Nạn nhân chất độc da cam thế hệ thứ 3 Cần lắm một chính sách hỗ trợ
– Chính sách đối với người nhiễm chất độc hóa học (CĐHH) do ảnh hưởng của chiến tranh để lại đã được Đảng, Nhà nước thực hiện từ năm 2000. Việc thực hiện chính sách đã góp phần cải thiện cuộc sống cho những người tham gia kháng chiến bị ảnh hưởng bởi chất độc da cam (CĐDC). Tuy nhiên, đến nay, không chỉ có người trực tiếp tham gia kháng chiến bị phơi nhiễm mà đời con, đời cháu vẫn bị ảnh hưởng, để lại di chứng, bệnh tật nặng nề. Việc đi tìm “tư cách nạn nhân” cho thế hệ thứ 3 trong gia đình người lính trở về từ chiến trường vẫn là một câu chuyện dài và làm thế nào để công nhận, có chế độ cho họ vẫn là câu hỏi còn bỏ ngỏ.
Ông Hoàng Quang Minh, phường Tam Thanh, thành phố Lạng Sơn chăm sóc, động viên cháu nội Hoàng Thị Linh Chi
Những ngày đầu tháng 8, cận kề ngày kỷ niệm 62 năm Thảm họa da cam Việt Nam (10/8/1961 – 10/8/2023), chúng tôi có mặt tại gia đình ông Hoàng Quang Minh (sinh năm 1947), khối 8, phường Tam Thanh, thành phố Lạng Sơn, ông Minh chia sẻ: Tôi nhập ngũ năm 1964, đến năm 1967 thì chuyển vào chiến trường Quảng Nam và bị nhiễm CĐDC. Sau khi thống nhất đất nước về lập gia đình, vợ tôi sinh ra 3 người con trai thì cả 3 đều bị phơi nhiễm CĐDC. Nỗi đau càng thêm gấp bội, khi 3 người con trai lập gia đình, sinh các cháu (là thế hệ thứ 3) cũng đều có những dấu hiệu của di chứng đó, toàn thân đầy các vết chàm, còi cọc, sức khỏe yếu. Hiện Đảng, Nhà nước mới chỉ có chế độ chính sách cho người nhiễm, người bị ảnh hưởng bởi CĐDC thế hệ thứ nhất và thứ 2, chứ chưa có chế độ, chính sách cho thế hệ thứ 3 (người bị mắc các bệnh, dị tật, dị dạng do di chứng CĐDC từ đời ông, bố di chuyền sang).
Trong số 6 người cháu nội của ông Minh, phải kể đến cháu Hoàng Thị Linh Chi (sinh năm 1997). Linh Chi sinh ra vốn khỏe mạnh bình thường, học hết bậc THPT thi đỗ Học viện Quản lý Giáo dục và theo học đến năm thứ 3 thì sức khỏe ốm yếu, những cơn đau đầu dữ dội xuất hiện liên tục khiến em không còn đủ sức khỏe đành bỏ dở việc học trở về nhà với ông bà, bố mẹ. Giấc mơ bị đứt quãng, khiến em rơi vào trầm cảm, tự ti, tự nhốt mình trong căn phòng suốt ngày không tiếp xúc với ai, không nói nửa lời kể cả người thân trong nhà.
Sau hàng giờ thuyết phục, Linh Chi vừa lau dòng nước mắt vừa chia sẻ với chúng tôi: Em mong Nhà nước sớm có thêm chính sách hỗ trợ dành cho những đối tượng như em để gia đình và bản thân em bớt khó khăn, có thêm điều kiện vươn lên trong cuộc sống.
Trên đây chỉ là một trong số hàng trăm hoàn cảnh gia đình có thế hệ thứ 3 bị mắc các bệnh, dị tật, dị dạng do di chứng CĐDC từ đời ông, bố di chuyền sang. Theo thống kê chưa đầy đủ của Hội NNCĐDC tỉnh, hiện toàn tỉnh có trên 200 trường hợp là NNCĐDC thế hệ thứ 3 chưa được hưởng chế độ, chính sách dành cho NNCĐDC, phần lớn, các trường hợp này đều có hoàn cảnh khó khăn.
Ông Trương Công Vẩn, Chủ tịch Hội NNCĐDC thành phố Lạng Sơn cho biết: Những gia đình có NNCĐDC đã rất khó khăn và những gia đình có cả 2 hoặc 3 thế hệ đều bị di chứng của CĐDC thì càng khó khăn trăm bề. Bởi những gia đình này ngoài việc lo cơm áo, gạo tiền thì thường xuyên phải có ít nhất một nhân lực ở nhà chăm sóc và tốn kém nhiều chi phí cho chữa trị ốm đau, bệnh tật. Do đó, mong Đảng, Nhà nước có cơ chế, chính sách hỗ trợ cho NNCĐDC thế hệ 3, thứ 4 để góp phần xoa dịu nỗi đau da cam.
Trong những năm qua, nguồn lực vận động từ các tổ chức, nhà hảo tâm của các cấp hội NNCĐDC trong tỉnh còn thấp, chưa đáp ứng đủ cho công tác chăm sóc, giúp đỡ NNCĐDC trực tiếp, thế hệ thứ 2. Do đó, NNCĐDC thế hệ thứ 3 vẫn chưa có sự hỗ trợ từ phía các cấp hội NNCĐDC mà chỉ nhờ vào sự hỗ trợ, trợ cấp dành cho người khuyết tật với số tiền ít ỏi, không đủ trang trải, chi phí thuốc men cho bệnh tật cũng như trong cuộc sống sinh hoạt hằng ngày.
Ông Hà Văn Thanh, Chủ tịch Hội NNCĐDC tỉnh cho biết: Trong những năm qua, Đảng và Nhà nước đã có nhiều chính sách, chế độ quan tâm, chăm lo cho các đối tượng NNCĐDC. Tuy nhiên, trên thực tế, NNCĐDC thế hệ thứ 3, thứ 4 đã ngày càng xuất hiện nhiều trong cả nước nói chung và trong tỉnh nói riêng. Trong những năm qua, hội đã có những văn bản kiến nghị, đề xuất ý kiến tại các cuộc họp lên các cấp chính quyền, hội cấp trên đề nghị Đảng, Nhà nước quan tâm có cơ chế, chính sách hỗ trợ chăm lo, hỗ trợ những NNCĐDC thế hệ thứ 3, thứ 4 để họ với bớt khó khăn, có động lực vươn lên trong cuộc sống.
Ý kiến ()