Nan giải xử lý ô nhiễm suối Ngọc Tuyền
(LSO) – Điểm nhấn của khu danh thắng Nhị Thanh, thành phố Lạng Sơn lâu nay là suối Ngọc Tuyền dài hơn 600 m, chảy xuyên qua động, huyền ảo, hấp dẫn khách du lịch. Nhưng hơn chục năm trở lại đây, dòng suối này đã bị ô nhiễm nghiêm trọng, bốc mùi hôi thối, lượng bùn hơn 40.000 m3 đọng dày, gây mất cảnh quan khu danh thắng.
Nước suối vẩn đục, lượng bùn rác ứ đọng là cảnh tượng chúng tôi chứng kiến và cảm nhận được khi bước chân vào khu danh thắng Nhị Thanh. Từ đầu năm đến nay, lượng khách đến với khu danh thắng là hơn 40 nghìn lượt người, trong đó đa phần là khách ngoại tỉnh, một số ít là khách nước ngoài. Đại đa số du khách không vào thăm quan sâu trong động chỉ vì mùi hôi từ con suối bốc lên. Hằng ngày, cán bộ, nhân viên tại đây vẫn áp dụng nhiều biện pháp để khắc phục ô nhiễm nhưng tình trạng vẫn không cải thiện. Ông Nguyễn Xuân Quang, Tổ trưởng phụ trách khu danh thắng Nhị Thanh ngao ngán cho biết: “Tình trạng ô nhiễm này đã diễn ra từ rất nhiều năm nay. Chúng tôi chỉ biết khắc phục mùi hôi bằng cách thắp hương dọc hai bên bờ suối nhưng không ăn thua”.
Nguồn nước của suối Ngọc Tuyền bị ô nhiễm đoạn phía sau hang Nhị Thanh
Hiện nay, suối Ngọc Tuyền hằng ngày vẫn gồng mình hứng chịu lượng lớn nước thải sinh hoạt của khoảng 750 hộ dân ở các khối dân cư đổ dồn ra suối, mặt khác nguồn sinh thủy tự nhiên cho suối Ngọc Tuyền rất ít. Do vậy, vào mùa khô, lưu lượng nước về suối ít, nước trong suối hình thành dòng chảy không rõ ràng để rửa trôi bùn, rác lắng đọng, khiến nước có màu đen sẫm, hôi thối bốc mùi khó chịu, với diện tích lưu vực khoảng 5,65 km2, vào mùa mưa lũ nước từ các nơi đổ dồn về làm ngập úng, kéo theo rác rưởi, bùn trôi vào trong lòng suối. Điều này khiến tình trạng ô nhiễm nguồn nước tại suối Ngọc Tuyền càng trở nên trầm trọng và khó khắc phục hơn.
Chị Nguyễn Thị Phương, huyện Ứng Hòa, thành phố Hà Nội, du khách tham quan khu danh thắng Nhị Thanh cho biết: “Hằng năm, cứ đến dịp nghỉ hè, gia đình chúng tôi lại lên động Nhị Thanh để lễ và tham quan. Tôi thấy cảnh vật ở đây rất đẹp nhưng dòng suối có mùi hôi nên chúng tôi chỉ ở bên ngoài chứ không vào sâu trong động”.
Từ tháng 5/2018, khu danh thắng Nhị – Tam Thanh, núi Tô Thị, thành Nhà Mạc đã được bàn giao về UBND thành phố trực tiếp quản lý, vì vậy, UBND thành phố đã xây dựng kế hoạch, phương án để xử lý tình trạng ô nhiễm tại suối Ngọc Tuyền. Theo đó, UBND thành phố Lạng Sơn đã phối hợp với các sở, ngành của tỉnh và chỉ đạo các cơ quan chuyên môn nghiên cứu, lập phương án khắc phục và cải tạo tình trạng ô nhiễm nguồn nước suối Ngọc Tuyền. Qua đó, đã nghiên cứu 2 phương án cải tạo, tổng kinh phí dự kiến trên 153,6 tỷ đồng với mong muốn cấp nước duy trì mực nước trong suối Ngọc Tuyền. Tuy nhiên, qua nghiên cứu, đánh giá các phương án trên đều chưa khả thi do nguồn lực đầu tư lớn, kinh phí duy trì vận hành cao.
Ông Nguyễn Văn Hạnh, Phó Chủ tịch UBND thành phố Lạng Sơn cho biết: Trong năm 2018 và 2019, chúng tôi đã làm việc 4 lượt với Công ty Cổ phần Quốc tế Sơn Hà, đoàn chuyên gia Nhật Bản, đoàn chuyên gia Hàn Quốc khảo sát tình hình thực tế. Sau khi nghiên cứu, đoàn chuyên gia Nhật Bản đã đưa ra phương án xử lý nguồn nước ô nhiễm tại bể lắng phía sau hang Nhị Thanh trước khi suối chảy vào động Nhị Thanh. Tuy nhiên, đến nay, họ chưa có thông tin chính thức về phương án xử lý này.
Trong thời gian tới, UBND thành phố Lạng Sơn tiếp tục mời thêm các công ty về môi trường, các đoàn chuyên gia đến nghiên cứu, tìm giải pháp xử lý ô nhiễm nguồn nước suối. Dự kiến trong tháng 9/2019, đoàn chuyên gia Hàn Quốc tiếp tục khảo sát thực tế và nghiên cứu phương án. Đồng thời, tiếp tục nghiên cứu phương án để bổ sung nguồn nước cho suối Ngọc Tuyền, kiên cố hoá bờ suối, thanh thải bể lắng đọng bùn, rác. Mong rằng, với những nỗ lực đó, trong tương lai không xa, tình trạng ô nhiễm dòng suối Ngọc Tuyền sẽ được khắc phục.
Suối Ngọc Tuyền là nơi tiêu thoát nước của toàn bộ lưu vực phía Nam xã Hoàng Đồng và một phần của phường Tam Thanh. Suối có chiều dài khoảng 1.794 m bắt nguồn tại hồ Phai Ngậu rộng 10.771 m2 chảy qua trước cửa động Tam Thanh, xuyên qua động Nhị Thanh và kết thúc tại sông Kỳ Cùng. Suối rộng trung bình 2 đến 4 m. Đoạn từ động Tam Thanh đến cửa sau động Nhị Thanh dài khoảng 454 m đã được kiên cố hoá bằng kết cấu đá xây, rộng trung bình 2 m. |
Ý kiến ()