Nam Mỹ ưu tiên thúc đẩy hội nhập khu vực
Hội nghị cấp cao các nhà lãnh đạo Nam Mỹ diễn ra tại thủ đô Brasilia của Brazil đã ra tuyên bố chung, trong đó ưu tiên thúc đẩy hợp tác và hội nhập khu vực. Với một loạt chủ đề được đưa ra thảo luận, các nhà lãnh đạo Nam Mỹ coi tăng cường đoàn kết và thống nhất là một phần quan trọng của các giải pháp nhằm giúp khu vực ứng phó những thách thức chung.
Hội nghị cấp cao các nhà lãnh đạo Nam Mỹ. (Ảnh: TTXVN) |
Là hội nghị cấp cao Nam Mỹ đầu tiên trong gần một thập kỷ qua, Hội nghị Brasilia thu hút sự tham gia của lãnh đạo cao nhất đến từ 12 quốc gia trong khu vực, trừ Peru. Hội nghị tập trung thảo luận một loạt vấn đề quan trọng, trong đó nổi bật là thúc đẩy hội nhập khu vực, phối hợp chống biến đổi khí hậu và lạm phát tăng cao.
Phát biểu tại phiên khai mạc, Tổng thống nước chủ nhà Luiz Inacio Lula da Silva nhấn mạnh tính cấp bách trong việc tăng cường hội nhập khu vực, trong đó các quốc gia Nam Mỹ phải đẩy mạnh các hành động cụ thể vì sự phát triển bền vững, hòa bình và hạnh phúc của người dân. Ông cũng nêu bật ý chí khởi động lại các cơ chế hội nhập khu vực, đề cập đến Liên minh các quốc gia Nam Mỹ (UNASUR) mà Brazil và Argentina cùng tuyên bố tái gia nhập hồi tháng trước.
Kêu gọi các nhà lãnh đạo Nam Mỹ thiết kế một lộ trình hội nhập mới trong vòng 120 ngày, Tổng thống Brazil đưa ra một loạt chương trình hợp tác cụ thể để lãnh đạo các nước cùng thảo luận và xem xét, bao gồm sáng kiến thiết lập một đồng tiền chung cho Nam Mỹ nhằm giảm sự phụ thuộc vào các loại ngoại tệ trong lĩnh vực thương mại, đồng thời tạo điều kiện thuận lợi và giảm bớt thủ tục xuất nhập khẩu hàng hóa.
Với dân số gần 450 triệu người, các nước Nam Mỹ là thị trường tiêu dùng quan trọng và là nền kinh tế lớn thứ 5 thế giới.
Với dân số gần 450 triệu người, các nước Nam Mỹ là thị trường tiêu dùng quan trọng và là nền kinh tế lớn thứ 5 thế giới. Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) kết hợp của các quốc gia Nam Mỹ ước đạt 4.000 tỷ USD trong năm 2023. Ông Lula da Silva đề xuất kích hoạt lại hợp tác trong lĩnh vực y tế và giáo dục, thúc đẩy các dự án phối hợp trong cuộc chiến chống biến đổi khí hậu và tạo ra một thị trường năng lượng chung cho toàn Nam Mỹ.
Trong bối cảnh thế giới đang đối mặt nhiều thách thức, các mối đe dọa ngày càng gia tăng đối với hòa bình và an ninh quốc tế, áp lực đối với chuỗi cung ứng lương thực và năng lượng, cũng như nguy cơ xảy ra đại dịch mới và khủng hoảng khí hậu, các nhà lãnh đạo của 12 quốc gia Nam Mỹ nhất trí tăng cường quan hệ giữa các nước, thúc đẩy hòa bình và hợp tác dựa trên đối thoại và tôn trọng sự đa dạng của các dân tộc.
Trong tuyên bố chung “Đồng thuận Brasilia”, các nước Nam Mỹ khẳng định quyết tâm thúc đẩy phát triển bền vững, công bằng xã hội, pháp quyền, ổn định thể chế, chủ quyền và không can thiệp vào công việc nội bộ của nhau. Thúc đẩy phát triển kinh tế và xã hội, đấu tranh chống đói nghèo, bất bình đẳng và phân biệt đối xử cũng là những vấn đề được ưu tiên giải quyết.
Tuyên bố chung nêu rõ, các nước Nam Mỹ sẽ cùng nhau giải quyết vấn đề biến đổi khí hậu, đồng thời thúc đẩy hợp tác trong quá trình chuyển đổi năng lượng và tăng cường năng lực y tế, cũng như trong cuộc chiến chống tội phạm xuyên quốc gia. Về lĩnh vực kinh tế, các nhà lãnh đạo Nam Mỹ nhất trí tăng cường thương mại và đầu tư giữa các quốc gia trong khu vực, cải thiện cơ sở hạ tầng và nâng cao chuỗi giá trị, đồng thời tạo thuận lợi cho hội nhập thương mại và tài chính, trong đó ưu tiên loại bỏ các biện pháp mang tính đơn phương.
Những mục tiêu quan trọng khác được nêu ra trong tuyên bố chung bao gồm xây dựng một khu vực thương mại tự do hiệu quả và duy trì đối thoại thường xuyên để thúc đẩy quá trình hội nhập của Nam Mỹ, qua đó giúp khẳng định tiếng nói của khu vực trên trường quốc tế. Chuẩn bị cho một lộ trình hội nhập khu vực sâu rộng, các nhà lãnh đạo Nam Mỹ quyết định thành lập một ủy ban do Bộ trưởng Ngoại giao các nước đứng đầu với mục đích đánh giá kinh nghiệm của các cơ chế hợp tác.
Đáng chú ý, sau khi tham dự Hội nghị tại Brasilia, Tổng thống Colombia thông báo nước này sẽ gia nhập trở lại UNASUR-tổ chức mà Colombia đã rút khỏi năm 2018.
Mặc dù còn tồn tại những khác biệt, song các nước Nam Mỹ đang nỗ lực tăng cường đối thoại và đoàn kết để xây dựng một khu vực thống nhất nhằm đối phó các thách thức chung. Tổng thống Lula da Silva cho biết, các nhà lãnh đạo Nam Mỹ không tái lập UNASUR mới, nhưng sẽ đưa ra một định dạng khác với ý tưởng chính là xây dựng một khối thống nhất trong các vấn đề kinh tế, đầu tư và môi trường, vì hòa bình và phát triển ở khu vực.
Nguồn:https://nhandan.vn/nam-my-uu-tien-thuc-day-hoi-nhap-khu-vuc-post755504.html
Ý kiến ()