Nam Quan phát huy thế mạnh đồi rừng
LSO- Nam Quan là xã đặc biệt khó khăn của huyện Lộc Bình. Những năm qua, để cải thiện đời sống cho người nông dân, cấp ủy, chính quyền xã đã làm tốt công tác tuyên truyền, vận động bà con phát huy hiệu quả tiềm năng, thế mạnh đồi rừng.
Xã Nam Quan có trên 560 hộ gia đình, trên 2.280 nhân khẩu cùng sinh sống ở 12 thôn bản. Với 3/4 diện tích là đồi núi, nhận thức rõ, làm tốt công tác trồng rừng thì đời sống người dân mới bớt khó khăn nên ngay từ những năm 90 của thế kỷ trước, một trong nhiệm vụ được cấp ủy, chính quyền xã đặc biệt quan tâm là làm tốt công tác tuyên truyền, vận động để người dân tích cực trồng rừng. Vì vậy, phong trào trồng rừng trên địa bàn xã phát triển khá sớm. Từ các dự án 661, 327, trồng cây phân tán… đến năm 2007, toàn xã đã trồng được trên 1.500 ha rừng thông. Đến nay, toàn xã đã trồng được trên 2.000 ha rừng, gần 80% diện tích đồi rừng đã được phủ xanh bởi thông với 90% số hộ có rừng.
Người dân huyện Lộc Bình khai thác nhựa thông
Song song với trồng rừng, công tác quản lý, bảo vệ rừng, phòng cháy chữa cháy rừng (PCCCR) được xã đặc biệt quan tâm. Trước đây khi chưa có rừng, bà con thường làm nương, đốt rẫy bất cẩn để ngọn lửa cháy lan vào rừng. Nhưng đến nay công tác bảo vệ, PCCR được xã đặc biệt quan tâm, thực hiện thường xuyên, liên tục, nhất là vào mùa khô với quyết tâm làm thay đổi từ nhận thức đến hành động của người dân. Ông Lý Văn Ly, Chủ tịch UBND xã cho biết: Hàng năm, ngoài tuyên truyền tại xã, các ban, ngành, đoàn thể còn phối hợp với các thôn bản tổ chức tuyên truyền lồng ghép nâng cao nhận thức, ý thức bảo vệ, PCCR được hơn 10 cuộc cho người nông dân. Trong đó, đặc biệt lưu ý những nguyên nhân dẫn đến cháy rừng để người dân chủ động phòng tránh như: kiểm tra, thăm rừng thường xuyên, phát quang tràng cỏ, bụi rậm quanh rừng, không mang mồi lửa vào rừng, không đốt tổ ong, tổ kiến trong rừng… Bên cạnh đó, từ khi rừng bắt đầu cho khai thác (2010) thì ý thức bảo vệ, PCCR của người dân được nâng lên rõ rệt. Bởi cháy rừng xảy ra, người bị thiệt hại đầu tiên chính là chủ rừng. Do đó, từ năm 2012 đến nay, trên địa bàn cơ bản không xảy ra cháy rừng.
Năm 2010, một số rừng thông trồng đợt đầu tiên của xã đã bắt đầu cho khai thác. Một số hộ đạt mức thu nhập từ 30 đến 50 triệu đồng/năm từ khai thác nhựa thông. Đây là một khoản thu nhập lớn mà trước đó chỉ dựa vào cây lúa, ngô người dân chưa bao giờ có được. Bà Nông Thị Pít, thôn Khòn Mùm cho biết: gia đình có 4 ha thông, 2 ha đã cho khai thác nhựa được 2 năm. Mỗi năm thu được 30 triệu đồng, góp phần nâng cao đời sống.
Hiện xã có trên 200 ha rừng thông đang cho khai thác nhựa. Do có thu nhập từ rừng, đời sống của người dân đã và đang được cải thiện đáng kể. Nhiều hộ có điều kiện xây dựng, sửa chữa nhà cửa, mua sắm máy móc phục vụ sản xuất. Tỷ lệ hộ nghèo của xã đã giảm từ trên 56% năm 2010 đến nay còn 36%.
Bài, ảnh: ĐỨC ANH
Ý kiến ()