Về Hữu Lũng những ngày này, chúng tôi cảm nhận được những đổi thay trên từng thôn, xã. Bà con nhân dân tiếp tục đẩy mạnh việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi và nỗ lực chung tay trong phong trào xây dựng nông thôn mới. Trao đổi với chúng tôi, lãnh đạo UBND huyện Hữu Lũng cho biết, năm 2013, Hữu Lũng sẽ ưu tiên việc xây dựng cơ chế, chính sách ưu đãi đầu tư thông thoáng, tạo điều kiện thuận lợi cho các nhà đầu tư, các doanh nghiệp và nhân dân đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội. Tranh thủ kết hợp với các nguồn vốn khác để nâng cấp hệ thống hạ tầng, đặc biệt chú trọng đường giao thông nông thôn với sự chỉ đạo quyết liệt, kiên trì cùng sự tham gia tích cực của các ban ngành, xã, thị trấn. Huyện cũng sẽ quyết liệt hơn nữa trong chỉ đạo triển khai chương trình xây dựng nông thôn mới. Đồng thời, quan tâm đầu tư các lĩnh vực văn hóa, y tế, giáo dục, nâng cao đời sống nhân dân. Một năm mới lại đến, hy vọng, những giải pháp trên sẽ giúp Hữu Lũng có bước đột phá trong chiến lược phát triển kinh tế - xã hội, mang lại cuộc sống ấm no, đầy đủ hơn cho người dân nơi đây.
LSO-Chúng tôi về Hữu Lũng trong những ngày đầu năm 2013. Cái lạnh buốt của mùa đông không làm giảm đi sự vui tươi, phấn khởi của người dân nơi đây. Trong năm 2012, mặc dù có một số chỉ tiêu không đạt kế hoạch, nhưng với sự nỗ lực của toàn huyện, kinh tế – xã hội của Hữu Lũng vẫn trên đà chuyển mạnh, đời sống nhân dân trên địa bàn được cải thiện cả về vật chất và tinh thần.
Chế biến gỗ tại Công ty cổ phần lâm sản Thịnh Lộc – Ảnh: Ngọc Hiếu
Ông Hoàng Văn Hùng, Phó Chủ tịch UBND huyện Hữu Lũng tâm sự: trong năm 2012, huyện Hữu Lũng phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức do tiếp tục chịu tác động không thuận lợi của tình hình suy giảm kinh tế thế giới, kinh tế trong nước. Chính vì vậy, trong tổng số 26 chỉ tiêu chủ yếu về phát triển kinh tế – xã hội của năm 2012 thì chỉ có 17 chỉ tiêu thực hiện đạt và vượt kế hoạch, còn 9 chỉ tiêu không đạt kế hoạch. Tuy nhiên, dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy, chính quyền từ huyện đến cơ sở và sự phấn đấu, nỗ lực của nhân dân các dân tộc trên địa bàn nên kinh tế – xã hội của huyện tiếp tục có sự phát triển, an ninh chính trị, trật tự – an toàn xã hội được giữ vững.
Theo cơ cấu kinh tế của huyện, nông lâm nghiệp vẫn là mặt trận hàng đầu. Mặc dù có đến 206 ha lúa mùa và ngô hè thu bị mất trắng do hạn hán, nhưng địa phương đã đẩy mạnh việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng, chủ động cung ứng giống, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật…. Do đó, sản lượng lương thực cả năm của huyện đạt 48.716 tấn, bằng 106% kế hoạch, các cây trồng khác về sản lượng vẫn được giữ vững. Vậy là an ninh lương thực đảm bảo, Hữu Lũng tập trung vào phát triển lâm nghiệp, công nghiệp và dịch vụ vốn là thế mạnh của huyện. Một trong những thế mạnh ấy là trồng rừng sản xuất. Có thể nói, rừng sản xuất của Hữu Lũng phát triển đứng tốp đầu toàn tỉnh, điều này càng được khẳng định với 1.574,6 ha diện tích rừng được trồng mới trong năm 2012.
Diện tích trồng rừng tăng, song hành với đó là dịch vụ nghề rừng cũng phát triển mạnh. Hiện toàn huyện có tới gần 10 cơ sở chế biến gỗ, nhiều doanh nghiệp nơi khác đổ về đặt xưởng băm dăm, bóc ép ván, tạo hàng ngàn công ăn việc làm tại địa phương, từ đó đã kích thích nghề rừng đi lên. Mừng hơn, mặc dù năm 2012 là một năm mà sản xuất công nghiệp và tiểu thủ công nghiệp của toàn tỉnh gặp nhiều khó khăn, thì ở Hữu Lũng, lĩnh vực này vẫn có những tín hiệu đáng mừng, giá trị sản xuất công nghiệp và tiểu thủ công nghiệp của huyện đạt 235.470 triệu đồng, đạt 94% kế hoạch, bằng 99,4% so với cùng kỳ.
Trong năm 2012, huyện tiếp tục triển khai một số công trình xây dựng cơ bản với tổng giá trị đầu tư 48.754 triệu đồng. Các công trình, dự án cơ bản đều được triển khai đúng tiến độ, kế hoạch đề ra. Kết cấu hạ tầng phục vụ cho ngành giáo dục được xây dựng và hoàn thiện. 100% số xã đều có cơ sở khám chữa bệnh, đáp ứng yêu cầu chăm sóc sức khoẻ người dân.
Hoạt động thương mại, dịch vụ ở Hữu Lũng diễn ra khá sôi động. Tổng mức bán lẻ và doanh thu dịch vụ xã hội của Hữu Lũng đạt 2.279 tỷ đồng. Các cơ sở kinh doanh thương mại, dịch vụ trên địa bàn hoạt động cung ứng đủ hàng hoá cho nhu cầu tiêu dùng. Các mặt hàng thuộc nhóm được nhà nước trợ giá, trợ cước luôn được đáp ứng kịp thời và đúng đối tượng. Phải đối mặt với khó khăn của tình hình, nhiều doanh nghiệp phải tạm dừng kinh doanh, hoặc điều chỉnh giảm mức sản xuất, nhưng số thu ngân sách toàn huyện vẫn đạt 47.213 triệu đồng, vượt 20% dự toán tỉnh giao. Điều đó nói lên nỗ lực vượt bậc của Hữu Lũng.
Về Hữu Lũng những ngày này, chúng tôi cảm nhận được những đổi thay trên từng thôn, xã. Bà con nhân dân tiếp tục đẩy mạnh việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi và nỗ lực chung tay trong phong trào xây dựng nông thôn mới. Trao đổi với chúng tôi, lãnh đạo UBND huyện Hữu Lũng cho biết, năm 2013, Hữu Lũng sẽ ưu tiên việc xây dựng cơ chế, chính sách ưu đãi đầu tư thông thoáng, tạo điều kiện thuận lợi cho các nhà đầu tư, các doanh nghiệp và nhân dân đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng kinh tế – xã hội. Tranh thủ kết hợp với các nguồn vốn khác để nâng cấp hệ thống hạ tầng, đặc biệt chú trọng đường giao thông nông thôn với sự chỉ đạo quyết liệt, kiên trì cùng sự tham gia tích cực của các ban ngành, xã, thị trấn. Huyện cũng sẽ quyết liệt hơn nữa trong chỉ đạo triển khai chương trình xây dựng nông thôn mới. Đồng thời, quan tâm đầu tư các lĩnh vực văn hóa, y tế, giáo dục, nâng cao đời sống nhân dân. Một năm mới lại đến, hy vọng, những giải pháp trên sẽ giúp Hữu Lũng có bước đột phá trong chiến lược phát triển kinh tế – xã hội, mang lại cuộc sống ấm no, đầy đủ hơn cho người dân nơi đây.
Trí Dũng
Ý kiến ()