Nam Sudan: Các khu vực bị cô lập tiếp tục nhận được cứu trợ nhân đạo
Trong một nỗ nhằm giúp đỡ người dân Nam Sudan vượt qua khủng hoảng, Chương trình Lương thực Thế giới (WFP) và Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc (UNICEF) ngày 28/3 đã khởi động một chương trình hỗ trợ khẩn cấp cho một trong những khu vực bị cô lập nhất vì ảnh hưởng bởi xung đột ở nước này.
Trẻ em ở bang Jonglei, Nam Sudan đã phải đi lánh nạn vì bối cảnh xung đột (Ảnh: UN) |
Đây cũng được coi là một phần trong nỗ lực ứng phó chung nhằm tăng cường hoạt động cứu trợ khẩn cấp giữa bối cảnh khủng hoảng tiếp tục leo thang tại Nam Sudan. Theo đó, WFP và UNICEF đã dùng máy bay trực thăng và thả dù để phân phát cứu trợ cho khoảng 30.000 người cần được hỗ trợ khẩn cấp ở Akobo, bang Jonglei, gần khu vực biên giới của Nam Sudan với Ethiopia. Hoạt động này nhằm cung cấp lương thực, vắc-xin, chất dinh dưỡng và các vật phẩm thiết yếu khác cho người dân. WFP và UNICEF cũng đã thiết lập các điểm phân phối khẩn cấp.
Akobo là địa phương đầu tiên được WFP và UNICEF triển khai thực hiện chương trình hỗ trợ khẩn cấp mới này. Ngoài ra, 14 địa phương khác cũng đã được lên kế hoạch trong tháng tới, nhằm hỗ trợ cho khoảng 250.000 người dân bị cô lập, do ảnh hưởng từ bối cảnh xung đột ở các bang Jonglei, Nile Thượng và Unity. Một số cơ quan khác dự kiến cũng tham gia vào chương trình này.
Đại diện của UNICEF tại Nam Sudan Jonathan Veitch cho biết: “Trẻ em và các gia đình ở Nam Sudan đang phải đối mặt với thách thức chưa từng có, với những dấu hiệu đáng ngại về tình trạng suy dinh dưỡng và dịch bệnh”. Ông khẳng định, trong bối cảnh mùa mưa đang đến gần, các cơ quan nhân đạo cần triển khai khẩn trương các hoạt động hỗ trợ. Đây sẽ là phương thức hữu hiệu để tránh một thảm họa nhân đạo có thể xảy ra.
Trước đó, ngay từ đầu tháng này, WFP đã bắt đầu chuỗi các hoạt động phân phát cứu trợ thông qua thả dù tại các khu vực bị cô lập ở Nam Sudan – những nơi gặp rất nhiều khó khăn trong việc tiếp cận.
Kể từ khi bạo lực nổ ra giữa các lực lượng ủng hộ Tổng thống đương nhiệm Nam Sudan Salva Kiir và các lực lượng ủng hộ cựu phó Tổng thống Riek Machar vào giữa tháng 12/2013, hơn 700.000 người đã phải đi lánh nạn ở trong nước. Khoảng 250.000 người khác đã phải đi tị nạn ở các quốc gia láng giềng như Uganda, Ethiopia, Kenya và Sudan.
Theo CPV
Ý kiến ()