"Năm Sài Gòn" và những chuyện lần đầu hé lộ
Một gương mặt rất quen. Một cái tên không hề xa lạ. Rất nhiều những bộ phim điện ảnh và truyền hình đã có ông góp mặt. Nhưng đó là tất cả gia tài mà nghệ sĩ Dũng Nhi gom góp được sau 37 năm làm nghề – không giải thưởng, không danh hiệu. Không hội viên của bất kỳ một hội chuyên ngành văn học nghệ thuật!
Chẳng dám hỏi ông vì sợ bất nhã, nhưng tôi đồ rằng, giải thưởng cống hiến mà Tạp chí Truyền hình VTV vừa vinh danh (cho khả năng diễn xuất trong bộ phim Ngõ lỗ thủng mà ông và diễn viên Trần Hạnh cùng nhận đầu 2010 vừa rồi) có lẽ là sự ghi nhận duy nhất mà ông từng có.
Vốn nổi tiếng rất kiệm lời với báo giới, ông đồng ý xới tung quá khứ vang bóng một thời, bằng những câu chuyện lần đầu hé lộ. Xin được chia sẻ với độc giả, những lát cắt đời và nghiệp của ông mà “có thể bạn chưa biết”, khi bộ phim mới nhất “Bí thư tỉnh uỷ” mà ông vào vai chính đã đi gần hết chặng tiền kỳ.
Làm diễn viên nhờ duyên số
Một nhà giáo chỉn chu, mực thước là hình ảnh mà người gặp Dũng Nhi lần đầu dễ liên tưởng. Ông cười “Đúng là tôi đã từng có dăm sáu năm đứng trên bục giảng. Dạy Văn, trường điểm đàng hoàng”. Duyên do đến với nghiệp cầm phấn, theo ông, khá buồn cười. “Năm tôi vừa tốt nghiệp phổ thông, 1967, cũng là niên học duy nhất cả nước không tổ chức kì thi tuyển sinh vào đại học. Học sinh được phân về các trường, căn cứ vào bảng điểm và có cả chút xíu… lý lịch gia đình. Tôi về Cao đẳng Sư phạm, học ba năm. Môn yêu thích nhất là Sinh vật, nhưng nhìn vào kết quả học tập của tôi, người ta phán: khá thế này, cho vào khoa Văn. Ngày ấy, quan niệm trong trường là nhất Văn, nhì Toán, Sinh Hoá chỉ khiêm tốn vị trí thứ ba”.
Nghệ sĩ Dũng Nhi trong phim “Đường đời”. |
“Năm tôi chuẩn bị ra trường, mẹ tôi – diễn viên Thu Hà của Đoàn kịch nói trung ương đi diễn dài ngày. Lên chỗ sơ tán chia tay mẹ, tôi gặp đạo diễn Quốc Long, lúc bấy giờ đang cùng đạo diễn nổi tiếng Trần Đắc tìm kiếm gương mặt đảm nhận nhân vật anh hùng Lê Mã Lương cho bộ phim “Bài ca ra trận”. Họ hỏi, tôi gật. Thử vai xong, vừa được chọn thì tôi có lệnh lên đường nhập ngũ. Đoàn phim trình bày, ban tuyển quân bảo: “Đất nước cần Lê Mã Lương trực tiếp cầm súng chứ không cần trong phim”.
Dũng Nhi vào Quảng Trị, chiến đấu ở Thành cổ suốt 81 ngày đêm. Rồi người ta lục lại hồ sơ, thấy nhà có ba con trai thì hai đã là liệt sĩ, chàng lính trẻ được xuất ngũ.
Cầm giấy ra quân về trường, Dũng Nhi lại gặp đoàn phim Bài ca ra trận ngay ở cổng chính. Thời đó, mỗi phim chuẩn bị cả hai, ba năm trời mới quay. Vậy là vai diễn được trả lại cho anh lính vẫn còn khét lẹt mùi thuốc súng.
Duyên số thế nào, phim nhựa mới nhất, cũng có thể là cuối cùng trong đời diễn viên của ông lại mang tên Hoài vũ trắng, nhân vật Dũng Nhi đóng lại là Giám đốc Bảo tàng lịch sử quân sự. Ngày thu hình, ông gặp lại vị tướng ngoài đời, với câu nói nổi tiếng “cuộc đời đẹp nhất là trên trận tuyến chống quân thù”. Ông bảo, “phim đầu, phim cuối, đều đóng Lê Mã Lương. Đúng là sự trùng hợp kì lạ”.
Rẽ ngang sang điện ảnh một hai phim nhưng ông vẫn chọn nghiệp gõ đầu trẻ. Chỉ đến khi đoàn phim Ngày ấy bên sông Lam chấm Dũng Nhi vào vai người lãnh đạo phong trào Xô viết Nghệ Tĩnh bị truờng từ chối, ông mới đầu quân cho Xưởng phim. Nhưng không phải là vai trò diễn viên mà đi dần từng nấc: thư ký, trợ lý đạo diễn rồi phó đạo diễn cho đến lúc về hưu.
Dũng Nhi rất có duyên với những nguyên mẫu nổi tiếng trong đời thực. Đời diễn viên hấp dẫn bởi được hoá thân vào nhiều dạng vai, rất nhiều cảnh đời. Nhưng đựơc thể hiện những nhân vật nổi tiếng có thật, với tần suất dày đặc như Dũng Nhi có lẽ cũng là “của hiếm”. Ngoài anh hùng Lê Mã Lương (vai Nam) kể trên, ông còn đóng chiến sĩ cách mạng trung kiên Tô Hiệu (vai Tông Hiến) trong Lời anh chưa kịp nói. Rồi nhân vật nhà văn Nguyễn Tuân (vai Nguyễn) ở Mê thảo- Thời vang bóng, tay giang hồ khét tiếng Năm Sài Gòn trong tiểu thuyết Bỉ vỏ. mới nhất có ông thứ trưởng Cao Đức Cẩm từ nguyên mẫu Mai Văn Dâu trong Chạy án 1&2. và Bí thư tỉnh uỷ Hoàng Kim, nguyên mẫu “cha đẻ khoán hộ” Kim Ngọc…
Ông cũng là người có duyên với cả những cái “đầu tiên” của điện ảnh Việt Nam. Phim màn ảnh rộng đầu tiên – Sao tháng Tám, phim nhựa màu đầu tiên- Ngày ấy bên sông Lam, phim video đầu tiên – Bỉ vỏ. Ba cái đầu tiên khó quên ấy, Dũng Nhi đều vào vai chính.
Cầm chống chầu, kéo đàn violon: Chuyện nhỏ!
“Cả đời diễn viên, may ra có một vai diễn ấn tượng như Nguyễn – trong phim – ông bảo. Và để có được tính chân thực tối đa, Dũng Nhi quyết định bỏ hẳn nửa năm tầm sư học đạo những ngón trống chầu từ ca nương Bạch Vân. Ca trù, hát ả đào không dễ học. Vậy mà sau những ngày dài chăm chỉ lĩnh hội, Dũng Nhi không những diễn tả chính xác những tiếng thưởng- tiếng phạt khi cây dùi gõ vào tang trống mà còn đủ trình độ trình diễn cùng “sư phụ” ngay tại Bích Câu đạo quán. Đoàn phim ngỏ lời đỡ ông chút tiền học phí, Dũng Nhi gạt ngay: “Là diễn viên nên phải biết, không biết thì phải học”.
Và vai cha của Cao Thanh Lâm, trong phim Chạy án. |
Với phim truyền hình “Niệm khúc cho người cha”, lại một nhân vật giỏi chơi đàn violon. Kỹ xảo, xử lý góc máy khôn khéo hay thậm chí sử dụng người đóng thế, không khó. Nhưng với bản tính cầu toàn, Dũng Nhi lại mất gần hai tháng cho những kĩ thuật cơ bản để kéo ác-sê, để ngón tay bấm phím, để đặt cây vĩ cầm thế nào cho chuẩn. Vậy mà trong một trường đoạn, khi người cha già thả hồn vào một bản nhạc, ông còn kỳ công nhờ một nhạc công “xịn” biểu diễn thị phạm chính nhạc phẩm đó, và thực hiện y chang. Cung cách làm nghệ thuật nghiêm túc, hết mình như thế, thời buổi này khó tìm như lá mùa thu.
Không sai lời thoại, dù là một dấu chấm phẩy
Rất nhiều đồng nghiệp đã dành những lời đánh giá rất cao cho nghệ sĩ Dũng Nhi, bởi sự kĩ càng, nghiêm túc đến từng chi tiết của ông trước ống kính. Và bởi khả năng thuộc thoại “siêu đẳng” của ông. Nhớ ngày làm phim “Mùa lá rụng”, nhà biên kịch Thùy Linh, trong lần lên thăm đoàn làm phim cứ nhấn đi nhấn lại, “cố gắng đừng sai thoại của em đấy nhé”. Dũng Nhi cười, “chờ đấy, cứ thử kiểm tra cái đoạn dài thượt thằng em Luận mắng mỏ ông anh trung tá xem có sai chút gì, dù chỉ là dấu chấm dẩu phẩy không nhé”.
Ông diễn xong, Thùy Linh gật đầu, “chẳng sai sót tí gì thật”. “Thưởng cái gì bây giờ, cho anh hôn một cái nhé”, Dũng Nhi đùa, còn nữ biên kịch, vốn chẳng mấy hiền lành, đành đỏ mặt chạy mất.
Thành công trong những dạng vai trái ngược nhau
“Đã xem “Bỉ vỏ” chưa, ông này mà đóng mấy thằng đểu thì cũng kinh lắm đấy”. Đó là lời đạo diễn Quốc Trọng nói với biên kịch Diệu Hương và biên tập Thùy Linh khi cả hai biểu lộ thái độ ngạc nhiên khi biết vai Khoái trong Ngõ lỗ thủng được dành cho Dũng Nhi. Phim công chiếu, vẻ tưng tửng vừa đáng yêu vừa đáng ghét của anh bộ đội phục viên ranh mãnh, láu cá ham chơi bời và bồ bịch lăng nhăng ấy tạo được ấn tượng mạnh cho khán giả.
Đó cũng là câu trả lời cho những nghi kị, xôn xao khi gương mặt chính diện chuyên vào vai cộng sản như ông đựơc “nhắm” cho nhân vật giang hồ cốt cán đất cảng Năm Sài Gòn. Tay anh chị dẻo “khai”, “mõi”, sẵn sàng giết người không ghê tay đựơc Dũng Nhi diễn tả ngọt. Đến nỗi, trong trường đoạn Năm trổ tài “hai ngón’, ông quay phim còn ngơ ngác hỏi diễn viên đã móc được ví chưa. Thấy Dũng Nhi gật đầu, ông đành đề nghị quay lại, với lời đề nghị “anh Năm” thực hiện chầm chậm cho khán giả còn kịp… nhìn. Hỏi Dũng Nhi học hỏi “đại ca” nào mà cao thủ võ lâm thế? Bí quyết hoá ra năm bảy năm trời đi học xuyên qua chợ trời của cậu học trò nhỏ. Chẳng gương mặt anh chị nào, chẳng ngón nghề giật dọc, đâm chém, ăn cắp, ăn cướp, thanh toán băng đảng nào mà ông chưa từng được chứng kiến. Vốn sống giúp ông nhập vai Năm sài Gòn “ngon ơ”, “còn dễ hơn tập đánh trống, kéo đàn nhiều ấy chứ”.
Chưa bao giờ mang được đồng thù lao vai diễn nào về nhà
Bao năm, góp mặt trong vài chục đầu phim – cả màn ảnh lớn lẫn nhỏ, rong ruổi khắp mọi miền đất nước đến nỗi có khi một năm chỉ ở nhà có mấy ngày, vậy mà Dũng Nhi tự nhận, “may mà bà xã đảm đang, vén khéo mới chèo chống được cả một gia đình. Trông vào mấy ông chồng nghệ sĩ như tôi, sớm muộn gì cũng chết đói”. Ông bảo, mình chỉ “trung thành” với VFC, bởi chí ít xuất xưởng từ đó đều là những phim nghiêm túc. Phim xã hội hoá ư, xin chịu, dù cát sê chắc chắn cao hơn. Ông cũng bảo, đời mình chẳng bao giờ có thể thu hình song song hai phim. Và bởi không phải diễn viên được đào tạo bài bản, ông chỉ có một cách duy nhất để nhập vai, đó là hoàn toàn nhập tâm vào nhân vật. Nhập được nhiều thì thành công, nhập chưa tới thì nhân vật hỏng. Chính vì thế, dư âm của những phận đời đa diện, đầy những dằn vặt nội tâm ấy thường “đeo bám” theo Dũng Nhi rất lâu sau đó, dù phim đã đóng máy. Và chỉ một vai diễn mới, trong một bộ phim mới đủ sức kéo ông thoát ra.
Một lần duy nhất trong đời, ông được đề nghị cát-xê vượt khung 15 triệu cho bảy tháng trời lăn lộn trên phim trường Mê thảo Thời vang bóng, so với 8 triệu theo quy định. “Phim xong lộn túi tìm ngược tìm xuôi chẳng tìm nổi đồng nào. Đành tặc lưỡi, đúng là số thật”.
Chỉ mong lột tả phần nào cái thần của “cha đẻ khoán hộ”
Nhận vai Bí thư Hoàng Kim trong bộ phim dài 50 tập mang tên “Bí thư tỉnh ủy”, sau mấy tháng trời bám trụ Vĩnh Phúc, ngay trên mảnh đất quê hương khoán hộ, chặng đường nhọc nhằn của Dũng Nhi đã gần đến đích. “Phim đã đi dần đến những tập cuối và càng về sau càng căng thẳng, nặng nề và khó khăn hơn”.
Đi đi về về trước khi phim bấm máy tới dăm lần, gặp gỡ nhiều người mà ấn tượng về ông Kim Ngọc vẫn còn vẹn nguyên trong trí nhớ, tham khảo nhiều nguồn tư liệu, Dũng Nhi đã dần có những hình dung tương đối hoàn chỉnh về vị bí thư luôn “do dân, vì dân” này. Cảm động nhất là lần thu hình cuộc họp trong Ủy ban, mấy bà già ngoại bát tuần ngồi xem phía ngoài, qua monitor đã khóc sụt sùi. Hỏi tại sao, các cụ nói, “thấy nhớ ông Kim Ngọc quá”. Phu nhân của Bí thư tỉnh uỷ, lần đầu nhìn thấy Dũng nhi đã nhận xét, “anh ấy khá giống ông nhà tôi”. Ông Kim Nam ,con trai cụ thì đi đâu cũng bá vai Dũng Nhi, “xin giới thiệu với mọi người, ông cụ nhà tôi đây”.
“Tôi chỉ mong lột tả được phần nào thần thái, ý chí của nhân vật ghi danh trong lịch sử này. Và chuyển tải được những gì mà ông đã một lòng một dạ để lại cho thế hệ mai sau” – Dũng Nhi thổ lộ trước khi trở lại trường quay – ở đó, có một tập thể đang hết mình cho một tác phẩm chính luận có giá trị ra đời.
Ý kiến ()