Nâng cao chất lượng bữa ăn cho trẻ mầm non
Học sinh Trường Mầm non 8/3, thành phố Lạng Sơn trong giờ ăn trưa
– Để bữa ăn của trẻ được cải thiện và đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm (ATVSTP), những năm học gần đây, ngành giáo dục và đào tạo (GD&ĐT) tỉnh chú trọng thay đổi khẩu phần ăn, sử dụng nguồn thực phẩm rõ nguồn gốc, tăng cường giám sát nguồn thực phẩm đầu vào và khâu chế biến, đồng thời, áp dụng quy trình “bếp ăn một chiều” trong khâu chế biến.
Ông Hồ Công Liêm, Phó Giám đốc Sở GD&ĐT cho biết: Hiện nay, trên địa bàn tỉnh có 323 trường mầm non với hơn 53.000 học sinh với tỉ lệ trẻ ăn bán trú đạt 100%; cả tỉnh có trên 400 bếp ăn ở các trường mầm non. Để đảm bảo an toàn cho học sinh nói chung và trẻ mầm non nói riêng khi ăn bán trú tại trường, những năm gần đây, ngành GD&ĐT chú trọng phối hợp với đơn vị liên quan tăng cường kiểm tra hoạt động của các bếp ăn bán trú; sở yêu cầu các trường mầm non cải thiện chất lượng bữa ăn bằng cách thay đổi khẩu phần theo từng bữa, tăng chất dinh dưỡng cho bữa ăn và hơn hết chính là thực hiện các biện pháp đảm bảo ATVSTP từ khâu nhập nguyên liệu đến chế biến… Kết quả: 5 năm học gần đây, toàn ngành không ghi nhận trường hợp ngộ độc thực phẩm nào từ các trường mầm non.
Thực hiện chỉ đạo của ngành và các quy định hiện hành, phòng GD&ĐT các huyện, thành phố thường xuyên thành lập tổ đi kiểm tra (ít nhất 1 năm học 2 lần) nguồn thực phẩm đưa đến các trường và kiểm tra khâu sơ chế, sử dụng cũng như bảo quản thực phẩm trong bếp ăn. 100% trường mầm non trên địa bàn tỉnh ký hợp đồng cung cấp thực phẩm với các cơ sở có uy tín, chỉ sử dụng những thực phẩm có xuất xứ rõ ràng, đồng thời tiến hành lưu mẫu thức ăn theo quy định. Để nâng cao chất lượng bữa ăn, đa số các trường mầm non ưu tiên lựa chọn nguồn thực phẩm sạch, theo mùa, có sẵn tại địa phương, khi chế biến món ăn tạo sự hấp dẫn, ngon miệng cho trẻ; tích cực xây dựng khẩu phần ăn đa dạng, đầy đủ dinh dưỡng, phù hợp với lứa tuổi của trẻ…
Giờ ăn trưa của trẻ Trường Mầm non 8/3, thành phố Lạng Sơn
Cô Nguyễn Thị Thùy Linh, Hiệu trưởng Trường Mầm non 2/9 (thành phố Lạng Sơn) cho biết: Hiện nhà trường có 12 lớp với gần 400 học sinh. Để cải thiện bữa ăn cho trẻ, Ban Giám hiệu đã cùng đại diện phụ huynh học sinh, cán bộ quản lý xây dựng thực đơn giàu dinh dưỡng trong bữa ăn hằng ngày cho trẻ. So với năm học 2017 – 2018, một tuần có vài bữa ăn trùng lặp thì hiện tại, các món trong khẩu phần ăn của trẻ được thay đổi luân phiên, đảm bảo đầy đủ các nhóm dưỡng chất.
Cùng với những cách làm trên, những năm học gần đây, các trường mầm non tích cực áp dụng quy trình “bếp ăn một chiều” trong khâu chế biến bữa ăn cho trẻ. Hiện nay, cả tỉnh có trên 400 bếp ăn ở các trường mầm non thì có khoảng 60% bếp ăn đạt tiêu chuẩn “bếp ăn một chiều”; số còn lại chưa được công nhận đạt tiêu chuẩn nhưng đã áp dụng quy trình “bếp ăn một chiều”. Thực hiện quy trình này, các bếp phải tuân thủ một chuỗi hoạt động của bếp ăn công nghiệp theo một chiều duy nhất. Việc đảm bảo nguyên tắc này giúp những bộ phận của bếp không bị chồng chéo và giữ ATVSTP trong chế biến.
Bà Nguyễn Thị Đào, Phó Trưởng Phòng GD&ĐT huyện Tràng Định cho biết: Trên địa bàn huyện có 20 trường mầm non với hơn 3.600 học sinh. Hiện tại, toàn huyện có 31 bếp nấu ăn (20 bếp tại trường chính, 11 bếp tại điểm trường lẻ), trong đó, có 18 bếp đạt tiêu chuẩn “bếp ăn một chiều”, những bếp còn lại đã bố trí và thực hiện nấu ăn theo nguyên tắc một chiều. Đối với các nhân viên dinh dưỡng, mỗi trường sẽ có từ 2 đến 5 nhân viên trực tiếp nấu ăn cho trẻ tại các trường mầm non, 100% nhân viên nấu ăn có chứng chỉ nghề, hằng năm phải có giấy khám sức khỏe, lĩnh hội được các kiến thức về dinh dưỡng, cách chế biến các món ăn cho trẻ, tạo hứng thú cho trẻ ăn hết suất, đủ chất và đủ lượng.
Theo thông tin do Phòng Giáo dục Tiểu học – Giáo dục Mầm non, Sở GD&ĐT cung cấp, năm học 2020 – 2021, chất lượng bữa ăn của trẻ mầm non trên địa bàn tỉnh ngày càng được đảm bảo, các chỉ số dinh dưỡng của mỗi đơn vị trường tăng từ 1 đến 3% so với năm học năm học 2017 – 2018, 100% trẻ đến trường được kiểm tra sức khỏe và theo dõi sự phát triển qua biểu đồ tăng trưởng. Qua tìm hiểu tại một số trường mầm non trên địa bàn tỉnh như: Trường Mầm non 8/3, 2/9, Hoàng Văn Thụ (thành phố Lạng Sơn); Đào Viên, Chí Minh, 10/10 (Tràng Định)… cho thấy, kết quả cuối năm học 2020 – 2021: trẻ đạt cân nặng phát triển bình thường luôn đạt trên 98%, tăng từ 1 đến 3% so với năm học 2017 – 2018, trẻ suy sinh dưỡng thể nhẹ cân giảm còn 1 đến 2%, giảm 2% so với năm học 2017 – 2018 , trẻ có chiều cao phát triển bình thường đạt trên 98%, tăng 1 đến 3% so với năm học 2017 – 2018, trẻ suy dinh dưỡng thể thấp còi giảm còn 1 đến 2%, giảm 1 đến 3% so với năm học 2017 – 2018.
Được biết trong thời gian tiếp theo, cùng với áp dụng các biện pháp trên, ngành GD&ĐT tiếp tục đảm bảo thực hiện tốt các biện pháp nâng cao chất lượng bữa ăn để trẻ mầm non được phát triển toàn diện cả về thể chất lẫn trí tuệ
Ý kiến ()