểm mà người dân vùng núi đang phải đối mặt hằng ngày.
Theo Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh Sơn La, từ đầu mùa mưa lũ đến hết tháng 8, thiên tai đã làm chết 17 người, mất tích ba người và bị thương 23 người; 297 nhà bị sập đổ, cuốn trôi; 280 nhà bị thiệt hại nặng; 1.561 nhà bị hư hỏng, tốc mái; 375 nhà phải di chuyển do lũ quét, sạt lở, ngập lụt; 28 điểm trường học bị thiệt hại. Vụ sạt lở nghiêm trọng và lũ ống, lũ quét trên lưu vực và lòng suối Nậm Păm (huyện Mường La) đã gây thiệt hại lớn về người và tài sản. Tại Yên Bái, từ đầu tháng 6 đến hoàn lưu cơn bão số 2, trên địa bàn xuất hiện mưa lớn kéo dài, đã gây lũ, lũ quét, sạt lở tại nhiều huyện, thị xã, thành phố. Trong hai ngày 2 và 3-8, mưa lớn cục bộ tại khu vực trung tâm huyện Mù Cang Chải và các xã lân cận gây lũ quét làm tám người chết, sáu người mất tích và chín người bị thương. Lũ quét cũng làm 61 nhà bị cuốn trôi và sập đổ hoàn toàn và hư hỏng; 85 gia đình phải di dời khẩn cấp; làm thiệt hại hơn 70 ha lúa, 56 ha ngô, 166 công trình bị hư hại… Tổng giá trị thiệt hại ước tính hơn 546 tỷ đồng.
Đặc điểm chung là thiên tai thường xảy ra sau những cơn mưa rất lớn. Nguyên nhân là do: ở đồi núi dốc, đất bị phong hóa qua nhiều năm cho nên vào mùa mưa luôn ở trong trạng thái bão hòa nước, diện tích rừng bị suy giảm, mặt đệm bị bào mòn, không còn khả năng giữ được nước, khi cân bằng tự nhiên bị phá vỡ, thiên tai ập đến, hậu quả thường rất nặng nề; lũ quét, sạt lở đất thường xảy ra trong phạm vi hẹp, cục bộ cho nên công nghệ dự báo hiện nay chưa thể đáp ứng; thiếu thiết bị quan trắc, cảnh báo, thông tin khiến cho việc ứng phó gặp rất nhiều khó khăn; cơ sở hạ tầng ở vùng núi phía bắc đang thấp kém hơn nhiều so với khu vực khác, do sông suối nhiều, địa hình núi dốc lại có nhiều ngầm tràn, việc đi lại khó khăn, tiềm ẩn nhiều nguy hiểm mùa lũ; người dân ở vùng núi khó tiếp cận với thông tin cảnh báo, các biển báo ở những khu vực thường xuyên sạt lở còn ít, người dân rất bị động khi thiên tai xảy ra…
Theo đại diện Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, trong các loại hình thiên tai, lũ ống, lũ quét sạt lở đất được đánh giá hết sức nguy hiểm, có mức độ tàn phá lớn và để lại hậu quả lâu dài, nhưng việc cảnh báo, dự báo những loại hình thiên tai này còn hạn chế. Vì vậy, theo Thứ trưởng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hoàng Văn Thắng, các bộ, ngành và địa phương cần tăng cường công tác dự báo, cảnh báo sớm; đẩy mạnh tuyên truyền, hướng dẫn người dân cách ứng phó, phòng tránh để giảm thiệt hại do lũ quét, sạt lở đất; ưu tiên thực hiện các hoạt động đo mưa, cắm mốc cảnh báo; xây dựng bản đồ nguy cơ lũ quét, sạt lở đất với tỷ lệ chi tiết, xác định được các vị trí tiềm năng xảy ra nguy cơ; đẩy mạnh ứng dụng kết quả nghiên cứu khoa học, chuyển giao công nghệ; có chương trình phòng chống thiên tai tổng thể cho khu vực miền núi; gắn liền việc cơ cấu lại nơi ở, kết hợp sinh kế bền vững gắn với bảo vệ và phát triển rừng phòng hộ tại một số khu vực trọng yếu.
Đến hết năm 2016, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã hoàn thành xây dựng bản đồ hiện trạng tỷ lệ 1/50.000 cho 14 tỉnh; bản đồ phân vùng nguy cơ trượt lở đất tỷ lệ 1/50.000 của bốn tỉnh: Lào Cai, Yên Bái, Thanh Hóa, Nghệ An. Trong thời gian tới Tổng cục Phòng, chống thiên tai khu vực miền núi phía bắc đến Hà Tĩnh, tập trung vào lũ quét và sạt lở đất; trong đó, xây dựng và từng bước hoàn thiện thể chế, cơ chế chính sách về phòng chống lũ quét, sạt lở đất; xác định các giải pháp công trình phòng, chống lũ quét, sạt lở đất tại các vùng có nguy cơ cao tại các địa phương, thí điểm tại một số địa phương; đề xuất và triển khai các giải pháp phi công trình như: Tuyên truyền nâng cao nhận thức về phòng tránh lũ quét, sạt lở đất, nâng cao năng lực dự báo, cảnh báo để phòng tránh lũ quét, sạt lở đất.
Theo Nhandan
Ý kiến ()