Nâng cao chất lượng chăm sóc, giáo dục trẻ
Cô và trò trường Mầm non xã Lâm Sơn (Chi Lăng) |
Tăng cường công tác bán trú
Là một trường MN khu vực đặc biệt khó khăn có tới 3 điểm trường và vẫn còn có điểm trường phải học tạm, học nhờ, song trường MN xã Lâm Sơn đã phấn đấu phục vụ bán trú cho 120 học sinh. Với đội ngũ cô nuôi nhiệt tình, nhà trường đã tiến hành nấu cơm tại trường chính và đưa cơm tới các phân trường cho các cháu. Cô giáo Tô Thị Phương, Hiệu trưởng nhà trường cho biết: Các cháu học 2 buổi/ngày, nếu không ăn bán trú thì nhân dân sẽ mất rất nhiều thời gian để đưa đón con đi về, ảnh hưởng tới sản xuất. Mặt khác, với môi trường nông thôn, các cháu ăn tại gia đình sẽ không đảm bảo nhu cầu dinh dưỡng.
Năm học 2015-2016, cấp học MN huyện Chi Lăng chỉ có 22 trường với 4.987 cháu được ăn bán trú, chiếm tỷ lệ 92,7% độ tuổi nhà trẻ và 89,2% độ tuổi mẫu giáo. Năm học 2016-2017, toàn huyện có 24/24 trường với 5.556 cháu được ăn bán trú, chiếm tỷ lệ 99,1% độ tuổi nhà trẻ và 96,1% độ tuổi mẫu giáo. Đối với những xã khó khăn như: Liên Sơn, Hữu Kiên, Chiến Thắng… Phòng GD&ĐT đã trực tiếp bàn bạc với địa phương, tìm ra các giải pháp cụ thể để tổ chức ăn bán trú và tăng số trẻ được ăn bán trú.
Trong công tác bán trú, ngoài việc chỉ đạo ký hợp đồng cô nuôi ổn định, có trình độ và tâm huyết với trẻ, nhiều giải pháp kỹ thuật đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm và an toàn sinh hoạt cho trẻ đã được áp dụng như: cấm việc dùng than tổ ong làm chất đốt, phối hợp với Trung tâm Y tế huyện tập huấn quản lý vệ sinh an toàn thực phẩm, y tế trường học, xét nghiệm mẫu nước cho các nhà trường; khám sức khỏe cho đội ngũ giáo viên và cô nuôi. Duy trì theo dõi biểu đồ tăng trưởng của trẻ, thực hiện tiêm chủng, cân đo. Duy trì chương trình “sữa học đường” tại 21/24 trường MN.
Kết quả của những nỗ lực
Tăng cường công tác giáo dục trẻ theo chương trình giáo dục MN thống nhất trong toàn quốc theo quan điểm “lấy trẻ làm trung tâm”. Nâng cao chất lượng giáo dục phát triển vận động cho trẻ, tăng cường tiếng Việt cho trẻ MN theo định hướng của ngành. Bằng sự năng động của các nhà trường và tâm huyết của đội ngũ giáo viên, các nhà trường đã xây dựng môi trường tốt cho trẻ phát triển; xây dựng các góc hoạt động, góc tuyên truyền, tạo cơ hội cho trẻ được trải nghiệm theo hình thức “học mà chơi, chơi mà học”. Trong học kỳ I có 99,9% tổng số trẻ được đánh giá, trong đó đạt yêu cầu chiếm 86,5%.
Kết quả nuôi dưỡng: số trẻ suy dinh dưỡng thể nhẹ cân chỉ còn 8,77%, giảm 9,34% so với đầu năm học; số trẻ suy dinh dưỡng thể thấp còi còn 11,1%, giảm 7,19% so với đầu năm học.
Bà Ngô Thị Bình Yên, Trưởng phòng GD&ĐT huyện cho biết: Trong học kỳ 1 vừa qua, sự giảm thiểu tình trạng suy dinh dưỡng các thể đã minh chứng cho sự đúng đắn của chủ trương tăng cường bán trú. Mặt khác, việc nâng cao chất lượng bán trú còn gắn liền với công tác đảm bảo an toàn cho trẻ, phòng chống có hiệu quả nguy cơ trẻ bị xâm hại, bị tai nạn sinh hoạt mà nguyên nhân là thiếu sự quản lý, chăm sóc của gia đình.
Trong học kỳ II và năm học tới, ngành GD&ĐT huyện Chi Lăng sẽ nâng cao tỷ lệ bán trú, tăng cường chất lượng bán trú và thực hiện các chương trình tại các nhà trường. Để thực hiện được quyết tâm này, ngành đã xúc tiến đề nghị xây dựng thêm bếp ăn theo hướng kiên cố tại các nhà trường; ổn định đội ngũ cô nuôi và nâng cao năng lực của đội ngũ cán bộ quản lý trong quản lý khẩu phần ăn của học sinh MN.
Ý kiến ()