Nam Trà My (Quảng Nam): Hơn 100 cây quế già trên 100 năm tuổi được gìn giữ, bảo vệ
Thôn 2 xã Trà Vân, huyện Nam Trà My là một trong những địa phương nổi tiếng nghề trồng quế của tỉnh Quảng Nam. Nơi đây, ngoài sự bạt ngàn của rừng quế, đồng bào Ka Dong địa phương còn đang lưu giữ nhiều cây quế có tuổi đời trên trăm năm tuổi. Đây là không chỉ niềm tự hào của người dân mà còn được các cấp chính quyền địa phương khuyến khích để bảo vệ.
Hiện nay, trên địa bàn nóc Ông Ní (thôn 2, xã Trà Vân) có hơn 100 cây quế tuổi đời trên 100 năm là di sản quý báu mà đồng bào Ka Dong nơi đây gìn giữ
Xã Trà Vân có 10 nóc (10 khu dân cư) của 3 thôn; riêng thôn 2 có 3 nóc với hơn 260 hộ dân, đa số là đồng bào Ka Dong. Từ bao đời nay, bà con đồng bào Ka Dong nơi đây sống bằng nghề làm nông, ngoài trồng lúa rẫy, ngày nay đồng bào còn trồng thêm lúa nước và các cây lâm sản, trong đó nổi tiếng là trồng quế và keo.
Theo già làng nóc Ông Ní- Bùi Xuân Đùng (60 tuổi), trên địa bàn của nóc Ông Ní hiện có toàn nóc có trên 100 cây quế có tuổi đời trên 100 năm tuổi. Đây là “Di sản” quý mà ông bà của đồng bào trong nóc trồng, gìn giữ để lại cho con cháu đến ngày nay. Từ hơn 100 cây quế già này đủ để cung cấp giống cho đồng bào trồng và bán sản phẩm quế giống cho các địa phương lân cận.
“Hiện nay, mỗi cây quế già (trên 100 năm tuổi) này cho thu hoạch gần 90 lôn (lon sữa bò)/năm; trong khi giá thị trường 01 lôn khoảng 50 ngàn đồng (tương đương 4,5 triệu đồng). Ngoài giá trị kinh tế, những cây quế già còn là biểu tượng, niềm tin của đồng bào như là các vị “thần rừng” mỗi ngày vẫn che chở, hộ mệnh cho dân làng”- già làng Hồ Văn Đùng cho biết.
Theo ông Hồ Văn Huyện, Phó Chủ tịch UBND xã Trà Vân, niềm tin “thần rừng” là những cây quế già trên 100 năm tuổi của đồng bào Ka Dong ở Nóc Ông Ní nói riêng và nhiều nóc khác của xã Trà Vân rất lớn. Đồng bào Ka Dong quan niệm, mỗi cây quế già là vị thần rừng đang ngày đêm chứng kiến cuộc sống của đồng bào,đồng thời cho quà và vỏ quế để nuôi sống bà con. Các cấp chính quyền từ huyện đến xã và thôn cũng rất ủng hộ, thường xuyên động viên đồng bào bảo vệ các cây quế già này. Chúng tôi cho rằng, với việc gìn giữ hơn 100 cây quế già ở nóc Ông Ní là mô hình điểm giúp đồng bào Ka Dong trong xã nâng cao nhận thức bảo vệ rừng; mặt khác cũng là hướng phát triển kinh tế bền vững cho người dân sống dưới tàn rừng.
Cây quế 150 tuổi ở nóc Ông Ní phải 3 người ôm mới xuể
Nói về “di sản” rừng quế già tại nóc Ông Ní, ông Hồ Quang Bửu, Chủ tịch UBND huyện Nam Trà My không khỏi tự hào: “Nếu các địa phương khác đều có ý thức bảo vệ, gìn giữ rừng quế như đồng bào Ka Dong ở nóc Ông Ní (thôn 2, xã Trà Vân) thì chắc chắn hướng phát triển kinh tế bền vững dưới tán rừng của huyện chúng tôi sẽ thành hiện thực lâu rồi. Rất tiếc là không ít nơi trong huyện, người dân vì lợi ích kinh tế trước mắc mà khai thác quế sớm, từ đó làm mất đi nhiều cánh rừng quế lâu đời của Bắc Trà My- vốn nổi tiếng của Quảng Nam bào đời nay (“Quế Trà My hương rừng thơm bát ngát….”- ông Bửu tự hào lời bài hát Quảng Nam yêu thương mà người Quảng Nam ở bất cứ đâu cũng thuộc nằm lòng.
Liền mạch từ những trăn trở của mình, Chủ tịch UBND huyện Nam Trà My Hồ Quang Bửu cho biết thêm: Ngoài cây sâm Ngọc Linh, sắp tới Nam Trà My sẽ lấy cây quế và một số cây dược liệu khác thành sản phẩm thế mạnh, mũi nhọn của địa phương. Để thực hiện thành công chiến lược kinh tế của huyện miền núi này, đến nay huyện đã hoàn thành quy hoạch theo đề án phát triển cây quế Trà My; đồng thời cũng đang tiến hành mua lại hơn 100 cây quế già (trên 100 năm tuổi), giao cho cộng đồng dân cư nơi cây quế sống quản lý, bảo vệ và khai thác hạt giống, cung cấp cho nhu cầu ươm, trồng quế con tại cộng đồng dân cư đó. Mặt khác, đây cũng là biện pháp thiết thực để bảo vệ và nâng cao ý thức giữ rừng của đồng bào địa phương”- ông Hồ Quang Bửu chia sẻ.
Ngoài ra, ông Bửu cũng không ngần ngại cho hay ý tưởng khá độc đáo của lãnh đạo huyện Nam Trà My là sắp tới đây huyện sẽ đưa vào khai thác tour du lịch với trọng tâm là du lịch Sâm trên đỉnh Ngọc Linh và tham quan rừng quế trên 100 năm tuổi. Trước mắt huyện đang đầu tư con đường từ chân núi núi lên đỉnh Ngọc Linh dài hơn 5 km và sẽ tổ chức Lễ hội sâm núi Ngọc Linh vào cuối tháng 6 tới đây. Hiện, huyện cũng đã hoàn thành Đề án Sâm Ngọc Linh- Sâm Việt Nam và đang đề nghị HĐND, UBND tỉnh Quảng Nam đưa vào chương trình vốn trung hạn (2016-2020) của tỉnh để phát triển cây Sâm Ngọc Linh, mở ra hướng phát triển cây Sâm Ngọc Linh theo đúng với tiền năng mà thiên nhiên đã ban tặng cho Nam Trà My./.
Theo dangcongsan
Ý kiến ()