Chủ nhật, 24/11/2024 01:00 [(GMT +7)]
Năm học mới: Lại nỗi lo "tiền trường"
Thứ 3, 18/09/2012 | 09:50:00 [(GMT +7)] A A
LSO-Năm học mới đến, cùng với niềm vui của con em khi gặp lại bè bạn, thầy cô…là nỗi lo lắng của các bậc cha mẹ về các khoản đóng góp. Và từ nhiều năm nay, khoản “ tiền trường” đã trở thành vấn đề quan tâm của toàn xã hội.
Cô giáo trường Tiểu học Lê Văn Tám, xã Hoàng Đồng
hướng dẫn học sinh lớp 1 trong giờ tập viết
Đưa cho tôi xem bảng kê các khoản đóng góp đầu năm cho cô con gái học lớp 4, chị Phan Thị Hằng, phường Chi Lăng (thành phố Lạng Sơn) như nén tiếng thở dài: “Chuẩn bị quần áo, sách vở cho 2 đứa con, đứa học lớp 12, đứa học lớp 4 đã hết dăm triệu, bây giờ lại đến khoản “tiền trường” cũng phải vài triệu nữa mới ổn. Đúng là lo cho con được cái chữ cũng không dễ chút nào”. Xem bảng kê “tiền trường” chị đưa cho, tôi đếm được tổng cộng có đến 13 khoản, thấp nhất là giấy thi, sổ liên lạc là 14 ngàn đồng, cao hơn là hỗ trợ 2 buổi/ ngày: 30 ngàn đồng, tiền trông trưa: 40 ngàn đồng, mua đồ dùng bán trú, điện nước, lao công giấy vệ sinh, các loại bảo hiểm, đồng phục mùa đông, mùa hè, quỹ khuyến học… tổng cộng là 950 ngàn đồng. Phân tích kỹ, khoản nào cũng cần thu, vì nếu không thu sẽ không có kinh phí chi cho các hoạt động hàng ngày của nhà trường.
Để hướng dẫn các nhà trường và cơ sở giáo dục thu “tiền trường” đầu năm học mới, ngày 31/8/2012, Sở Giáo dục – Đào tạo (GD&ĐT) đã có công văn số 1553 hướng dẫn thực hiện một số khoản thu, theo đó có 5 khoản là tiền học phí, tiền chi cho các dịch vụ, tiền đóng góp thỏa thuận, phí bảo hiểm và kinh phí hoạt động của hội cha mẹ học sinh. Căn cứ vào sự chỉ đạo của Sở GD&ĐT, Phòng GD thành phố đã tổ chức hội nghị cán bộ quản lý các nhà trường và có biên bản dự kiến các khoản thu ngoài ngân sách, quy định mức trần một số khoản thu tại các trường trên địa bàn. Triển khai thỏa thuận này, tùy theo điều kiện của từng trường, các nhà trường đã tính toán, thảo luận với hội cha mẹ học sinh về một số khoản thu trong năm học.
Là một trường có chất lượng giáo dục khá của thành phố, song các phòng chức năng của Trường THCS Vĩnh Trại rất chật hẹp và trong tình trạng xuống cấp nhanh. Tuy vậy, không vì cơ sở vật chất xuống cấp mà nhà trường huy động tiền đóng góp của học sinh. Cho chúng tôi xem danh mục các khoản thu đầu năm học mới của nhà trường, cô giáo Nguyễn Thị Lạng nói rằng, năm học này nhà trường có 1.135 học sinh, nên việc đóng góp các loại phí dịch vụ không quá cao. Trên cơ sở tính toán thu chi năm học trước, nhà trường đề ra mức thu như phí gửi xe đạp là 18 ngàn đồng/ xe/ tháng; điện thắp sáng 30 ngàn đồng/ năm; nước uống và nước sinh hoạt 35 ngàn đồng/ năm…Thấy chúng tôi chăm chú vào khoản thu tự nguyện của lớp 7A2, cô giải thích: “Đây chính là quỹ hội cha mẹ học sinh. Gọi là tự nguyện vì đúng là… tùy tâm. Có người góp đến 100 ngàn đồng nhưng cũng có nhiều người góp 50 ngàn, thậm chí có người chỉ góp 20 ngàn đồng”. Về khoản may đồng phục, nhà trường xác định chỉ học sinh đầu cấp, còn học sinh các lớp trước chỉ may bổ sung theo yêu cầu của gia đình. Trong 10 khoản đóng góp, nhà trường có chế độ miễn giảm cho con hộ nghèo, con gia đình mồ côi cả cha lẫn mẹ; trước mắt đã xác định được 14 cháu có hoàn cảnh khó khăn để miễn giảm.
Khác với Trường THCS Vĩnh Trại, Trường Tiểu học Lê Văn Tám (xã Hoàng Đồng) có 1 trường chính và 1 phân trường với tổng số 189 học sinh. Học sinh ít, lại là trường chuẩn quốc gia và học 2 buổi/ ngày nên bình quân đóng góp của học sinh khá cao như: tiền nước uống và sinh hoạt là 40 ngàn đồng/ năm, tiền giấy vệ sinh: 30 ngàn đồng/ năm, tiền thuê bảo vệ: 45 ngàn đồng/ năm, tiền lao công 70 ngàn đồng/ năm… Các khoản thu này tuy không vượt quá dự kiến của Phòng GD, cũng không cao hơn so với các trường khác, nhưng đối với người dân khu vực nông thôn còn nhiều khó khăn thì quả là một khoản không nhỏ.
Nhìn chung, các trường trên địa bàn thành phố đã thực hiện theo đúng hướng dẫn của Sở GD&ĐT, có sự bàn bạc dân chủ với ban đại diện hội cha mẹ học sinh và đảm bảo tính công khai trong thu, chi. Tuy vậy, các nhà trường cần rất linh hoạt trong việc thu, tránh thu dồn vào đầu năm gây khó khăn cho các gia đình học sinh. Mặt khác, khoản thu quỹ hội phụ huynh, quỹ khuyến học và nhất là bảo hiểm thân thể là hoàn toàn tự nguyện, không vì “thu thay, thu hộ” mà các nhà trường ghi vào “các khoản thu” gây tâm lý không thoải mái cho các bậc cha mẹ học sinh.
Đang tải dữ liệu
Poll
Ý kiến ()