Nạn đói đe dọa nhiều quốc gia trong những tháng cuối năm
Năm 2021, thế giới chứng kiến tình trạng mất an ninh lương thực diễn ra trên diện rộng, đặc biệt là ở khu vực châu Phi.
Theo Tổ chức Nông lương Liên hợp quốc (FAO) và Chương trình Lương thực Thế giới (WFP), trong năm 2021, nạn đói đã trở nên trầm trọng hơn tại nhiều quốc gia trên toàn cầu, trong đó có thể kể đến Afghanistan, Angola, Cộng hòa Trung Phi, Ethiopia, Haiti, Kenya, Lebanon, Somalia, Syria, Yemen…
Trong danh sách các nước chịu ảnh hưởng nghiêm trọng nhất của tình trạng thiếu lương thực, Ethiopia đứng hàng đầu với số người phải đối mặt với nạn đói dẫn đến tử vong dự báo có thể tăng lên 401.000 người-con số cao nhất kể từ nạn đói năm 2011 ở Somalia-nếu các hoạt động viện trợ nhân đạo không được triển khai kịp thời. Miền Nam Madagascar-nơi chịu ảnh hưởng bởi đợt hạn hán tồi tệ nhất trong 40 năm qua-dự báo có tới 14.000 người có thể chết đói do thiếu lương thực. Con số này thậm chí có thể tăng gấp đôi lên 28.000 người vào cuối năm nay, nếu khu vực này không nhận được sự giúp đỡ khẩn cấp của các tổ chức quốc tế.
Người dân tị nạn ở Mekele thuộc vùng Tigray, miền Bắc Ethiopia. Ảnh: AP |
Tại Afghanistan, dự báo đến cuối năm 2021 sẽ có tới 3,5 triệu người dân phải đối mặt với nạn đói dẫn đến tình trạng suy dinh dưỡng cấp tính và tử vong. Hạn hán trầm trọng, giá lương thực tăng cao, nạn di cư do xung đột gia tăng và tình trạng thất nghiệp phổ biến do tác động của đại dịch Covid-19… càng làm trầm trọng hơn nạn đói ở nước này. Trong khi đó, bạo lực leo thang khiến các hoạt động hỗ trợ nhân đạo của các tổ chức quốc tế tại Afghanistan cũng trở nên khó khăn hơn. Tình hình mất an ninh lương thực ở Haiti cũng nghiêm trọng không kém, khi sản lượng cây trồng chủ lực của nước này rơi xuống mức thấp do thời tiết thất thường, đất nước trong vòng xoáy của bất ổn chính trị, giá lương thực và lạm phát tăng cao, dịch Covid-19 và các biện pháp hạn chế liên quan tác động tiêu cực đến đời sống của đa số người dân. Trong khi đó, đồng tiền mất giá, lạm phát tăng cao cũng góp phần đẩy các nước như Lebanon, Nigeria, Sudan, Venezuela đứng bên bờ vực thảm họa mất an ninh lương thực.
Mất mùa liên tiếp ở Zambia, Zimbabwe, Mozambique và Angola đang gây thiệt hại cho sản xuất nông nghiệp và khiến giá lương thực tăng vọt ở các nước này. Khu vực Nam Phi vừa trải qua đợt hạn hán trầm trọng nhất trong vòng 40 năm qua kể từ năm 1981. Trong vài năm trở lại đây, tình trạng an ninh lương thực và dinh dưỡng ở nhiều quốc gia châu Phi đã trở nên tồi tệ hơn. Xung đột, đói nghèo và vấn nạn di cư tạo ra thảm họa không chỉ về an ninh lương thực, trong đó trẻ em là đối tượng chịu tổn thương nhiều nhất. Trẻ suy dinh dưỡng có hệ miễn dịch kém hơn và dễ mắc các bệnh truyền nhiễm. Theo Tổ chức Y tế thế giới, suy dinh dưỡng là nguyên nhân hoặc một yếu tố góp phần gây ra 45% số ca tử vong ở trẻ em dưới 5 tuổi trên toàn cầu.
Báo cáo của FAO và WFP nhấn mạnh rằng, xung đột vũ trang, biến đổi khí hậu và các cú sốc do suy giảm kinh tế từ tác động của dịch Covid-19 tiếp tục là những nguyên nhân chính gây ra tình trạng mất an ninh lương thực nghiêm trọng trong những tháng cuối năm 2021. Bên cạnh đó, những hạn chế về tiếp cận nhân đạo là một yếu tố gây cản trở trầm trọng các nỗ lực kiềm chế khủng hoảng lương thực và ngăn chặn nạn đói.
Biến đổi khí hậu gây ra hiện tượng thời tiết cực đoan như lũ lụt, hạn hán, cùng với xung đột và bất ổn chính trị tái diễn ở nhiều quốc gia, đặc biệt là châu Phi, đi kèm với sự thiếu hụt hệ thống hỗ trợ của chính phủ và cộng đồng, khiến người dân các nước này phải vật lộn với tình trạng đói nghèo cùng cực trong nhiều thập kỷ. Một chu kỳ hạn hán lặp lại cũng đang đẩy nhiều cộng đồng dân cư ở nhiều quốc gia châu Phi rơi vào thảm họa thiếu lương thực.
Các tác động về kinh tế và sức khỏe của đại dịch Covid-19 đã khiến hàng triệu người dân trên khắp thế giới tiếp tục rơi vào cảnh nghèo đói và tuyệt vọng trong năm 2021, khi họ mất đi cơ hội có thu nhập, mất sinh kế, khả năng tiếp cận thực phẩm và dịch vụ cơ bản bị hạn chế.
Trước thực trạng này, Liên hợp quốc kêu gọi thế giới cùng chung tay đóng góp và thực hiện các hoạt động nhân đạo khẩn cấp để cứu trợ cho những điểm nóng này. FAO và WFP cam kết thực hiện các chương trình nhằm bảo vệ, khôi phục và cải thiện sinh kế cho người dân ở các khu vực bị ảnh hưởng, nhằm giảm các mối đe dọa ảnh hưởng đến nông nghiệp, dinh dưỡng, an ninh lương thực và an toàn thực phẩm. Giám đốc điều hành WFP David Beasley cho biết, ước tính, tổ chức này cần 6 tỷ USD để thực hiện các chương trình cứu trợ nhân đạo khẩn cấp cho người dân ở các vùng chịu thảm họa mất an ninh lương thực.
Theo Quandoinhandan
Ý kiến ()