Nạn nhân chất độc da cam cần sự sẻ chia của cộng đồng
LSO-Trong căn nhà cấp 4 được xây dựng từ năm 1980, các bức tường đã bong tróc loang lổ, mục nát, ẩm mốc, ông Vi Văn Sảo (sinh năm 1945), thôn Khòn Nghiềng, xã Thượng Cường, huyện Chi Lăng cẩn thận lau sạch bụi trên những tấm huân, huy chương. Ông cho biết: Tôi nhập ngũ năm 1968. Năm 1971, trong một đợt càn quét của quân địch, tôi bị thương nặng, mảnh vỡ của bom, mìn găm vào bụng bị thủng dạ dày, gan, ruột và cơ hoành. Sau đó được chuyển đi cấp cứu và điều trị, đến năm 1972 được phục viên xuất ngũ trở về quê hương. Tôi lập gia đình từ năm 1964, nhưng hai vợ chồng chưa có con. Đến năm 1974, tôi xuống Bệnh viện Bạch Mai khám mới biết mình bị nhiễm chất độc da cam không thể có con. Nói đến đây, người chiến sĩ một thời từng vào sinh ra tử nơi lửa đạn không thể kìm nén nổi cảm xúc, giọng nghẹn ngào, cặp mắt đỏ hoe.
Ông Vi Văn Sảo bên cạnh những tấm huân, huy chương kháng chiến |
Từ khi biết mình bị nhiễm chất độc da cam không thể có con, đã mấy lần ông Sảo muốn để vợ đi bước nữa, nhưng lần nào vợ ông cũng khóc và quả quyết: “Một ngày làm vợ thì cả đời sẽ là vợ của ông, ông không có lỗi gì để tôi phải xa ông cả”. Đến năm 1975, vợ chồng ông Sảo quyết định nhận con nuôi để có người phụng dưỡng khi về già. Đến nay, người con nuôi của ông đã lập gia đình và sinh được 2 người con trai khỏe mạnh, chăm ngoan học tập, nghe lời ông bà, bố mẹ.
Hiện nay gia đình ông Sảo có vài sào ruộng và một ít rừng hồi, năm nào được mùa thì cho thu nhập được 10 – 20 triệu đồng. Số tiền đó cũng chỉ đủ cho các cháu học tập và các khoản chi phí sinh hoạt hằng ngày cho cả gia đình. Ngoài ra, ông Sảo được hưởng trợ cấp của nạn nhân chất độc da cam và thương binh bậc ¾, mỗi tháng tổng cộng được trên 3 triệu đồng. Số tiền đó cũng chỉ đủ tiền thuốc thang cho 2 vợ chồng ông. Bởi năm nay, ông bà đều đã ở tuổi 73, cả hai thường hay đau ốm. Ông Sảo cho biết: Gia đình tôi đã dự định xây ngôi nhà mới thay thế ngôi nhà hiện nay, nhưng thu nhập chính của gia đình chủ yếu là nghề nông nên chỉ đủ ăn. Ngôi nhà thì ngày càng xuống cấp, vào mùa mưa bão, nước mưa ngấm vào các bức tường chỉ lo sập nhà lúc nào không hay.
Được biết, vừa qua, Hội Nạn nhân chất độc da cam huyện Chi Lăng đã đến gia đình ông Sảo khảo sát ngôi nhà để xem xét, kêu gọi sự vận động từ các tổ chức, đoàn thể hỗ trợ gia đình xây nhà mới. Ông Đinh Văn Can, Chủ tịch Hội Nạn nhân chất độc da cam huyện Chi Lăng cho biết: Qua khảo sát ngôi nhà chúng tôi hứa sẽ có hướng hỗ trợ cụ thể. Nhưng kinh phí của huyện hội cũng rất hạn chế, chỉ hỗ trợ được khoảng 50 triệu đồng, do vậy qua đây tôi rất mong các cấp, ngành, đoàn thể và nhà hảo tâm quan tâm, giúp đỡ để gia đình ông Sảo có thêm điều kiện xây ngôi nhà mới, yên tâm lao động sản xuất.
ĐĂNG THÙY
Ý kiến ()