Nâng cao chất lượng các công trình lịch sử quân sự, tổng kết chiến tranh
Các cán bộ, chiến sĩ tham quan triển lãm sách lịch sử quân sự toàn quân lần thứ VI. Với dân tộc Việt Nam, quá trình dựng nước luôn đi đôi với giữ nước. Vì vậy, trong lịch sử dân tộc, lịch sử quân sự có vị trí đặc biệt quan trọng, với bề dày phong phú và nhiều nét đặc sắc, kết tinh những giá trị tiêu biểu của lịch sử và văn hóa dân tộc, được xây đắp bằng trí tuệ, mồ hôi, xương máu và khát vọng độc lập, tự do của bao thế hệ người Việt Nam yêu nước, thương nòi.Đảng và Nhà nước ta, trực tiếp là Quân ủy T.Ư và Bộ Quốc phòng quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo công tác nghiên cứu lịch sử quân sự, tổng kết chiến tranh, coi đó là một trong những nội dung, nhiệm vụ quan trọng, cơ bản và lâu dài nhằm kế thừa và phát huy truyền thống dựng nước và giữ nước của dân tộc, là cơ sở tin cậy, vững chắc để nâng cao hiểu biết, bồi dưỡng tư duy quân sự - chính trị cho cán bộ, đảng viên, chiến sĩ và nhân...
|
Đảng và Nhà nước ta, trực tiếp là Quân ủy T.Ư và Bộ Quốc phòng quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo công tác nghiên cứu lịch sử quân sự, tổng kết chiến tranh, coi đó là một trong những nội dung, nhiệm vụ quan trọng, cơ bản và lâu dài nhằm kế thừa và phát huy truyền thống dựng nước và giữ nước của dân tộc, là cơ sở tin cậy, vững chắc để nâng cao hiểu biết, bồi dưỡng tư duy quân sự – chính trị cho cán bộ, đảng viên, chiến sĩ và nhân dân. Từ yêu cầu khách quan đó, ngày 28-5-1981, Viện Lịch sử Quân sự Việt Nam được thành lập, là cơ quan khoa học đầu ngành lịch sử quân sự của quân đội, một trung tâm lịch sử quân sự của Nhà nước, có chức năng, nhiệm vụ giúp Bộ Quốc phòng chỉ đạo, quản lý và triển khai các hoạt động nghiên cứu lịch sử quân sự, tổng kết chiến tranh ở cấp trung ương cũng như toàn quân. Theo đó, hệ thống tổ chức cơ quan làm công tác nghiên cứu lịch sử quân sự, tổng kết chiến tranh trong toàn quân được xác lập, đánh dấu bước phát triển quan trọng của khoa học lịch sử quân sự Việt Nam.
30 năm qua, dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo của Quân ủy T.Ư và Bộ Quốc phòng cùng với sự phối hợp, giúp đỡ, tạo điều kiện của các cơ quan, đơn vị, địa phương trong và ngoài quân đội, Viện Lịch sử Quân sự Việt Nam đã triển khai nghiên cứu gần 267 công trình, đề tài, trong đó có sáu đề tài cấp Nhà nước (có một đề tài được tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh), 35 đề tài cấp Bộ Quốc phòng và 226 đề tài cấp ngành. Từ năm 2000 đến 2010, Viện đã xuất bản 130 công trình. Từ năm 2005 đến nay, xuất bản 56 đầu sách với hơn 45.000 bản in. Chỉ đạo các đơn vị trong toàn quân triển khai nghiên cứu hơn 2.600 công trình, đề tài lịch sử quân sự, tổng kết chiến tranh. Từ năm 2000 đến nay, các đơn vị trong toàn quân đã tổ chức nghiên cứu 1.320 công trình, xuất bản 844 công trình… Nhiều công trình tổng kết về cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp (1945 – 1954); Cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước (1954 – 1975); Lịch sử Quân đội nhân dân Việt Nam; Sự nghiệp và tư tưởng quân sự Hồ Chí Minh; Lịch sử quân sự Việt Nam, Lịch sử Hậu cần – kỹ thuật quân sự trong 30 năm chiến tranh (1945 – 1975)… đã được xuất bản ở trung ương và địa phương. Nhiều vấn đề lớn về lịch sử dân tộc qua các thời đại, lịch sử các học thuyết quân sự trên thế giới và học thuyết quân sự (hay trường phái quân sự), lịch sử nghệ thuật quân sự Việt Nam, lịch sử tổ chức quân sự Việt Nam, lịch sử công tác Đảng, công tác chính trị trong lực lượng vũ trang nhân dân Việt Nam đang được thực hiện hoặc bắt đầu triển khai thực hiện. Các công trình do Viện và ngành lịch sử quân sự nghiên cứu, biên soạn đã hợp thành hệ thống công trình lịch sử có giá trị, tái hiện sinh động hiện thực lịch sử dân tộc Việt Nam trong chống ngoại xâm, trong tiến trình dựng nước và giữ nước, đặc biệt là trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ xâm lược; góp phần làm giàu kho tàng lý luận về tư tưởng và nghệ thuật quân sự Việt Nam, về chiến tranh nhân dân Việt Nam; làm sáng tỏ sự thật lịch sử, bồi dưỡng tư duy quân sự cũng như phẩm chất, nhân cách con người mới – Bộ đội Cụ Hồ cho đội ngũ sĩ quan và quân nhân trong lực lượng vũ trang nhân dân; đấu tranh có hiệu quả với những luận điểm sai trái, xuyên tạc, bóp méo, phủ nhận lịch sử, bảo vệ đường lối, quan điểm của Đảng và tư tưởng Hồ Chí Minh. Kết quả nghiên cứu, khoa học lịch sử quân sự đã góp phần cung cấp luận cứ khoa học để Đảng và Nhà nước hoạch định đường lối, chủ trương, chính sách về quân sự, quốc phòng, Quân đội nhân dân, các lực lượng vũ trang nhân dân, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam XHCN trong thời kỳ mới.
Tạp chí Lịch sử Quân sự – cơ quan ngôn luận của Viện và ngành lịch sử quân sự Việt Nam, đã xuất bản 233 số, với khoảng 500 nghìn bản in, góp phần công bố nhiều chuyên luận sử học, trao đổi, thẩm định, thống nhất và làm sáng tỏ nhiều sự kiện, tư liệu, số liệu lịch sử.
Viện đã thu thập và hệ thống hóa khoảng 45 nghìn bản sách, hàng chục nghìn trang tư liệu trong nước và nước ngoài, trong đó có nhiều tư liệu độc bản, tư liệu quý do các nhân chứng, nhân vật lịch sử kể lại hoặc cung cấp, làm cơ sở tin cậy phục vụ công tác nghiên cứu khoa học lịch sử, nâng cao chất lượng các công trình nghiên cứu lịch sử quân sự, tổng kết chiến tranh trong toàn quân, toàn quốc.
Thực hiện chức năng trung tâm khoa học lịch sử quân sự đầu ngành, chăm lo đào tạo, bồi dưỡng chính trị, tư tưởng và chuyên môn, nghiệp vụ cho đội ngũ cán bộ nghiên cứu khoa học, coi đây là nhiệm vụ cơ bản, quyết định sự trưởng thành và phát triển của Viện và ngành lịch sử quân sự Việt Nam. Viện đã tổ chức khai giảng 12 khóa nghiên cứu sinh, trong đó 15 cán bộ đã bảo vệ thành công luận án tiến sĩ tại cơ sở đào tạo của đơn vị; đồng thời Viện cử nhiều cán bộ đào tạo tiến sĩ, thạc sĩ và cử nhân tại các cơ sở đào tạo của học viện, trường đại học trong và ngoài quân đội, cử cán bộ đi rèn luyện thực tế ở đơn vị. Đến nay, 100% số cán bộ nghiên cứu của Viện có trình độ đại học, trong đó 27 cán bộ là giáo sư, phó giáo sư, tiến sĩ và hàng chục cán bộ là thạc sĩ. Đội ngũ cán bộ lãnh đạo, chỉ huy, các nhà nghiên cứu của Viện có bản lĩnh chính trị, bản lĩnh khoa học vững vàng, phẩm chất đạo đức tốt, có năng lực tổ chức nghiên cứu, biên soạn các công trình lịch sử quân sự, tổng kết chiến tranh, chủ động làm tham mưu tổ chức các hội nghị, hội thảo khoa học có ý nghĩa chính trị của Đảng, Nhà nước và Quân đội ở trung ương, địa phương; trực tiếp tham gia các cuộc hội thảo khoa học quốc tế.
Viện Lịch sử Quân sự Việt Nam đã triển khai thành công khối lượng lớn các công trình, đề tài khoa học theo chức năng và nhiệm vụ cấp trên giao, đã có bước trưởng thành mới, vững chắc, nhưng so với yêu cầu nghiên cứu lịch sử quân sự dân tộc, một lịch sử có bề dày hàng nghìn năm, với tầm vóc vĩ đại và nhiều đặc sắc thì kết quả nghiên cứu của Viện và toàn ngành mới chỉ là bước đầu. Điều dễ nhận thấy là chất lượng khoa học của một số công trình, đề tài còn hạn chế, cách viết chưa thật hấp dẫn, chưa thể hiện được đầy đủ sự phong phú, sinh động; chưa có những bộ công trình, đề tài ngang tầm lịch sử oanh liệt, quật cường của dân tộc.
Sự nghiệp cách mạng của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta đang diễn ra trong bối cảnh tình hình thế giới, khu vực có nhiều biến đổi to lớn và sâu sắc. Cuộc đấu tranh dân tộc và đấu tranh giai cấp tiếp tục diễn ra gay gắt dưới nhiều hình thức khác nhau và ngày càng phức tạp hơn. Cuộc cách mạng khoa học và công nghệ hiện đại tiếp tục có những bước phát triển nhảy vọt và tác động mạnh mẽ trên mọi lĩnh vực, nhất là lĩnh vực quân sự. Xu thế toàn cầu hóa kinh tế, quốc tế hóa đời sống xã hội – văn hóa đang tác động sâu sắc tới toàn thể nhân loại, đồng thời đặt ra yêu cầu khách quan trước các quốc gia, dân tộc. Công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam XHCN, mặc dù bối cảnh và điều kiện đã khác trước, song những quy luật, bài học kinh nghiệm lịch sử, sự lãnh đạo của Đảng và tư tưởng Hồ Chí Minh vẫn có giá trị hiện thực to lớn. Quán triệt đường lối cách mạng và quan điểm đổi mới của Đảng, Viện và ngành lịch sử quân sự Việt Nam tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả các công trình lịch sử, tổng kết chiến tranh, phấn đấu đưa khoa học lịch sử quân sự phát triển xứng tầm với lịch sử dân tộc, phục vụ sự nghiệp xây dựng và bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam XHCN trong thời kỳ CNH, HĐH, hội nhập quốc tế.
Theo Nhandan
Ý kiến ()