Nan giải bài toán kinh doanh
LSO-Đến thời điểm hiện tại, trên địa bàn tỉnh còn 13 doanh nghiệp có vốn Nhà nước. Trong đó, có doanh nghiệp đã tuyên bố phá sản, còn 12 doanh nghiệp hiện vẫn hoạt động, nhưng hầu hết kinh doanh kém hiệu quả. Từ đầu năm 2014 đến nay đã có doanh nghiệp lỗ gần tỷ đồng.
Lãnh đạo tỉnh kiểm tra hoạt động sản xuất kinh doanh tại Công ty Cổ phần Vật tư nông nghiệp Lạng Sơn |
Hiện nay, tổng số vốn điều lệ của các doanh nghiệp có vốn nhà nước do UBND tỉnh quản lý là 280,4 tỷ đồng, trong đó vốn nhà nước là 220,3 tỷ đồng. Hiện tại, có 6 công ty TNHH một thành viên 100% vốn nhà nước, còn lại là các công ty cổ phần có một phần vốn nhà nước. Theo đánh giá của UBND tỉnh thì chỉ có một số doanh nghiệp bước đầu tìm hiểu và mạnh dạn thực hiện nhiều biện pháp nâng cao chất lượng sản phẩm, tìm kiếm thị trường, đưa doanh nghiệp dần đi vào hoạt động ổn định, bảo toàn được nguồn vốn và có tích lũy, tạo việc làm, thu nhập ổn định cho người lao động. Còn lại phần lớn các doanh nghiệp chưa phát huy được hiệu quả sử dụng vốn, tài sản sẵn có. Hầu hết vẫn giữ nguyên hiện trạng trước khi chuyển đổi, quy mô nhỏ, không có chiến lược kinh doanh rõ nét, công nghệ, máy móc, trang thiết bị lạc hậu, thiếu đội ngũ lao động có trình độ chuyên môn cao, tay nghề giỏi. Do vậy, cả 6 doanh nghiệp 100% vốn nhà nước có tổng doanh thu năm 2013 là 118,26 tỷ đồng, tăng 12% so với năm 2011 nhưng lợi nhuận chỉ đạt 1,05 tỷ đồng, bằng 42,7% so với năm 2011. Các công ty cổ phần cũng chỉ đạt lợi nhuận là 4,583 tỷ đồng, bằng 98% so với năm 2011. Trong đó, Công ty TNHH một thành viên Đầu tư phát triển nhà và đô thị năm 2013 lỗ 169 triệu đồng, 6 tháng đầu năm 2014 lỗ 156 triệu đồng. Đặc biệt là Công ty TNHH một thành viên Lâm nghiệp Đình Lập năm 2013 lỗ 34 triệu đồng, 6 tháng đầu năm 2014 lỗ 500 triệu đồng và để xảy ra tình trạng không trả được lương cho cán bộ công nhân viên. Theo báo cáo của công ty thì trong thời gian qua, việc phát triển sản xuất kinh doanh của công ty gặp nhiều khó khăn do thời tiết bất lợi ảnh hưởng đến việc ươm cây giống. Hơn nữa là xảy ra tình trạng chặt phá, chích nhựa thông trái phép ở nhiều khu vực rừng công ty quản lý; diện tích thông chủ yếu là thông non, sản lượng gỗ và nhựa thông đến tuổi cho khai thác còn lại rất ít dẫn đến việc kinh doanh bị thua lỗ.
Trước thực trạng trên, từ đầu năm 2013 đến nay, UBND tỉnh đã thường xuyên tổ chức đoàn công tác đi kiểm tra thực tế tại các doanh nghiệp có vốn nhà nước để nắm bắt tình hình. Tại buổi làm việc với Đoàn giám sát của Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh ngày 29/8/2014, đồng chí Nguyễn Văn Bình, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh đã phát biểu: trong thời gian qua, hoạt động sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp có vốn nhà nước còn nhiều yếu kém, sau khi chuyển đổi, các doanh nghiệp đã không bắt nhịp kịp với nền kinh tế thị trường, thiếu linh hoạt trước sự cạnh tranh ngày càng gay gắt giữa các đơn vị sản xuất kinh doanh đồng sản phẩm. Chính vì vậy, UBND tỉnh đã chỉ đạo các doanh nghiệp tập trung thực hiện tiến độ chuyển đổi hình thức hoạt động theo đúng tiến độ của Chính phủ đề ra. Cùng với đó, tăng cường công tác quản lý, đánh giá tài sản của các doanh nghiệp. Trước mắt, các doanh nghiệp cần hoàn thiện các thủ tục cần thiết chứng minh tài sản để có thể tiếp cận các nguồn vốn tín dụng ngân hàng. Đồng thời, chú trọng công tác đào tạo nâng cao trình độ cho đội ngũ lãnh đạo doanh nghiệp, tiến tới xây dựng chiến lược sản xuất kinh doanh phù hợp với thời kỳ hội nhập.
Việc tái cơ cấu, khôi phục hoạt động sản xuất kinh doanh hiệu quả cho các doanh nghiệp nhà nước là rất quan trọng, góp phần giúp tỉnh điều tiết tình hình kinh tế địa phương. Tạo thêm công ăn, việc làm có thu nhập ổn định cho người lao động. Đồng thời, làm động lực thúc đẩy phát triển sản xuất kinh doanh tại mỗi địa phương mà các doanh nghiệp đang hoạt động nói riêng và cả tỉnh nói chung.
ANH DŨNG
Ý kiến ()