Năm mã chứng khoán niêm yết tăng, giảm mạnh nhất tuần
Chỉ một tuần ngắn ngủi giữ vị trí quán quân nhóm tăng giá trên sàn HoSE, mã VLF đã trở lại với hình ảnh quen thuộc trong top giảm giá mạnh như 2 tháng gần đây.
Ảnh minh họa. (Nguồn: Doãn Đức/Vietnam )
Thống kê chi tiết của Công ty cổ phần Chứng khoán Sài Gòn-Hà Nội (SHS) ngày 16/10 cho thấy, trên sàn HoSE, thế chỗ VLF là mã JVC của Công ty cổ phần Thiết bị y tế Việt Nhật.
JVC đã có một tuần khởi sắc với 5 phiên tăng giá liên tiếp trong đó có 3 phiên tăng kịch trần. Tỷ lệ tăng giá trong tuần qua của JVC là trên 27%. Đây là sự thay đổi đáng kể của JVC bởi trong tuần đầu tiên của tháng Mười, đây chính là mã đứng đầu trong top mất giá nhiều trên sàn HoSE.
JVC vào thời điểm quý 2 đã liên tiếp phải hứng chịu những tin tức không mấy tích cực mà đặc biệt là việc nguyên Chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm giám đốc đã bị bắt tạm giam để phục vụ điều tra. Làn sóng bán tháo đã xuất hiện ở JVC trong tháng Sáu kéo giá cổ phiếu JVC liên tục chìm sâu.
Báo cáo trong khoảng thời gian từ 1/4 tới 30/6 của JVC cho thấy, lợi nhuận của công ty đã giảm tới hơn 18 tỷ đồng so với cùng kỳ năm ngoái, tương đương giảm 89%.
Trong giải thích với cơ quan chức năng, JVC cho rằng, ngoài biến cố về bộ máy lãnh đạo, việc một số dự án đang triển khai của đơn vị này trong quý 1 bị đình trệ cũng tác động tới kết quả kinh doanh.
Đứng sau JVC, HAX, CCI, BTT và THG là những mã còn lại của nhóm tăng giá mạnh nhất sàn HoSE với tỷ lệ tăng từ 17,73%-21,95%.
Ở chiều ngược lại, mã PTC của Công ty cổ phần Đầu tư và Xây dựng Bưu điện là mã mất giá nhiều nhất sàn sau 5 phiên giao dịch tuần này.
Có 2 phiên tăng nhẹ vào những ngày 13/10 và 16/10 nhưng 3 phiên còn lại mất giá đặc biệt là 2 phiên chạm sàn liên tiếp giữa tuần khiến PTC đánh rơi tổng cộng 1.400 đồng/cổ phiếu.
Báo cáo 6 tháng năm nay của PTC cho thấy doanh thu sụt giảm so với cùng kỳ năm ngoái và ở mức trên 32 tỷ đồng. Tuy nhiên, sau nửa đầu năm, PTC đang có mức lỗ là trên 6,4 tỷ đồng, giảm so với khoản lỗ gần 12,8 tỷ đồng trong 6 tháng năm ngoái.
Cũng trong nhóm giảm giá, mã VLF của Công ty cổ phần Lương thực thực phẩm Vĩnh Long sau 1 tuần khởi sắc đã quay lại nhịp lao dốc quen thuộc.
Theo báo cáo, doanh thu trong quý 2 của VLF chỉ đạt hơn 70 tỷ đồng, giảm sâu so với mức gần 404 tỷ đồng cùng kỳ năm ngoái. Sau 6 tháng, VLF đã lỗ tổng cộng trên 69 tỷ đồng. Trong khi ấy, cùng kỳ năm ngoái, công ty còn duy trì mức lãi trên 3,9 tỷ đồng.
Theo lý giải trước đó của công ty, nguyên nhân kết quả trên một phần do tình hình kinh doanh xuất khẩu gạo của Việt Nam gặp khó khăn, giá bán liên tục sụt giảm.
Bên sàn HNX, mã OCH của Công ty cổ phần Khách sạn và Dịch vụ Đại Dương với tỷ lệ tăng giá lên tới gần 35% dễ dàng chiếm vị trí quán quân nhóm tăng giá.
Trước đó, báo cáo 6 tháng của OCH cho thấy tình hình kinh doanh không mấy tích cực. Doanh thu của công ty trong 6 tháng giảm so với cùng kỳ năm ngoái và đạt trên 277 tỷ đồng. Con số này trong nửa đầu năm trước là trên 323 tỷ đồng.
Lợi nhuận sau thuế tính tới hết tháng Sáu năm nay của OCH qua đó đang âm hơn 78 tỷ đồng. Tình hình này trái ngược so với cùng kỳ năm 2014. Trước đó, trong 6 tháng năm ngoái, OCH còn ghi nhận mức lãi là gần 4,7 tỷ đồng.
Đứng vị trí số 2 nhóm tăng giá là mã DZM của Công ty cổ phần Chế tạo máy Dzĩ An. Theo báo cáo gần đây của DZM, doanh thu quý 2 của công ty có tăng so với cùng kỳ năm trước và đat khoảng gần 29 tỷ đồng. Lỗ quý 2 của DZM cũng giảm so với cùng kỳ năm ngoái. Theo đại diện công ty, phía DZM đã cắt giảm nhiều chi phí cố định giúp lỗ so với cuối tháng Sáu năm 2014.
Ở nhóm giảm giá, mã NGC của Công ty cổ phần Chế biến thủy sản xuất khẩu Ngô Quyền sau 1 tuần đứng đầu nhóm tăng giá đã bị tụt lại nhóm mất giá.
Mở đầu tuần với 1 phiên tăng tới 700 đồng/cổ phiếu, NGC sau đó mất đà và liên tục rớt giá. NGC sau 1 tuần đã mất giá khoảng gần 16% và đứng ở vị trí số 4 trong top 5 mã giảm giá mạnh trên sàn.
Mới đây, trong báo cáo quý 3 của NGC, doanh thu và lợi nhuận sau thuế đơn vị này đều có sụt giảm. Doanh thu trong quý 3 của NGC là trên 53,5 tỷ đồng, giảm so với mức hơn 78 tỷ đồng cùng kỳ năm ngoái. Lợi nhuận qua đó cũng ghi nhận chỉ là hơn 140 triệu đồng, thấp hơn nhiều mức lãi hơn 1 tỷ đồng quý 3 năm trước.
Theo giải thích của NGC, tình trạng thiếu hụt nhiên liệu cung cấp cho sản xuất kéo dài nhiều tháng là nguyên nhân ảnh hưởng lớn nhất khiến sản xuất sụt giảm.
Mất giá nhiều nhất sàn HNX tuần qua là mã VMI của Công ty cổ phần Khoáng sản và Đầu tư Visaco.
Như thông tin trước đó, doanh thu của công ty này sau 6 tháng đạt trên 80 tỷ đồng, vượt xa ngưỡng hơn 33 tỷ đồng cùng kỳ năm ngoái. Lợi nhuận sau thuế của phía VMI qua đó cũng tăng hơn 2 lần so với cuối tháng Sáu năm ngoái khi đạt hơn 5,9 tỷ đồng./.
Theo vietnamplus.vn
Ý kiến ()