Nâng cao chất lượng bảo dưỡng đường bộ
– Để nâng cao chất lượng công tác bảo dưỡng đường bộ, từ năm 2018 trở lại đây, Sở Giao thông – Vận tải đã đổi mới công tác quản lý, thực hiện đồng bộ các giải pháp như: đấu thầu cạnh tranh; áp dụng các tiêu chí chấm điểm, ứng dụng công nghệ thông tin để quản lý; tăng cường kiểm tra nghiệm thu theo quý… Nhờ đó, chất lượng công tác bảo dưỡng thường xuyên được nâng lên rõ rệt.
Theo số liệu của Sở Giao thông – Vận tải, hiện nay, mạng lưới giao thông đường bộ trên địa bàn tỉnh có tổng chiều dài 14.105 km. Trong đó: đường cao tốc có 1 tuyến, chiều dài 43 km; 7 tuyến quốc lộ, chiều dài 554 km; 23 tuyến đường tỉnh, chiều dài 725 km; 110 tuyến đường huyện, chiều dài 1.400 km; còn lại là đường tuần tra biên giới, đường đô thị và đường giao thông nông thôn.
Thực hiện nhiệm vụ UBND tỉnh giao, Sở Giao thông – Vận tải quản lý 23 đường tỉnh, 4 đoạn tuyến đường tuần tra biên giới và nhận ủy thác quản lý từ Bộ Giao thông – Vận tải đối với 6 tuyến quốc lộ.
Thực hiện sửa chữa mặt đường quốc lộ 1B đoạn qua huyện Văn Quan
Trước năm 2018, công tác quản lý, bảo trì các tuyến đường giao thông còn nhiều bất cập như: thực hiện đặt hàng cào bằng đối với các đơn vị nhận khoán dẫn đến chất lượng công tác bảo dưỡng thường xuyên còn nhiều yếu kém; nhiều mục tiêu đặt ra như: mặt đường bảo đảm giao thông thuận lợi, hệ thống rãnh thoát nước, hệ thống biển báo an toàn giao thông được chỉnh trang thường xuyên… chưa đáp ứng được yêu cầu.
Nhằm đổi mới phương pháp quản lý, nâng cao chất lượng công tác bảo dưỡng thường xuyên, năm 2018, Sở Giao thông – Vận tải đã thực hiện đấu thầu cạnh tranh nhằm lựa chọn được các nhà thầu uy tín để nâng cao chất lượng công tác bảo dưỡng thường xuyên trên các tuyến quốc lộ, đường tỉnh trên địa bàn.
Ông Hoàng Viết Đông, Trưởng Phòng Quản lý kết cấu hạ tầng và an toàn giao thông, Sở Giao thông – Vận tải cho biết: Việc thực hiện đấu thầu công khai thông qua mạng đấu thầu quốc gia để lựa chọn các nhà thầu có đủ năng lực, tiêu chuẩn được thực hiện chặt chẽ đúng quy trình là yếu tố rất quan trọng để bảo đảm chất lượng công việc được giao sau này. Vì vậy, khi lựa chọn được nhà thầu và ký hợp đồng bảo dưỡng thường xuyên, thông qua hoạt động kiểm tra giám sát của sở đối với việc triển khai các phần việc của các đơn vị trúng thầu như: các nhóm công việc về quản lý đường; công việc bảo dưỡng mang tính chất thường xuyên; công việc sửa chữa tại các tuyến đường đều có chuyển biến rõ nét so với trước đây.
Hiện bất cứ ai có dịp đi trên tuyến quốc lộ 1B, 4B, 4A; 279… sẽ cảm nhận được sự thay đổi rõ nét nhất về kết cấu mặt bằng, hệ thống biển báo; tầm nhìn luôn bảo đảm êm thuận và thông thoáng.
Ông Lành Văn Hạ, thôn Bản Luồng, xã Tú Mịch, huyện Lộc Bình cho biết: Tôi đang làm việc tại tỉnh Quảng Ninh, trước đây, mỗi lần về nhà là một lần vất vả vì tuyến quốc lộ 4B đoạn qua tỉnh Lạng Sơn nhiều đoạn mặt đường bong bật hình thành những ổ gà, đi lại bất tiện, trong khi đoạn qua tỉnh Quảng Ninh thảm asphal phẳng lì. Nhưng hai năm trở lại đây, tuyến quốc lộ 4B đã được cải tạo sửa chữa rất êm thuận, hệ thống biển báo an toàn giao thông sáng sạch, sơn kẻ làn đường rõ nét, nề rãnh được nạo vét thông suốt, việc đi lại rất thuận lợi.
Ngoài ra, để bảo đảm chất lượng công tác bảo dưỡng thường xuyên, Sở Giao thông – Vận tải đã chỉ đạo Ban Quản lý bảo trì, các đơn vị trúng thầu bảo dưỡng thường xuyên sử dụng mạng zalo để cập nhật hình ảnh, hoạt động bảo dưỡng các tuyến đường nhằm kiểm soát chất lượng. Song song với đó, việc áp dụng chấm điểm đối với từng phần công việc theo hợp đồng để quản lý mục tiêu chất lượng đã phát huy hiệu quả rõ nét. Từ đó, các đơn vị trúng thầu thực hiện phải nỗ lực không ngừng trong thực hiện hợp đồng đã ký kết.
Ông Phạm Hữu Tuân, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty Cổ phần Quản lý và Xây dựng giao thông Lạng Sơn (đơn vị trúng thầu quản lý 4 đoạn tuyến quốc lộ và 14 tuyến đường tỉnh) cho biết: Việc thực hiện lựa chọn đấu thầu qua mạng và áp dụng chấm điểm chất lượng buộc đơn vị phải tự đổi mới biện pháp thực hiện đối với công tác bảo dưỡng thường xuyên sao cho chất lượng nhất và hiệu quả nhất, nếu không làm tốt sẽ bị thay thế, vì vậy, các đơn vị trúng thầu phải có một hệ thống đồng bộ từ phương tiện máy móc, kỹ thuật, nhân lực và cả kinh nghiệm mới đáp ứng được yêu cầu mục tiêu chất lượng của cơ quan quản lý ngành đặt ra.
Từ sự đổi mới công tác quản lý của Sở Giao thông – Vận tải và sự vào cuộc của các đơn vị nhà thầu trong thực hiện nhiệm vụ theo hợp đồng, công tác quản lý bảo dưỡng thường xuyên các tuyến quốc lộ, đường tỉnh trên địa bàn toàn tỉnh trong những năm qua đạt kết quả tích cực. Từ năm 2019 đến cuối tháng 8/2021, các đơn vị đã nạo vét rãnh dọc được 1,3 triệu m dài trên các tuyến quốc lộ, đường tỉnh; sửa chữa vá ổ gà mặt đường được 38,1 nghìn m2; xây mới rãnh dọc được 17,2 nghìn m2; phát quang tầm nhìn được 3,3 triệu m2; vệ sinh toàn bộ các biển báo an toàn giao thông…
Quản lý, vận hành hệ thống hạ tầng giao thông đường bộ được ví như chăm sóc cơ thể mỗi người, vì vậy, phải kiểm tra thường xuyên liên tục. Hiện nay, hầu hết các tuyến đường do Sở Giao thông – Vận tải quản lý đều được xử lý kịp thời các hư hỏng phát sinh, qua đó góp phần phục vụ phát triển kinh tế – xã hội ngày càng hiệu quả hơn
Ý kiến ()