Năm học mới và kỳ vọng đổi thay
Học sinh và các trường học trên cả nước bắt đầu bước vào năm học mới 2022-2023 trong niềm vui hân hoan, phấn khởi. Bộ Giáo dục và Ðào tạo đã chỉ đạo ngành giáo dục các tỉnh, thành phố tổ chức lễ khai giảng theo hướng gọn nhẹ, phù hợp điều kiện của địa phương, nhà trường nhưng vẫn tạo không khí vui tươi, ý nghĩa. Bộ cũng đề nghị các trường phối hợp tốt với cha mẹ học sinh để tạo sự đồng thuận, chia sẻ, hỗ trợ ngành giáo dục thực hiện tốt nhiệm vụ năm học đã đề ra.
Một trong những nhiệm vụ trọng tâm được các địa phương, cơ sở giáo dục triển khai là rà soát, bổ sung trang thiết bị dạy học, đồ dùng, đồ chơi; sửa chữa, nâng cấp trường, lớp học; ưu tiên đầu tư cơ sở vật chất, thiết bị dạy học tối thiểu bảo đảm thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông mới; cung cấp đủ sách giáo khoa cho học sinh, không để xảy ra tình trạng thiếu sách giáo khoa đầu năm học. Các nhà trường cần bố trí nguồn kinh phí hợp lý để mua sách giáo khoa cho các thư viện trường học, tổ chức cho học sinh mượn sách giáo khoa để học tập; vận động học sinh quyên góp, ủng hộ sách giáo khoa cũ vào thư viện để học sinh các lớp sau tiếp tục được mượn và sử dụng.
Các cơ sở giáo dục không được vận động học sinh hoặc cha mẹ học sinh, học viên mua xuất bản phẩm ngoài danh mục sách giáo khoa đã được phê duyệt và các địa phương đã lựa chọn, dưới bất kỳ hình thức nào. Các đơn vị liên quan không lập danh mục, đóng gói thành bộ sách giáo khoa kèm sách bài tập, sách tham khảo và các tài liệu khác ngoài danh mục sách giáo khoa đã được phê duyệt, lựa chọn để học sinh, cha mẹ học sinh mua và sử dụng.
Ðáng chú ý, sở giáo dục và đào tạo các địa phương hướng dẫn và giám sát các cơ sở giáo dục thực hiện đúng quy định về quản lý thu, chi tài chính; công khai các khoản thu, chi đầu năm học; chú trọng thanh tra, kiểm tra việc lựa chọn sách giáo khoa theo chương trình giáo dục phổ thông năm mới; hoạt động dạy thêm, học thêm, quản lý và sử dụng sách tham khảo theo quy định…
Các cơ sở giáo dục ban hành kế hoạch giáo dục của nhà trường trong cả năm học bảo đảm nội dung chương trình giáo dục theo quy định. Việc tổ chức các hoạt động đầu năm học cần phù hợp với lứa tuổi học sinh, điều kiện của nhà trường, gắn với thực tế của địa phương; chú trọng xây dựng văn hóa học đường ngay từ những ngày đầu năm học. Bên cạnh đó, các cơ sở giáo dục triển khai các giải pháp bảo đảm an ninh, an toàn trường học, chủ động phòng, chống và ứng phó hiệu quả với thiên tai, dịch Covid-19 và các dịch bệnh khác.
Mặc dù có sự chuẩn bị kỹ lưỡng cho năm học mới nhưng thực tế cho thấy, năm học mới 2022-2023, việc trang bị cơ sở vật chất trường, lớp học còn gặp nhiều khó khăn trong việc đáp ứng nhu cầu đổi mới giáo dục. Những vấn đề về sách giáo khoa, trang thiết bị dạy học vẫn là gánh nặng với một số học sinh; tình trạng lạm thu đầu năm học còn tái diễn. Những nỗi lo về dịch bệnh, nhất là dịch Covid-19 vẫn hiện hữu. Vì vậy, để vượt khó, đạt kết quả tích cực, không chỉ cần sự nỗ lực của riêng ngành giáo dục mà còn cả sự chung tay góp sức của các bậc phụ huynh và toàn xã hội ngay từ đầu năm học.
Theo Nhandan
Ý kiến ()