Nan giải chợ cóc, chợ tạm
(LSO) – Chợ cóc, chợ tạm hay còn gọi là chợ tự phát ở các ngã ba, ngã tư, trên các đường phố, các khu dân cư đã tồn tại nhiều năm nay trên địa bàn thành phố Lạng Sơn. Những khu chợ này không chỉ gây mất mỹ quan đô thị mà còn gây mất an toàn giao thông. Tình trạng này đòi hỏi các cấp chính quyền, các cơ quan chức năng cần vào cuộc mạnh mẽ và có giải pháp đồng bộ để giải quyết dứt điểm.
Theo ghi nhận của phóng viên, mỗi sáng sớm, ngã ba đường Phai Vệ giao với đường Lê Đại Hành (phường Đông Kinh, thành phố Lạng Sơn) luôn tấp nập người mua, kẻ bán các loại mặt hàng phục vụ đời sống của người dân. Những phản thịt, những điểm bán hoa quả, hàng rau… thi nhau bày tràn lan ra vỉa hè, lòng đường. Điều đáng nói, con đường này là điểm nối quốc lộ 1A vào trung tâm thành phố nên lượng xe ra vào rất đông, do vậy, việc ngang nhiên “họp chợ” giữa lòng đường khiến việc đi lại của người dân khó khăn, mất an toàn. Ngoài ra, trong quá trình mua bán, rác thải, túi ni-lông được người bán vứt bỏ bừa bãi ngay trên vỉa hè hoặc sát lề đường khiến khu vực này trở nên nhếch nhác và mất vệ sinh. Chị Nông Thị Thảo (đường Lê Đại Hành, phường Đông Kinh) cho biết: “Chợ cóc đã hình thành ở khu vực này vài năm nay rồi. Trước đó, chỉ một số người tập trung bán hàng rong, dần dần đến nay, các hàng quán đều đua nhau lấn ra lề đường, lòng đường khiến con đường thêm chật hẹp, lộn xộn, gây mất an toàn giao thông”.
Người dân lấn chiếm vỉa hè, lòng đường bán hàng tại đường Nguyễn Thái Học, phường Chi Lăng
Theo thống kê sơ bộ của UBND thành phố Lạng Sơn, trên địa bàn hiện có 8 điểm “chợ cóc”, “chợ tạm”, trong đó, thành phố đã bố trí 3 điểm cố định được phép hoạt động để các hộ bán hàng (2 điểm tại phường Tam Thanh, 1 điểm tại xã Hoàng Đồng). Một số khu vực tập trung người dân lấn chiếm lòng đường, vỉa hè làm nơi kinh doanh họp chợ như: ngã ba Pò Mỏ, xã Mai Pha; ngã ba chùa Tiên, ngã ba cầu Ngầm, phường Chi Lăng; ngã ba Mỹ Sơn, đường Ngô Quyền, phường Đông Kinh; dọc tuyến đường Bắc Sơn thuộc địa bàn 2 phường: Hoàng Văn Thụ và Vĩnh Trại,… Những điểm chợ cóc này xuất hiện đã gây mất mỹ quan đô thị và an toàn giao thông.
Nguyên nhân chợ cóc, chợ tạm tồn tại nhiều năm nay là do việc mua sắm ở các khu chợ này tiện lợi, nhanh chóng, tại đây tập trung đầy đủ mặt hàng thiết yếu phục vụ cho đời sống hằng ngày của người dân, giờ giấc bán hàng rất linh hoạt, lại gần các điểm dân cư sinh sống. Thêm vào đó, mặc dù nhiều điểm chợ cóc, chợ tạm có thời điểm được xử lý giải toả rất quyết liệt nhưng sau một thời gian lại tái diễn, hoặc giải tỏa ở địa bàn này lại hình thành ở địa bàn khác. Điều này không chỉ gây ảnh hưởng tới giao thông, mỹ quan đô thị và mà còn làm ảnh hưởng tới việc kinh doanh của các chợ truyền thống.
Những năm qua, để dần dẹp bỏ chợ cóc chợ tạm, UBND thành phố đã chỉ đạo Đội Quản lý trật tự đô thị phối hợp với UBND các phường, xã thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp như tuyên truyền, nhắc nhở, kiểm tra xử lý các hộ kinh doanh lấn chiếm lòng đường, vỉa hè để họp chợ. Lực lượng chức năng thành phố đã tiến hành thu giữ hàng hóa, xử phạt hành chính các trường hợp vi phạm. Đặc biệt, từ đầu năm 2019 đến nay, UBND thành phố đã ban hành 13 kế hoạch và văn bản chỉ đạo, xử lý những trường hợp vi phạm, lấn chiếm lòng đường, vỉa hè sử dụng vào mục đích kinh doanh tại các khu vực ngã ba, ngã tư, các điểm bán hàng không đúng nơi quy định nhằm lập lại trật tự đô thị.
Tuy nhiên, quá trình xử lý vi phạm, chính quyền và các cơ quan chức năng thành phố gặp phải không ít khó khăn. Một bộ phận nhân dân mặc dù đã được tuyên truyền, phổ biến nhưng vẫn cố tình vi phạm, trốn tránh. Nhiều hộ kinh doanh còn chống đối khi lực lượng trật tự đô thị xử lý vi phạm…
Ông Lê Tuấn Minh, Phó Chủ tịch UBND thành phố cho biết: Trong thời gian tới, chúng tôi tiếp tục chỉ đạo các đơn vị tăng cường tuyên truyền, vận động người tiêu dùng hình thành thói quen văn minh thương mại, đến các khu chợ tập trung, chợ chính, các trung tâm thương mại, siêu thị, cửa hàng tiện lợi trên địa bàn thay vì mua hàng ở các chợ cóc, chợ tạm. Cùng đó, chỉ đạo UBND các phường, xã tăng cường tuyên truyền, vận động các hộ vào kinh doanh tại các chợ trên địa bàn thành phố. Đặc biệt, chúng tôi sẽ đề nghị các đơn vị quản lý chợ trên địa bàn xây dựng phương án nâng cấp, cải tạo chợ truyền thống, bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm, giảm các loại phí để hỗ trợ tiểu thương, tăng sức cạnh tranh với hàng rong, chợ cóc.
HOÀNG HIẾU
Ý kiến ()