Năm mã chứng khoán được giao dịch mạnh nhất trong tuần
Tuy nhiên, chỉ số VN-Index vẫn đóng cửa cuối tuần tại 554,51 điểm (-1.4%) còn HNX-Index là 80,29 diểm (-2.97%).
Quan sát diễn biến thị trường, nhóm cổ phiếu ngân hàng có sự phục hồi nhanh chóng và đóng vai trò dẫn dắt thị trường nhờ lực cầu mạnh từ khối ngoại đặc biệt là tại mã CTG.
Trong khi đó, dòng cổ phiếu dầu khí chỉ có một nhịp hồi tích cực với tin tức giá dầu thế giới và giá xăng trong nước tăng, sau đó hoạt động không còn tốt như thị trường chung. Các cổ phiếu blue-chip khác, như BVH, GAS, MSN, PVD, FPT hay VNM đều tích lũy đi ngang.
Mã OGC sau khi có thông tin Ngân hàng nhà nước mua lại giá 0 đồng/cổ phiếu có 6 phiên giảm sàn liên tiếp với dư sàn luôn trên mức 10 triệu đơn vị.
Thanh khoản thị trường vẫn ở mức thấp khi dòng tiền giao dịch vẫn thận trọng, bình quân đạt 92 triệu đơn vị /phiên tại HoSE và gần 43 triệu đơn vị/phiên tại HNX.
Về khối lượng giao dịch trên sàn HoSE, mã cổ phiếu FLC quay trở lại dẫn đầu về khối lượng giao dịch, đạt 49 triệu đơn vị. Tiếp đó, cổ phiếu HHS đã nhảy vọt từ vị trí thứ tư ở tuần trước đó lên vị trí thứ hai của tuần này, đạt 24 triệu đơn vị và các vị trí liền sau là KBC, HQC, HAI.
Sang tới sàn HNX, mã KLF kiên trì giữ vị trí đứng đầu về khối lượng chuyển nhượng và đạt gần 47 triệu đơn vị. Đứng thứ hai vẫn là FIT với khối lượng giao dịch đạt 17 triệu đơn vị. Bên cạnh đó, cổ phiếu PVS, PVX, SHB là những mã đứng ở các vị trí kế tiếp.
Về giao dịch của các nhà đầu tư nước ngoài, khối này vẫn tiếp tục xu hướng mua ròng tích cực trong tuần với 508 tỷ đồng tại HoSE và 69 tỷ đồng tại HNX.
Đáng chú ý, Quỹ VNM ETF cũng có tuần giao dịch hết sức tích cực khi tăng mua 600 nghìn chứng chỉ, giá trị tương đương gần 10 triệu USD và được chia đều trong 4 phiên giao dịch.
Thống kê trên sàn HoSE, khối ngoại mua ròng mạnh nhất là mã HHS với khối lượng 7,7 triệu đơn vị, tiếp đến là mã CTG, KBC, SSI, VCB.
Bên cạnh đó, khối ngoại đã bán ròng mạnh nhất tại mã VIC với khối lượng 3,1 triệu đơn vị và mã DXG đứng thứ hai, khối lượng bán ròng 2,3 triệu đơn vị.
Tại sàn HNX, mã SHB là cổ phiếu được nhà đầu tư nước ngoài mua ròng nhiều nhất và đạt gần 1,1 triệu đơn vị. Hai mã đứng ở những vị trí tiếp theo là HUT và SD5.
Ở chiều ngược lại, cổ phiếu PVX đã bị các nhà đầu tư nước ngoài bán ròng nhiều nhất với 298.800 đơn vị, tiếp đến là IVS, PVC, KLC, SDT.
Tuần qua, thị trường đón nhận những thông tin vĩ mô đa chiều và phần nào đã tác động lên tâm lý giao dịch chung của thị trường, như giá xăng điều chỉnh tăng 1.950 đồng/lít kể từ ngày 5/5, Ngân hàng Nhà nước bất ngờ quyết định tăng tỷ giá bình quân liên ngân hàng thêm 1% từ 21.458 VND/USD lên 21.673 VND/USD.
Theo giới phân tích, nhìn từ góc độ kỹ thuật, phiên ngày 4/5 chỉ số VN-Index mất hơn 17 điểm đã khiến chỉ số này chính thức rơi xuống dưới đường trung bình 20 ngày (SMA20) sau các phiên liên tiếp đi ngang và không bứt phá khỏi các đường SMA trung, dài hạn phía trên.
Song, một số chuyên ra vẫn đánh giá mốc hỗ trợ 540 điểm tỏ ra khá vững chắc. Bởi, các phiên hồi phục sau đó đã cho thấy khả năng giảm sâu xuống dưới ngưỡng hỗ trợ này trong các phiên giao dịch tới là khó xảy ra.
Tuy nhiên để có một xu hướng tích cực, giới chuyên gia vẫn cho rằng tính thanh khoản của thị trường cần được cải thiện và VN-Index phải bứt phá khỏi mốc cản 560 điểm mới tạo thành tín hiệu đảm bảo cho sự hồi phục trở lại của chỉ số.
Số liệu thống kê do Công ty cổ phần Chứng khoán Sài Gòn-Hà Nội (SHS) cung cấp.
Ý kiến ()