Nạn nhân chất độc da cam: Những nỗi đau còn đây
LSO- Bao năm đã trôi qua, hậu quả của chất độc da cam/dioxin không hề vơi đi khi hàng 2, 3 thế hệ sau vẫn đang gánh chịu nỗi đau về cả thể chất lẫn tinh thần.
Nỗi đau hằn trên da thịt
Thăm anh Lành Văn Duyễn, thôn Đồi Chè, xã Hoàng Đồng, thành phố Lạng Sơn nạn nhân chất độc da cam, tôi thấy xót xa khi chứng kiến toàn thân anh nổi những u thịt sần sùi. Những u này thỉnh thoảng sưng mủ, lở loét khiến anh đau nhức mà bao năm qua chẳng thuốc gì chữa khỏi để anh bớt đớn đau.
Trường hợp khác, 2 người con của ông Phạm Trường Phô, thôn Hoàng Thanh, xã Hoàng Đồng dù đã lớn mà không thể tự chủ được mọi hành động của bản thân. Thậm chí chuyện vệ sinh cá nhân cũng không ý thức được.
Hai người con của ông Hoàng Văn Thiết, đường Lương Văn Tri, phường Hoàng Văn Thụ thì sức khỏe đều yếu. Trong đó, người con cả mới 35 tuổi nhưng đã bị thoái hóa cột sống, mắt kém. Bản thân ông Thiết cũng thường xuyên đau ốm. Thành thử hầu hết số tiền gia đình có được đều dồn mua thuốc men. Căn nhà cấp 4 chỉ 36 m² lụp xụp, với 5 thành viên ở rất chật chội mà gia đình vẫn chưa có điều kiện cải tạo lại được…
Ông Chu Giang, đường Thái Bình, khối 6, phường Hoàng Văn Thụ, thành phố Lạng Sơn, nạn nhân chất độc da cam
Mỗi nạn nhân một biểu hiện bệnh tật và hoàn cảnh khác nhau nhưng tựu chung là họ đang phải gánh chịu bao nỗi đau. Đây chính là bằng chứng rõ nét nhất tố cáo tội ác của quân đội Mỹ gieo rắc cách đây hơn nửa thế kỷ, mà cho đến nay nó vẫn còn dai dẳng, giằng xé bao cuộc đời, bao phận người.
Nén nỗi đau trong tâm
Trở lại câu chuyện anh Lành Văn Duyễn, cha anh – ông Lành Văn Vịnh không cầm nổi nước mắt. Ông nói: Duyễn là con đầu của tôi, nay đã 38 tuổi. Nó học đến lớp 3 rồi nghỉ do mặc cảm dị tật… Khi tôi hỏi đến những người em sau Duyễn, ông Vịnh khóc và lặng đi không nói nên lời…
Sự thật là dưới Duyễn có 5 người em, nhưng nay chỉ còn 3; 2 người đã mất do di chứng chất độc da cam. Ngày trước, ông Vịnh cũng chỉ nghĩ số phận mình không may mắn nên mất con; thiên hạ có người độc miệng bảo nhà ông vô phúc nên mới bị như vậy…
Nạn nhân chất độc da cam ở xã Hoàng Đồng, TP Lạng Sơn
Không chỉ gia cảnh ông Vịnh mà hoàn cảnh con gái bà Hoàng Thị Hường, thôn Đồng La, xã Yên Bình, huyện Hữu Lũng cũng rất thương tâm. Chị sinh được 2 người con, nhưng chúng phát triển không bình thường. Khi biết các con bị nhiễm chất độc hóa học, chồng chị đã bỏ vợ con ra đi. Phụ nữ bình thường nuôi con một mình đã vất vả, đằng này, chị còn bị nhiễm chất độc hóa học. Nhưng nén nỗi đau, chị vẫn gắng gượng làm tròn trách nhiệm của mình.
Toàn tỉnh hiện có 744 nạn nhân chất độc da cam được hưởng các chế độ, chính sách, trong đó có 375 nạn nhân trực tiếp và 369 nạn nhân gián tiếp. Ngoài ra, vì nhiều nguyên nhân, còn hàng ngàn người bị phơi nhiễm chất độc hóa học chưa được hưởng các chế độ, chính sách của Đảng, Nhà nước. Họ đang từng ngày vật lộn với đau đớn, bệnh tật, sống trong cảnh nghèo khó, kỳ thị… Nhưng kìm nén tất cả, người thân của họ đang từng ngày, từng giờ nuôi nấng, chăm sóc. Thời gian qua, Đảng và Nhà nước đã có nhiều chính sách chăm lo tới những đối tượng này. Tuy nhiên, so với thực tiễn đặt ra thì vẫn còn hạn chế. Hơn lúc nào hết, rất mong sự chung tay của cả cộng đồng vào xoa dịu nỗi đau da cam.
Ông Nông Hồng Phong, Chủ tịch Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin thành phố Lạng Sơn chi sẻ: “Đàn ông thường giấu nước mắt, nhưng chứng kiến nhiều hoàn cảnh mình không kìm lòng được. Mỗi phận người là một đớn đau khó bề được chia sẻ. Trong đó, những trường hợp nằm bất động, những trường hợp bị thiểu năng, dị tật, dị dạng… là đối tượng cần được chăm sóc nhiều hơn cả”.
Bài, ảnh: HOÀNG HUẤN
Ý kiến ()