Nâng cao chất lượng bồi dưỡng đội ngũ cán bộ quản lý giáo dục
Các cán bộ quản lý cấp học mầm non trong lớp bồi dưỡng nghiệp vụ quản lý |
Bồi dưỡng gắn với thực tiễn
Đến cuối năm học 2015-2016, ngành GD&ĐT Lạng Sơn có 1.637 cán bộ quản lý từ cấp học mầm non (MN) đến cấp trung học cơ sở (THCS); số cán bộ này là những giáo viên giỏi, xuất sắc tại các nhà trường. Trải qua rèn luyện thực tế và qua quá trình phấn đấu, họ đã được bổ nhiệm và hoàn thành tốt vai trò quản lý của mình. Tuy vậy, trong điều kiện nhiều trường tách và thành lập mới, nhất là các trường MN và phổ thông dân tộc bán trú (DTBT), nhiều người được bổ nhiệm lãnh đạo nhà trường nhưng chưa qua các khóa học về quản lý, nhất là công tác quản trị trường học, kỹ năng lãnh đạo… nên chưa đáp ứng được yêu cầu của đổi mới GD&ĐT.
Trước thực tế đó, dựa vào các nội dung cơ bản khung chương trình mà Bộ GD&ĐT đã ban hành, căn cứ vào đặc điểm tình hình đội ngũ CBQL giáo dục Lạng Sơn, trường CĐSP đã xây dựng chương trình bồi dưỡng chuẩn cho các cấp học. Ngoài ra còn bổ sung một số chuyên đề để tăng cường tính ứng dụng, thiết thực, cập nhật đổi mới giáo dục phù hợp với địa phương. Phối hợp với các cơ sở giáo dục tổ chức ngoại khóa, sinh hoạt chuyên đề; đưa nội dung nghiên cứu khoa học ứng dụng thành một yêu cầu bắt buộc; tăng số tiết đi thực tế phổ thông, giúp học viên có thêm những trải nghiệm. Ngoài công tác bồi dưỡng tập trung, nhà trường đã phối hợp với các phòng GD&ĐT, các trung tâm giáo dục thường xuyên cấp huyện tổ chức nhiều đợt bồi dưỡng tại huyện. Năm học 2015-2016, nhà trường đã tổ chức 10 lớp bồi dưỡng tại các huyện Lộc Bình, Chi Lăng và tại cụm trường. Hình thức này không những giúp học viên nắm được những kiến thức cơ bản của chương trình, mà còn giúp họ tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc nảy sinh trong quá trình công tác. Trao đổi với chúng tôi, thạc sĩ Chu Thị Hà, Quyền Trưởng Khoa Bồi dưỡng CBQL và Nghiệp vụ giáo dục cho biết: Ngoài việc bồi dưỡng đúng, đủ chương trình theo quy định, việc tổ chức linh hoạt các hình thức bồi dưỡng và tăng cường trải nghiệm cho học viên đã giúp anh chị em vững vàng hơn, thành thục hơn nghiệp vụ và kỹ năng quản lý, đặc biệt là các kỹ năng quản lý tình huống, kỹ năng ra quyết định, kỹ năng lập và thực hiện kế hoạch…
Thực tế kiểm định hiệu quả, chất lượng
Ông Vy Quang Trung, Phó Chủ tịch UBND huyện Chi Lăng cho biết: Qua khảo sát tại thời điểm năm học 2013-2014, chỉ có 30% CBQL giáo dục của huyện làm việc có hiệu quả, còn lại là cầm chừng. Nguyên nhân chủ yếu là thiếu kiến thức trong quản lý. Xác định được nguyên nhân, UBND huyện đã phối hợp với Trường CĐSP Lạng Sơn tổ chức 3 lớp bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng quản lý cho CBQL và đối tượng nguồn cho tất cả 73 trường từ cấp MN đến THCS trên địa bàn. Sau 2 năm học, kết quả đã có nhiều tiến bộ. Thầy giáo Lưu Văn Tọ, Hiệu trưởng Trường PTDT Bán trú THCS xã Vân An (Chi Lăng) chia sẻ: Sau 3 tháng được bồi dưỡng tại Trường CĐSP Lạng Sơn, tôi nắm vững hơn nhiệm vụ, chức trách của một hiệu trưởng, xử lý tốt hơn các tình huống trong công tác quản lý, nhất là quản lý một trường Phổ thông DTBT.
Trong 5 năm qua, Trường CĐSP Lạng Sơn đã bồi dưỡng cho 1.203 lượt CBQL từ cấp học MN đến THCS. Hiệu quả của công tác bồi dưỡng đã được thực tế kiểm định. Công tác bồi dưỡng nghiệp vụ quản lý giáo dục cộng với công tác bồi dưỡng về nhận thức chính trị, nâng cao phẩm chất đạo đức nhà giáo và hiệu quả tốt của cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh” đã tạo nên một đội ngũ CBQL có năng lực và phẩm chất, năng động trong hoạt động, tạo đà cho công tác đổi mới GD&ĐT từ các nhà trường. Qua công tác bồi dưỡng, chất lượng đội ngũ CBQL được nâng lên. Kết quả đánh giá xếp loại CBQL cuối năm học 2015-2016 theo chuẩn nghề nghiệp đã có 33,50% đạt loại xuất sắc; 61,01% loại khá và chỉ còn 5,49% xếp loại trung bình. Kết quả này phản ánh chủ trương đúng đắn của công tác bồi dưỡng CBQL và nói lên chất lượng bồi dưỡng của trường CĐSP Lạng Sơn trong những năm qua.
Ý kiến ()