Nâng cao chất lượng chi bộ ở các cơ quan tham mưu chiến lược
Kết quả khảo sát cuối năm 2012 tại một số chi bộ trong tổng số 64 đảng bộ trực thuộc Đảng bộ Khối các cơ quan T.Ư, đặt ra yêu cầu, cần ban hành nghị quyết chuyên đề về nâng cao chất lượng chi bộ mà trọng tâm là chất lượng sinh hoạt chi bộ. Gần ba năm thực hiện nghiêm túc, sáng tạo Nghị quyết số 01 của Đảng ủy Khối, các cấp ủy trực thuộc đã tạo chuyển biến rõ nét từ nhận thức đến hành động, góp phần thúc đẩy hiệu quả công tác ở các cơ quan tham mưu chiến lược .
Khắc phục khâu yếu
Lý giải vì sao chọn chi bộ để giải quyết khâu yếu trong công tác xây dựng Đảng ở Đảng bộ Khối các cơ quan T.Ư, đồng chí Đào Ngọc Dung, Ủy viên T.Ư Đảng, Bí thư Đảng ủy Khối cho rằng, tình trạng suy thoái của một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên; không ít tổ chức đảng mất sức chiến đấu, một phần là do chi bộ yếu. Muốn nâng cao chất lượng công tác đảng không thể coi nhẹ chi bộ và sinh hoạt chi bộ. Ở một Đảng bộ lớn, với gần năm nghìn chi bộ, hơn 67 nghìn đảng viên có nhiệm vụ chuyên môn tham mưu, hoạch định các chủ trương, chính sách cấp chiến lược, vai trò, ảnh hưởng của chi bộ càng lớn. Việc chọn chi bộ làm nền tảng, đảng viên làm chủ thể để tập trung khắc phục hạn chế, yếu kém, nâng cao chất lượng chi bộ, cũng được xác định là giải pháp đột phá thực hiện Nghị quyết T.Ư 4, khóa XI về xây dựng Đảng trong Đảng bộ Khối.
Tại Đại hội Đảng bộ Viện Kiểm sát nhân dân tối cao vừa qua, ý kiến tham luận của Bí thư Chi bộ, Vụ trưởng Vụ Thực hành quyền công tố và Kiểm sát điều tra án kinh tế Nguyễn Duy Giảng, về tăng cường xây dựng sự đoàn kết nhất trí trong Chi bộ, được đánh giá cao. Kinh nghiệm được chia sẻ là sự thẳng thắn của cấp ủy tạo không khí cởi mở, khuyến khích đảng viên nói thẳng, nói thật. Nhắc lại chuyện cũ, đồng chí bộc bạch, nhận thấy dấu hiệu “lục đục” nội bộ, trên tinh thần gợi mở, chân thành, đồng chí đã khuyến khích các đảng viên nói rõ những suy nghĩ của mình. Xác định đúng nguyên nhân do thiếu thông tin hoặc thông tin sai lệch, dẫn đến không hiểu nhau và nảy sinh vấn đề phức tạp. Nút thắt từng bước được tháo gỡ. Sau khi giải tỏa tư tưởng, việc bổ nhiệm, sắp xếp cán bộ trong Vụ đã nhận được sự đồng thuận cao. Công việc nhiều áp lực nhưng Chi bộ, Vụ đều đã hoàn thành tốt. Đồng chí Giảng cho biết, 27 trong tổng số 28 người của Vụ là đảng viên. Đặc thù công việc phức tạp, liên quan các vụ án kinh tế lớn cho nên yêu cầu về đoàn kết nội bộ; giữ gìn kỷ cương, tuân thủ kỷ luật làm việc luôn đặt ở mức cao. Muốn vậy, Chi ủy phải thật sự đoàn kết, gương mẫu, nhất là người đứng đầu, giải quyết mâu thuẫn thấu tình đạt lý…
Tìm hiểu nguyên nhân tính chiến đấu, tự phê bình và phê bình trong chi bộ yếu, một số bí thư cấp ủy cho rằng, do thiếu vai trò gương mẫu, dân chủ, sát sao của bí thư cấp ủy. Đảng viên chưa nêu cao trách nhiệm, né tránh, xuê xoa, dĩ hòa vi quý; phương pháp tổ chức chưa phù hợp… Kinh nghiệm từ Đảng ủy Bộ Tài nguyên và Môi trường, mỗi cấp ủy, đảng viên cần nhận thức rõ mục đích, tác dụng của tự phê bình và phê bình, không phải là “bới lông, tìm vết” mà là “trị bệnh, cứu người” , với phương châm “trên trước, dưới sau”, “từ trong ra, từ ngoài vào, từ trên xuống, từ dưới lên”. Định kỳ, sáu tháng một lần, bí thư cấp ủy, thủ trưởng cơ quan, đơn vị đối thoại trực tiếp với cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức và người lao động. Thực hiện “Năm nâng cao chất lượng sinh hoạt chi bộ” gắn thực hiện Nghị quyết T.Ư 4, khóa XI về xây dựng Đảng và Chỉ thị số 03 của Bộ Chính trị về tiếp tục đẩy mạnh việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh, cấp ủy và ủy ban kiểm tra các cấp trực thuộc Đảng ủy Bộ đã kiểm tra tám đảng bộ và gần 100 chi bộ, giám sát chuyên đề 29 chi bộ, phát hiện năm đảng viên vi phạm đến mức phải thi hành kỷ luật, trong đó có một cấp ủy viên thuộc diện Ban Cán sự đảng và Đảng ủy Bộ quản lý. Qua sinh hoạt chi bộ kịp thời phát huy ưu điểm, uốn nắn khuyết điểm, kiến nghị xử lý nghiêm minh khi xảy ra vi phạm, đã khẳng định vai trò, vị thế của chi bộ.
Phương thức phù hợp
Do đặc thù công việc ở một số cơ quan, đảng viên thường đi công tác xa trụ sở trong thời gian dài. Cách nào để quản lý đảng viên khi sinh hoạt xa trụ sở? Khắc phục khó khăn này, nhiều cấp ủy đã có cách làm sáng tạo.
Mô hình Chi bộ sinh hoạt tạm thời được Đảng ủy Kiểm toán Nhà nước áp dụng đối với các đoàn kiểm toán từ năm 2008. Tuy nhiên, một số chi bộ sinh hoạt chưa đều. Cấp ủy có lúc, có nơi quản lý, giáo dục cán bộ, đảng viên, kiểm toán viên chưa chặt chẽ. Việc giáo dục đạo đức nghề nghiệp, văn hóa ứng xử còn bị xem nhẹ. Đã có trường hợp cán bộ, đảng viên trong đoàn kiểm toán vi phạm đạo đức nghề nghiệp, vi phạm pháp luật, dẫn đến phải xử lý kỷ luật hai chi bộ tạm thời… Khắc phục hạn chế, Đảng ủy Kiểm toán Nhà nước đánh giá tổng thể mô hình và ban hành Chỉ thị tiếp tục nâng cao chất lượng hoạt động của chi bộ sinh hoạt tạm thời. Theo Phó Bí thư Đảng ủy, Phó Tổng Kiểm toán Nhà nước Hoàng Hồng Lạc, là đảng bộ cấp trên cơ sở, với gần 1.300 đảng viên, hằng năm có hơn 80% số đảng viên thường xuyên tham gia các đoàn kiểm toán xa cơ quan từ bảy đến tám tháng. Việc thành lập chi bộ tạm thời được coi là nguyên tắc duy trì chế độ sinh hoạt đảng; bảo đảm sự lãnh đạo thường xuyên, trực tiếp của các cấp ủy đảng đối với hoạt động của đoàn kiểm toán; trong đó đề cao vai trò gương mẫu của bí thư chi bộ (đồng thời là trưởng đoàn kiểm toán). Từ khi thực hiện, đã thành lập hơn 700 chi bộ sinh hoạt tạm thời, riêng năm 2014, thành lập 120 chi bộ như thế. Để nâng cao chất lượng chi bộ sinh hoạt tạm thời, Đảng ủy cũng chỉ đạo các đồng chí ủy viên Ban Thường vụ và đảng ủy viên phụ trách tham dự họp chi bộ với chi bộ sinh hoạt tạm thời đối với các đoàn kiểm toán trọng điểm, có quy mô lớn.
Quản lý đảng viên thông qua việc phân công, giao nhiệm vụ, phát huy vai trò gương mẫu, nòng cốt trong thực hiện nhiệm vụ chuyên môn, chính trị là cách làm của Chi bộ Vụ Các vấn đề xã hội (Đảng bộ Cơ quan Văn phòng Quốc hội). Đảng viên của chi bộ hình thành theo hai nhóm là các đại biểu Quốc hội và các đảng viên thực hiện chức năng tham mưu, giúp việc. Công việc khác nhau, cho nên việc duy trì sinh hoạt chi bộ định kỳ đòi hỏi quyết tâm cao của cấp ủy và mỗi đảng viên. Đối với đảng viên là đại biểu Quốc hội, chi ủy thường xuyên trao đổi, xin ý kiến đồng chí Chủ nhiệm Ủy ban với tư cách là Ủy viên Trung ương Đảng, Ủy viên Đảng đoàn Quốc hội trực tiếp sinh hoạt tại chi bộ, phối hợp chặt chẽ với lãnh đạo Ủy ban để xác định nhiệm vụ chuyên môn cho từng thời điểm. Đối với đảng viên khác, chi ủy cùng lãnh đạo Vụ thống nhất kế hoạch công tác chuyên môn để tham mưu, giúp việc triển khai thực hiện kế hoạch công tác của Thường trực Ủy ban. Trên cơ sở định hướng đó, định kỳ sinh hoạt chi bộ, chi ủy báo cáo để chi bộ thảo luận và thống nhất trở thành nghị quyết.
Quá trình thực hiện, một số đảng bộ đã xây dựng mô hình điểm về nâng cao chất lượng sinh hoạt chi bộ, từ đó nhân rộng ra trong toàn đảng bộ; lập đoàn kiểm tra, giám sát về sinh hoạt chi bộ; phân công cấp ủy viên chỉ đạo, theo dõi sinh hoạt “chéo” để có sự so sánh, đánh giá chất lượng sinh hoạt giữa các chi bộ và trực tiếp dự sinh hoạt chuyên đề với các chi bộ.
Tăng cường sinh hoạt chuyên đề
Buổi sinh hoạt chuyên đề “Tình đồng chí thương yêu lẫn nhau” của Chi bộ Vụ Địa phương 1 (Đảng bộ Văn phòng T.Ư Đảng) như gắn kết thêm tình đồng chí, đồng nghiệp. Sau buổi họp chi bộ, mỗi người đều thể hiện tình cảm để ủng hộ đồng chí mình bị bệnh nặng, động viên, tạo điều kiện về công việc để đồng chí yên tâm chữa trị. Trong năm, Chi bộ đã tổ chức bảy kỳ sinh hoạt chuyên đề với nội dung phong phú, thiết thực như đạo đức công vụ; kinh nghiệm tham gia đoàn kiểm tra của Bộ Chính trị, Ban Bí thư; đổi mới và nâng cao chất lượng hiệu quả công tác học tập nghị quyết… Riêng chuyên đề Đạo đức công vụ được bàn thảo qua ba kỳ sinh hoạt, đã ban hành Chuẩn mực đạo đức cán bộ, đảng viên, gồm năm điều, treo tại các phòng làm việc.
Tại Chi bộ Trường đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức (Đảng bộ Bộ Nội vụ), việc đưa các chuyên đề vào sinh hoạt chi bộ hằng tháng góp phần thiết thực xây dựng và phát triển nhà trường. Trong các buổi sinh hoạt đó, đảng viên thảo luận các giải pháp nâng cao chất lượng đào tạo cán bộ, công chức; chất lượng đảng viên; thực hành tiết kiệm phòng, chống lãng phí… Chi bộ xác định việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh là một trong những nhiệm vụ trọng tâm trong sinh hoạt đảng. Trong phiên sinh hoạt thường kỳ, mỗi tổ đảng báo cáo từ một đến hai chuyên đề để đảng viên góp ý bổ sung.
Thực tiễn từ Chi bộ Vụ Kiểm sát thi hành án dân sự (Đảng bộ Viện Kiểm sát nhân dân tối cao), để tạo sức hút từ sinh hoạt chi bộ, cần có điểm nhấn cho mỗi kỳ sinh hoạt. Do đó, ngoài các nội dung bắt buộc, mỗi buổi sinh hoạt, chi ủy cần lựa chọn chủ đề trọng tâm dựa trên tình hình thực tiễn của cơ quan, đơn vị, tình hình thời sự trong nước, quốc tế, phù hợp từng chi bộ. Vai trò cấp ủy được ví như “đầu tàu”, có tính chất quyết định đoàn tàu chạy nhanh hay chậm, đúng hướng hay chệch đường ray. Cấp ủy phải luôn hoàn thiện chính mình, luôn rút kinh nghiệm từ hoạt động thực tiễn, để đổi mới công tác lãnh đạo chi bộ.
Theo Đảng ủy Khối các cơ quan T.Ư, việc thực hiện Nghị quyết số 01 của Đảng ủy Khối và cụ thể hóa Năm nâng cao chất lượng chi bộ, sau gần ba năm đã tạo chuyển biến quan trọng, tác động sâu sắc tới nhận thức của các cấp ủy, tổ chức đảng và đảng viên trong toàn Đảng bộ Khối về vị trí, vai trò của chi bộ. Chất lượng sinh hoạt chi bộ được nâng lên, nội dung sinh hoạt chi bộ không trùng lặp với họp chuyên môn; khích lệ tinh thần tự phê bình và phê bình trong các tổ chức đảng. Nhiều đảng bộ, chi bộ đã chủ động học tập, nghiên cứu và cụ thể hóa Chỉ thị số 03 của Bộ Chính trị trở thành những tiêu chí chuẩn mực trong công tác, sinh hoạt của cán bộ, đảng viên trong đơn vị, góp phần nâng cao tinh thần trách nhiệm, xây dựng tác phong, lề lối làm việc khoa học, nâng cao đạo đức công vụ. Những hạn chế, khuyết điểm được chỉ ra sau kiểm điểm thực hiện Nghị quyết T.Ư 4, khóa XI về xây dựng Đảng, được các chi bộ kịp thời chấn chỉnh, góp ý, sửa chữa, góp phần hoàn thành nhiệm vụ chính trị của cơ quan, đơn vị và củng cố niềm tin của nhân dân đối với Đảng.
Theo Nhandan.org.vn
Ý kiến ()