Nam Thanh chuyển dịch nhanh cơ cấu kinh tế
Về thăm mảnh đất Anh hùng năm xưa, xã Nam Thanh, huyện Nam Trực (Nam Định), chúng tôi được nghe Bí thư Đảng ủy xã Nguyễn Mạnh Cường bộc bạch niềm vui về sự đổi thay của vùng quê nổi tiếng là cần cù trong lao động, kiên cường anh dũng trong kháng chiến cứu nước và giàu truyền thống hiếu học, khuyến học.Không cam chịu đói nghèo, Đảng bộ, chính quyền xã quyết tâm phá thế độc canh cây lúa, từ năm 1990, mạnh dạn đưa nghề mới tiểu thủ công nghiệp về thôn, làng. Thành công rõ nét là một làng nghề chuyên gia công cơ khí, đúc nhôm mang tên Bình Yên ra đời, phát triển mạnh mẽ, không chỉ chiếm lĩnh thị trường trong huyện, tỉnh mà đã vươn ra cả nước. Làng nghề thu hút 250/500 hộ gia đình trực tiếp sản xuất các đồ gia dụng từ nhôm như xoong, chảo, chậu, ấm, mâm. Tổng giá trị sản xuất đạt trung bình từ 50 đến 60 tỷ đồng mỗi năm; thu hút thường xuyên hơn một nghìn lao động tại chỗ với mức thu nhập khoảng ba triệu đồng/ tháng/một lao động.Trong âm vang...
Không cam chịu đói nghèo, Đảng bộ, chính quyền xã quyết tâm phá thế độc canh cây lúa, từ năm 1990, mạnh dạn đưa nghề mới tiểu thủ công nghiệp về thôn, làng. Thành công rõ nét là một làng nghề chuyên gia công cơ khí, đúc nhôm mang tên Bình Yên ra đời, phát triển mạnh mẽ, không chỉ chiếm lĩnh thị trường trong huyện, tỉnh mà đã vươn ra cả nước. Làng nghề thu hút 250/500 hộ gia đình trực tiếp sản xuất các đồ gia dụng từ nhôm như xoong, chảo, chậu, ấm, mâm. Tổng giá trị sản xuất đạt trung bình từ 50 đến 60 tỷ đồng mỗi năm; thu hút thường xuyên hơn một nghìn lao động tại chỗ với mức thu nhập khoảng ba triệu đồng/ tháng/một lao động.
Trong âm vang tiếng máy, tiếng búa dát nhôm, Bí thư Chi bộ thôn Bình Yên Đoàn Văn Cải cho biết, bà con nơi đây thật sự phấn khởi trước chủ trương phát triển nghề mới do xã phát động, rồi tạo điều kiện thuận lợi cho các hộ gia đình yên tâm sản xuất. Đồng chí Bí thư chi bộ cho biết, hiện tại gia đình cũng bắt đầu 'bén duyên' với nghề cơ khí, đúc nhôm. Trước mắt đã có mười lao động làm ngay tại nhà chuyên gia công dát nhôm cho các hộ sản xuất khác trong làng nghề. Thu nhập của người lao động ở đây khá ổn định, thợ phổ thông được trả 90 nghìn đồng một ngày công, còn thợ tay nghề cao được nhận từ 160 nghìn đồng đến 180 nghìn đồng một ngày công. Hiện nay, cơ cấu kinh tế của Nam Thanh có sự dịch chuyển nhanh, nông nghiệp chỉ chiếm 37%, còn lại là công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp và thương mại, dịch vụ.
Nghị quyết Đại hội Đảng bộ xã lần thứ 12 xác định, đến năm 2015, nông nghiệp chỉ còn 30% nhưng sẽ tập trung đổi mới cơ cấu giống, cơ cấu mùa vụ nhằm đạt giá trị thu nhập cao trên đơn vị diện tích canh tác. Kinh tế phát triển ổn định, bộ mặt nông thôn ở Nam Thanh thay da đổi thịt từng ngày. Cho đến nay, 100% số hộ dân dùng điện sinh hoạt và nước sạch hằng ngày; hệ thống giao thông từ xã đến các thôn, xóm được nhựa hóa, cứng hóa hoàn chỉnh; hai trường tiểu học và trạm y tế đạt chuẩn quốc gia.
Phong trào 'Khuyến học, khuyến tài' ở Nam Thanh đang là điểm sáng của toàn tỉnh với việc hình thành, phát triển sâu rộng mô hình 'Dòng họ khuyến học'. Có thể kể đến dòng họ Nguyễn thôn Tương Nam ủng hộ quỹ khuyến học thôn 200 triệu đồng; dòng họ Phạm thôn Hạ Lao xây dựng quỹ khuyến học mang tên 'Người mẹ Việt', đầu năm học phát thưởng từ 80 đến 90 triệu đồng cho con, em học khá giỏi và hỗ trợ 500 nghìn đồng một tháng cho con, em học đại học đến khi ra trường.
Chứng kiến sự đổi thay của quê hương, cụ Bùi Văn Khiển, 82 tuổi đời, 60 năm tuổi đảng ở thôn Quần Trà có lẽ là người cảm nhận rõ nét nhất. Cụ nói: Thời chống thực dân Pháp, tôi là xã đội trưởng đội du kích Minh Phú – Chấn Đông, đã từng bị địch bắt rồi giam cầm tại đề lao Nam Định. Đời tôi trước cách mạng không biết đến chăn bông, quanh năm ngủ chuồng trâu, nghèo khó. Nhờ ơn Đảng, Nhà nước, đến nay đời sống cải thiện, chín người con đều trưởng thành, trong đó sáu người tốt nghiệp đại học, ba con trai đang là sĩ quan Quân đội, bản thân cụ Khiển hiện là Chủ tịch Hội sinh vật cảnh của xã. Điều đáng mừng là cùng với nhiệm vụ lãnh đạo phát triển kinh tế – xã hội, Đảng bộ xã Nam Thanh thường xuyên làm tốt công tác đền ơn đáp nghĩa người có công; khơi dậy trong các tầng lớp nhân dân, nhất là thế hệ trẻ truyền thống kiên cường, bất khuất của quê hương. Trong kháng chiến chống thực dân Pháp, xã là căn cứ địa có các cơ sở bí mật của huyện, nơi đi về, nuôi giấu cán bộ cách mạng, đồng thời là điểm xuất phát của Đại đoàn 320, bộ đội tỉnh, huyện và du kích xã để tiến công, ngăn chặn đường hành quân càn quét của địch qua quốc lộ 21 xuống các huyện phía nam tỉnh. Trải qua chín năm kháng chiến trường kỳ gian khổ, Đảng bộ, nhân dân và LLVT xã Nam Thanh phối hợp bộ đội chủ lực, du kích các xã lân cận tổ chức đánh hơn 100 trận lớn nhỏ, tiêu diệt 152 tên, trong đó có quan hai Pháp Sa-li-ơ và 57 lính Âu – Phi, thu nhiều vũ khí, quân trang, quân dụng, phá tám ban tề, góp phần giải phóng quê hương. Quyết tâm bảo vệ từng tấc đất thiêng liêng của Tổ quốc, xã đóng góp hơn hai nghìn người tham gia quân đội, du kích và dân công hỏa tuyến, trong đó có 75 người anh dũng hy sinh trong kháng chiến, chín đồng chí thương binh, một Bà mẹ Việt Nam Anh hùng, một đồng chí lão thành cách mạng và bảy người bị địch bắt tù đày. Với thành tích đặc biệt xuất sắc, Nhà nước vừa quyết định trao tặng Đảng bộ, nhân dân và LLVT xã Nam Thanh danh hiệu 'Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân' thời kỳ kháng chiến chống thực dân Pháp (1945-1954).
Trên mảnh đất Anh hùng đang có sự tiếp nối truyền thống của lớp cha anh năm xưa, và sự đồng tâm, hiệp lực trong dựng xây quê hương trên đường CNH-HĐH đất nước.
Theo Nhandan
Ý kiến ()