Năm học mới, lạm thu vẫn thế
NDĐT – Ngay khi năm học mới bắt đầu, lãnh đạo Bộ Giáo dục – Đào tạo (GD-ĐT) đã có nhiều động thái tỏ ra kiên quyết trong việc xử lý tình trạng lạm thu trong các trường học. Nhưng liệu năm nay có là một “năm học khác”?
Thương mại hóa
Những ngày cuối tháng 8, khi các trường đang chuẩn bị khai giảng năm học mới, trường Tiểu học Văn Bình (Thường Tín, Hà Nội) đã gây xôn xao dư luận khi tổ chức may đồng phục cho học sinh với số tiền tương đương… một tạ thóc, bằng công lao động cả một mùa vụ của người nông dân. Vụ việc ngay lập tức được Sở GD-ĐT Hà Nội chấn chỉnh.
Chị T, có con vừa lên cấp 2 tại trường THCS Nguyễn Du, quận Hòan Kiếm, Hà Nội, méo mặt sau buổi họp phụ huynh đầu năm. Chị cho biết, mỗi học sinh lớp 6 được yêu cầu mua 1 bộ đồng phục mùa hè, 1 bộ dài tay mùa thu, 1 bộ thể dục, 1 váy, gilê, 1 áo khoác mùa đông… Tổng cộng khoản “tiền đồng phục” hết gần 2 triệu. Điều đáng nói là chất liệu áo mùa hè thì dày cộp, áo mùa thu lại mỏng tang, may ẩu.
Mặc dù đã có thông tư của Bộ GD-ĐT quy định về đồng phục học sinh nhưng xung quanh bộ đồng phục đã có rất nhiều điều cần bàn. Tiêu chí cơ bản của đồng phục là chất lượng, thẩm mỹ giá cả phù hợp với đa số phụ huynh dường như không được tính đến. Hiện nay, ai cũng biết các sản phẩm vào nhà trường đều phải có phần trăm hoa hồng. Do số lượng học sinh đông nên khoản phần trăm này cũng đáng kể.
Không riêng việc may đồng phục, nhiều hoạt động trong nhà trường hiện đã bị thương mại hóa. Chẳng hạn, tại trường THCS Nguyễn Du, quận Hoàn Kiếm, các cô giáo chủ nhiệm đề nghị các con dùng “đồng phục” vở, là loại có in sẵn tên và logo của trường ở bìa. Loại vở này, chất liệu giấy thua xa các loại vở Hồng Hà thường dùng.
Ngay từ khi năm học mới bắt đầu, Bộ GD-ĐT đã gửi công văn cho các Sở GD-ĐT yêu cầu chỉ đạo chấm dứt tình trạng lạm thu, thu góp sai quy định đầu năm học mới. Ngoài ra, đối với các khoản thu như lệ phí, quy định về thu của cha mẹ học sinh, các khoản thu tự nguyện, tài trợ…đã có các thông tư hướng dẫn cụ thể. Ông Lê Khánh Tuấn – Vụ phó Kế hoạch tài chính (Bộ GD-ĐT) nhận định: “Các quy định, hành lang pháp lý cho quản lý thu đã đầy đủ. Từ đầu năm đến nay Bộ GD-ĐT đã có rất nhiều văn bản chỉ đạo đầy đủ với các sở để thực hiện việc thu trong trường học”
Tuy nhiên, bên cạnh việc xây dựng hệ thống văn bản pháp lý để quản lý thu trong trường học cũng cần đề cập các nhóm biện pháp phối hợp triển khai giữa Bộ GD-ĐT và các cơ quan liên quan, cấp chính quyền địa phương. Sự phối hợp này dựa trên nguyên tắc ba công khai theo thông tư số 39 của Bộ GD-ĐT. Các địa phương, UBND các cấp có trách nhiệm chỉ đạo, kiểm tra giám sát, kịp thời xử lý các vấn đề xảy ra về lạm thu.
Nhưng vấn đề có vẻ là quy định vẫn ban hành còn quyền thực hiện là của các trường.
Theo lãnh đạo Bộ GD-ĐT, vào đầu năm học, một trong những nhiệm vụ trọng tâm của thanh tra Bộ sẽ là tăng cường giám sát việc lạm thu và kiên quyết cùng các địa phương xử lý thu không đúng quy định.
Theo ông Lê Khánh Tuấn, “Chúng tôi rất mong nhận được sự phối hợp từ cha mẹ học sinh. Chúng tôi mong muốn cha mẹ học sinh tham gia phát hiện để có thông báo kịp thời với các cơ quan quản lý và để các cơ quan quản lý xử lý các vấn đề không đúng trong thu.” Ông Tuấn cho biết.
Nhưng xem ra mọi việc không đơn giản.
Liệu có bao nhiêu bậc phu huynh dám đánh đổi “sự bình an” của con em mình để tố cáo sai phạm, cho dù “những điều trông thấy” quá nhức nhối .
Nên “chặt bớt” Cánh tay nối dài
Các khoản thu cho việc may đồng phục, mua sắm đồ dùng, trang thiết bị học tập, cải thiện cơ sở vật chất (mua sắm, lắp đặt máy chiếu, điều hòa…) hay các khoản thu khác hiện đều được hợp thức hóa thông qua đại diện của cha mẹ học sinh là Hội cha mẹ học sinh (CMHS) hay Ban phụ huynh. Không có gì lạ khi hội CMHS được ví như cánh tay nối dài của Hiệu trưởng hay giáo viên chủ nhiệm.
TSKH Phạm Đỗ Nhật Tiến – Nguyên trợ lý Bộ trưởng, Bộ GD-ĐT cho biết, từ khi ông tham gia xây dựng luật Giáo dục từ năm 1998, đã quy định bỏ Hội cha mẹ học sinh do ngay từ khi đó vì đã nhận thấy mô hình Hội CMHS sẽ dẫn tới rất nhiều tiêu cực trong nhà trường.
Hội CMHS cuối cùng chỉ trở thành một bộ phận để thu tiền, là đại diện cho tiếng nói của một thiểu số phụ huynh “có điều kiện”, nhiều khi vì lợi ích của bản thân và lợi ích của con cái mình mà áp đặt huy động sự đóng góp rất vô tội vạ đối với người khác mà không chú ý gì tới cái chung cả.
Mặc dù đã không còn trên danh nghĩa, nhưng hội CMHS từ đó đến nay vẫn tồn tại và thực tế đã dẫn tới rất nhiều chuyện: không giải quyết quyền lợi chính đáng của học sinh (lớp quá đông ảnh hưởng tới chất lượng học, phải học thêm dưới nhiều hình thức…) mà chỉ nhằm phục vụ cho lợi ích khác kể cả lợi ích của các cơ quan doanh nghiệp bên ngoài.
“Ngay như may đồng phục chẳng hạn, hai bên chia lợi ích với nhau cuối cùng chỉ có con em, học sinh là chịu thiệt thôi. Do đó tôi rất nhất trí phải xem xét lại hội cha mẹ học sinh, cần quy định rất rõ ràng, phải có cơ chế nào đó để kiểm soát được, mà tốt nhất là bỏ nó đi”- TSKH Phạm Đỗ Nhật Tiến nêu ra ý kiến.
Trong khi các nhà quản lý mong mỏi có sự phối hợp phát hiện từ phía cha mẹ học sinh thì đứng trên góc độ một phụ huynh có con em đang đi học, khi phát hiện chuyện bất hợp lý không mấy ai muốn lên tiếng. TSKH Phạm Đỗ Nhật Tiến cho rằng: “Thực ra một khoản đóng góp cũng không phải tốn kém lắm nhưng người ta cảm thấy có nhiều chuyện.” Nhưng: “Nói ra thì sợ, ảnh hưởng đến con cái. Tôi mà có con trong trường thì tôi cũng rất sợ chuyện đó, thế nên đành im lặng.” ông Tiến chia sẻ.
Trước kia chỉ là huy động tiền đóng góp của người dân để giáo dục bây giờ thành ra xu hướng huy động tiền đóng góp của người dân để tìm lợi nhuận trong giảng dậy, giáo dục. Tình trạng này cần được dẹp bỏ dứt khoát.
Ý kiến ()