Nan giải vấn đề rác thải
LSO-Chợ Khánh Khê, xã Khánh Khê, huyện Văn Quan là nơi giao thương, buôn bán của bà con trong xã và các vùng lân cận. Sau mỗi phiên chợ, lượng rác thải ra rất lớn. Do chưa có điểm tập kết rác, cùng với ý thức bảo vệ, giữ gìn vệ sinh môi trường của người dân chưa cao nên đã gây ra tình trạng ô nhiễm, ảnh hưởng đến cuộc sống của người dân sống quanh khu vực chợ.
Điểm tập kết rác thải tạm của chợ Khánh Khê gây ô nhiễm |
Mỗi phiên chợ, các hoạt động mua bán, giao thương tại chợ Khánh Khê diễn ra rất nhộn nhịp. Do chợ chưa quy định cụ thể từng khu vực bán hàng, người bán tự dựng các lều lán tạm bợ để bày bán hàng. Tại khu vực này cũng không có điểm tập kết rác và các thùng đựng rác. Vì thế, cứ sau phiên chợ, rác thải lại ngổn ngang.
Theo phản ánh của người dân nơi đây, lượng rác thải ra từ chợ Khánh Khê rất nhiều. Song công tác thu gom, xử lý rác chỉ được thực hiện vào các ngày áp phiên, nghĩa là trước hôm họp chợ 1 ngày. Do đó, những ngày còn lại, rác thải theo gió vương vãi khắp nơi. Bà con phải tự gom lại, đổ dầu rồi đốt ngay tại chợ, gây ảnh hưởng đến cuộc sống của chính những người dân sống quanh đây. Ông Hoàng Văn Dai, chủ hộ kinh doanh tại chợ Khánh Khê cho biết: Vào ngày chợ chính có khoảng hơn 100 người bán các mặt hàng tại chợ, ngoài ra có khoảng 20 hộ kinh doanh hàng tạp hóa, hàng ăn cố định nên lượng rác thải ra mỗi ngày (nhất là vào phiên chợ) rất lớn. Tuy nhiên tại điểm chợ chỉ được đặt duy nhất một xe chứa rác tại khu vực ngã ba chợ, hầu hết các hộ kinh doanh đều xả rác trực tiếp ra môi trường.
Do chưa có điều kiện xây dựng bãi rác tập trung, chính quyền xã Khánh Khê hợp đồng với một nhân công trong xã, thực hiện việc thu gom, xử lý rác thải tại chợ theo hình thức giao khoán. Rác được chở về tập kết tạm thời ngay tại đầu cầu Khánh Khê. Mặc dù chính quyền xã đã phối hợp với Công ty môi trường Tân Minh, huyện Văn Quan xử lý thu gom vận chuyển rác thải nhưng khoảng 2 – 3 ngày xe mới đến thu gom vận chuyển đi một lần, nên lượng rác thải chất đống nhiều ngày, gây ô nhiễm, ảnh hưởng tới sức khỏe của người dân xung quanh.
Bà Hoàng Thị Bào, người dân sinh sống cạnh khu vực tập kết rác cho biết: Việc đổ rác thải tại điểm đầu cầu diễn ra hằng ngày, do rác quá nhiều gây ra tình trạng ô nhiễm, ruồi nhặng bâu xung quanh. Gia đình tôi phải dùng vải bạt để che chắn các ô cửa sổ, cả ngày phải đóng kín cửa vì mùi hôi thối bốc lên nồng nặc.
Anh Hoàng Văn Lâm, người bán thịt lợn quay tại khu vực chợ Khánh Khê cho biết: Hằng ngày tại chợ Khánh Khê có khoảng 12 – 14 người bán thịt lợn quay. Mỗi ngày, trung bình mỗi người bán từ 2-3 con lợn quay tại chợ, nên các loại rác thải như lá chuối, túi ni lông rất nhiều. Những người bán hàng gặp khó khăn do không có điểm xử lý rác, tôi thường thu gom rồi mang ra bãi rác tạm ở đầu cầu Khánh Khê.
Ông Hoàng Văn Mẫn, Phó Chủ tịch UBND xã Khánh Khê cho biết: Xã đã thông báo đến các hộ, nhắc nhở về việc vứt rác bừa bãi, nhưng hiện tại xã chưa có nơi quy định để đổ rác, các hộ dân mạnh ai nấy làm, tiện chỗ nào đổ chỗ đó, rác thải tràn ngập vỉa hè quốc lộ, đoạn đầu cầu gần bờ sông. Để khắc phục tình trạng ô nhiễm, xã đã chủ động xây dựng kế hoạch triển khai cụ thể tới tất cả các hộ kinh doanh khu vực chợ, đẩy mạnh công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức cho người dân trong việc xử lý, thu gom tập kết rác vào đúng nơi quy định; đến từng hộ gia đình vận động bà con đăng ký dịch vụ thu gom rác thải… Thời gian tới xã sẽ tập trung huy động nguồn lực để đầu tư xây dựng bãi tập kết rác Đá Nài và hệ thống xử lý rác thải ở khu vực chợ. Bên cạnh đó, làm tốt công tác quản lý môi trường, trang bị, bố trí các thùng chứa rác ở những địa điểm hợp lý.
Nhưng trước khi có được điểm tập kết và các thùng rác, để đảm bảo vệ sinh môi trường tại khu vực này, các hộ kinh doanh và bà con đến mua, bán tại chợ cần nâng cao ý thức trách nhiệm trong giữ gìn vệ sinh chung.
KIM HUYÊN
Ý kiến ()